Thế giới Ả Rập tiếp tục rung động

14/02/2011 11:21 GMT+7

Sự ra đi của tổng thống Tunisia và Ai Cập khiến nhiều lãnh đạo lâu năm trong thế giới Ả Rập “nhấp nhổm” trước làn sóng biểu tình lan rộng.

Biểu tình chống chính quyền vẫn chưa dừng lại tại Bắc Phi và Trung Đông, thậm chí còn có thể dữ dội hơn do được “tiếp sức” từ các kết quả ở Ai Cập và Tunisia. Tại vị từ năm 1970, lãnh đạo Libya Muammar Kadhafi đang “đứng ngồi không yên” vì lời kêu gọi biểu tình vào ngày 17.2, theo tờ Le Temps. Cùng tâm trạng đó là Tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh, Tổng thống Syria Bachar Al-Assad, Vua Abdallah II của Jordan, Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika...

Hôm 12.2, 30.000 cảnh sát được huy động tại thủ đô Algiers của Algeria để đối phó khoảng 2.000 người biểu tình chống Tổng thống Bouteflika, 74 tuổi, và nhậm chức từ năm 1999. Tuy nhiên, tình hình tại Algeria có thể sẽ không diễn biến như Ai Cập và Tunisia.

Trả lời phỏng vấn trên Le Monde, nhà nghiên cứu Luis Martinez nhận định biểu tình tại Algeria có thể diễn ra “dài hơi” hơn. Quân đội nước này không phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ như Ai Cập. Với 50 tỉ USD thu được từ bán dầu hỏa và chất đốt, chính quyền Algiers đủ khả năng “cầm cự” lâu dài. Mặt khác, EU cũng sẽ ít gây áp lực lên Algeria, nhà cung cấp 10% khí đốt và dầu của khối này.

Tại Yemen, cảnh sát hôm qua bắt giữ hàng trăm người biểu tình trên toàn quốc, theo AFP. Hiện nay 45% trong số 24 triệu dân Yemen đang sống dưới chuẩn nghèo khổ của LHQ (2 USD/ngày) dù nước này sản xuất 300.000 thùng dầu/ngày và có lượng khí đốt dự trữ lên tới 259 tỉ m3. Tình trạng này khiến hàng chục ngàn người phẫn nộ yêu cầu Tổng thống Saleh từ chức sau 21 năm cầm quyền.

Trong khi đó, bất ổn tại Tunisia vẫn chưa lắng dịu, một tháng sau khi Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali bị lật đổ. Người dân liên tục xuống đường phản đối chính phủ lâm thời bị coi là “tàn dư của chế độ cũ”. Tình trạng này khiến dòng người Tunisia đổ xô nhập cư trái phép vào Ý qua ngả Địa Trung Hải. Theo AFP, chỉ trong đêm 12.2 đã có 977 người đến đảo Lampedusa. Bộ trưởng Nội vụ Ý Roberto Maroni hôm qua cho hay đang cân nhắc khả năng triển khai lực lượng đến Tunisia để ngăn làn sóng di cư.

Trong một diễn biến khác, AFP hôm qua dẫn lời Mohammad Reza Naghdi, người đứng đầu lực lượng bán quân sự Basij của Iran cáo buộc tình báo phương Tây đang tìm kiếm một người bị tâm thần để tự thiêu tại Tehran nhằm kích động phong trào phản đối như tại Ai Cập, Tunisia. Basij có khoảng 100.000 thành viên và là một tổ chức rất có thế lực tại Iran.

Ông Mubarak có thể lưu vong tại UAE

Hôm qua, truyền thông vùng Vịnh cho biết nhiều khả năng cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sẽ lưu vong tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Hiện ông Mubarak được cho là đang tạm lánh ở thành phố cảng Sharm el-Sheikh, bên bờ biển Đỏ.

Quân đội Ai Cập hôm qua tuyên bố giải tán Quốc hội, đình chỉ Hiến pháp, thành lập một ủy ban sửa đổi Hiến pháp và sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về những điều khoản được thay đổi. Cùng ngày, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang cũng thông báo sẽ chỉ nắm quyền trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, dự kiến kéo dài trong 6 tháng trước khi tổ chức bầu cử dân chủ.

Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.