Làm mới ngành học để thu hút thí sinh

15/02/2011 22:22 GMT+7

Để kéo thí sinh vào học các ngành từng là thế mạnh của mình, một số trường đã có nhiều thay đổi trong cách thức đào tạo.

Ông Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, nhận định: “Một phần do định hướng nghề nghiệp của học sinh chưa tốt, nhưng không thể không kể đến nguyên nhân chủ quan từ phía các trường ĐH-CĐ. Vì sao các ngành học mất dần sức hút trong khi xã hội đang rất cần? Đó là vì việc đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Chẳng hạn không được cập nhật kịp thời về máy móc thiết bị, kỹ năng sử dụng thiết bị... khiến sinh viên (SV) ra trường chưa thể hội nhập được ngay. Bản thân những ngành học này cũng hơi khô khan, bó hẹp, chủ yếu đi vào chuyên môn, nên cần phải có những phương pháp giảng dạy sinh động, cuốn hút thì SV mới không chán”.

Theo ông Lộc, mấu chốt của vấn đề là đào tạo sao để SV ra trường có thể đi làm được ngay, có ngoại ngữ và kỹ năng mềm để thích ứng với mọi hoàn cảnh công việc. Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM là một trong những trường ĐH đầu tiên đưa kỹ năng mềm vào môn học chính thức. Bên cạnh đó, trường cũng dành 10% môn tự chọn cho SV ngành kỹ thuật có thể chọn những môn thuộc khối ngành kinh tế như kinh tế vĩ mô, quản trị nguồn nhân lực để làm “mềm hóa”, đa dạng hóa kiến thức.

Với ngành Thư ký văn phòng, thạc sĩ Trần Mạnh Thành - Hiệu phó trường CĐ Bách Việt, đưa ra ý tưởng: “Trường sẽ tổ chức tăng thêm những học phần phù hợp với xu hướng mới. Ví dụ, một chương trong nghiệp vụ thư ký được tách ra thành môn Tổ chức sự kiện học 60 tiết. Tăng cường thêm số tiết cho môn Quan hệ công chúng và truyền thông, tăng thêm thời lượng thực tế, thực hành như đưa SV đi tham quan các loại hình về hành chính tại doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Trường còn mở thêm 2 chuyên ngành mới của ngành Thư ký văn phòng là Thư ký giám đốc, Quan hệ công chúng và lễ tân”.

Những ngành ngày càng ít thí sinh dự thi

- Thiết kế may, Cơ tin kỹ thuật, Kỹ thuật in là những ngành chủ chốt của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhưng đến năm 2010, chỉ còn khoảng vài trăm hồ sơ. Một số ngành kỹ thuật lâu năm của trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM như Điện, Cơ khí cũng giảm đáng kể số lượng hồ sơ.

- Thạc sĩ Trần Mạnh Thành cho biết: “Thư ký văn phòng vốn là thế mạnh của trường trước đây. Có thời điểm trường tuyển sinh được 5-6 lớp, nhưng đến năm 2010 chỉ còn 3 lớp bậc CĐ và 1 lớp bậc TCCN”. Trong khi đó, trường Cán bộ TP.HCM năm 2010 chỉ tuyển được khoảng 10 SV, còn trường TC Tây Nam Á không tuyển được thí sinh nào.

- Lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào khối ngành sư phạm cũng giảm dần. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Phó phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đưa ra số liệu sau: năm 2000 được 43.000 hồ sơ đăng ký dự thi, sau đó giảm dần đến năm 2010 còn lại 17.000 hồ sơ.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.