Tìm ngành dễ có việc làm

15/02/2011 09:07 GMT+7

Những băn khoăn về ngành học, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng như thủ tục đăng ký dự thi đã được đại diện 12 trường ĐH, CĐ giải đáp cho hơn 700 học sinh trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM) vào sáng 14.2.

Không giới hạn số hồ sơ đăng ký dự thi

Sau khi nghe đại diện các trường giới thiệu các ngành nghề đào tạo, Quốc Anh (học sinh lớp 12A4) đặt ngay câu hỏi: “Em chưa chọn được ngành và trường sẽ đăng ký dự thi (ĐKDT) một cách chính xác, vậy có thể nộp nhiều hơn một hồ sơ (HS) trong mỗi đợt thi không?”.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, khẳng định: “Không có bất kỳ giới hạn nào về số lượng HS ĐKDT có thể nộp. Tuy nhiên, các em cần chú ý tới lịch thi của từng đợt để tránh lãng phí tiền bạc. Năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì hình thức thi 3 chung, với 3 đợt thi: đợt 1 cho bậc ĐH khối A và khối V, đợt 2 cho bậc ĐH của các khối còn lại, đợt 3 dành cho các trường CĐ có tổ chức thi”.

Cùng vấn đề trên, TS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM, nhắn nhủ: “Thí sinh nộp nhiều HS sẽ gây ra tình trạng thí sinh ảo, tốn kém cho nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, xét về góc độ quyền lợi thí sinh, tôi thực lòng khuyên các em nên làm nhiều HS. Bởi ngay thời điểm này, các em chưa có đủ thông tin để có sự lựa chọn chính xác nhất về ngành nghề mà mình sẽ theo đuổi suốt đời”.

Nhiều cơ hội việc làm

HS Trần Kim Ngân lại lo xa: “Khối ngành sư phạm và khối ngành công nghệ của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khác nhau như thế nào về cơ hội việc làm và học phí?”.

Thạc sĩ Hồ Thị Ánh Tuyết - Phó trưởng phòng Công tác sinh viên (SV) trường, trả lời: “Sự khác nhau trước hết là thời gian đào tạo, khối ngành công nghệ học 4 năm, trong khi khối sư phạm học 4 năm rưỡi. SV khối sư phạm không phải đóng học phí, trong khi khối công nghệ phải đóng học phí theo quy định của Bộ. Đặc biệt, khi tốt nghiệp ngoài nhận bằng kỹ sư như khối công nghệ, SV khối sư phạm còn được nhận thêm chứng chỉ sư phạm bậc 2”. Về cơ hội việc làm cho SV, bà Tuyết nói: “Theo thông tin khảo sát 5 năm gần đây, tỷ lệ SV có việc làm ngay sau 3 tháng tốt nghiệp đạt trên 85%. Trong đó, nhiều ngành nghề số SV tốt nghiệp không đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng”.

Trả lời câu hỏi về cơ hội việc làm của ngành Điều khiển tàu biển, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ nói: “Đây là một ngành truyền thống của trường cung cấp nhân lực cho ngành vận tải đường biển, cũng là ngành học đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Vì vậy, SV ra trường có việc làm với mức lương có thể lên tới 3.000 USD/tháng”.

Trong khi đó, Hoàng Trâm (học sinh lớp 12A1) băn khoăn: “Để làm bác sĩ nhi khoa, em cần phải học bao lâu, ra trường có thể chọn lựa bệnh viện mình muốn không?”. TS Xuân giải đáp ngay: “Em phải trải qua thời gian học tập 8 năm, trong đó chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa 6 năm và học chuyên khoa nhi thêm 2 năm. Ra trường, SV phải tự tìm việc làm. Tuy nhiên, nếu tốt nghiệp loại khá trở lên và thi đậu nội trú, trường sẽ giữ lại làm giảng viên, và bên cạnh đó là rất nhiều lời mời về làm việc từ các bệnh viện”.

Còn thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng: “Cơ hội việc làm có ở tất cả các ngành nghề. Đặc biệt, với những SV tốt nghiệp loại khá, giỏi và được trang bị nhiều kỹ năng mềm thì cơ hội việc làm sẽ càng cao”.

Buổi tư vấn dự kiến diễn ra trong 2 giờ nhưng do còn quá nhiều thắc mắc của HS nên ban tổ chức đã quyết định chia các trường thành từng nhóm và tiếp tục tư vấn ngay tại sân trường.

Thông tin mới về tuyển sinh của các trường 
 
- Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã được Bộ GD-ĐT cấp quyết định thành ĐH, tiến tới trở thành ĐH vùng bao gồm nhiều trường ĐH thành viên.

- Trường ĐH Tài chính - Marketing mở 2 chuyên ngành mới gồm: Thuế và Hải quan.

- Trường ĐH Luật TP.HCM thay đổi tên ngành đào tạo. Các ngành trước đây gồm Luật thương mại, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật hành chính, Luật quốc tế sẽ trở thành chuyên ngành của ngành Luật; Quản trị luật thành Quản trị kinh doanh.

- Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM mở ngành Kỹ thuật công trình ngoài khơi.

- Trường ĐH Kinh tế - Luật: Dự kiến điều chỉnh tên một số ngành: Kinh tế học, Kinh tế và quản lý công trước đây sẽ gộp thành 2 chuyên ngành trong ngành Kinh tế; ngành Luật dân sự sẽ đổi tên thành ngành Luật; 3 ngành Luật kinh doanh, Luật thương mại quốc tế, Luật tài chính - ngân hàng - chứng khoán sẽ gộp thành 3 chuyên ngành trong ngành Luật kinh tế.

- Trường ĐH Sài Gòn sẽ điều chỉnh tên ngành Thông tin - Thư viện trước đây thành ngành Khoa học thư viện; ngành m nhạc (gồm 3 chuyên ngành: Thanh nhạc, Lý luận âm nhạc, Chỉ huy hợp xướng) trước đây cũng chuyển sang ngành Thanh nhạc; ngành Tiếng Anh chuyển sang Ngôn ngữ Anh.

- Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM: Ngoài khối A, năm nay trường tuyển sinh thêm khối B cho ngành Khoa học vật liệu.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.