Những cuộc tập trận Mỹ - ASEAN

12/02/2011 22:21 GMT+7

Hằng năm, Mỹ thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận tại hoặc gần khu vực biển Đông cùng với một hoặc nhiều nước Đông Nam Á.

Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực biển Đông, đang ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược toàn cầu mới của Mỹ. Các cuộc tập trận của Washington tại vùng  này vì thế ngày càng thu hút sự chú ý của giới quan sát với sự tham gia không chỉ của Mỹ và các nước ASEAN mà còn có đại diện của nhiều quốc gia khác.  

Hổ mang vàng (Cobra Gold)

Từ một cuộc diễn tập quân sự chung khiêm tốn của lính thủy đánh bộ Thái Lan và Mỹ năm 1982, ngày nay Hổ mang vàng trở thành một trong những cuộc tập trận thường niên lớn nhất thế giới với sự tham gia và quan sát của hàng chục quốc gia. Malaysia là nước mới nhất góp mặt trong cuộc tập trận năm nay, tham gia thao diễn trên chiến trường cùng nước chủ nhà Thái Lan, Mỹ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Khoảng 30 nước, bao gồm một số nước ASEAN, làm quan sát viên tại Hổ mang vàng 2011 (CG 2011), kéo dài từ 7-18.2.

Hơn 11.000 binh sĩ, trong đó có 7.200 lính Mỹ, tập trận tại nhiều địa bàn ở Thái Lan. Ngoài các cuộc tập trận trên bộ, trên không và trên biển, CG 2011 còn có 17 dự án hỗ trợ nhân đạo, 8 dự án kỹ thuật và 9 chương trình trợ giúp y tế. Một cuộc tập trận sử dụng đạn thật mang tên PHIBTRAEX tại căn cứ Sattahip sẽ được tổ chức vào những ngày cuối của CG 2011.

Dẫu có nhiều vấn đề chính trị nội tại ở Thái Lan cùng những thăng trầm trong quan hệ giữa nước này với Mỹ, nhưng 3 thập niên qua, cuộc tập trận Hổ mang vàng về cơ bản đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác quân sự Thái - Mỹ. Washington chỉ đình chỉ cuộc diễn tập này 1 lần vào năm 1992, sau cuộc đảo chính 2 tháng trước đó, và nối lại hoạt động này ngay năm sau.

Trước đây, chỉ huy quân đội trong cuộc tập trận Thái - Mỹ cùng nhau chống lại kẻ thù chung, giả định là các nước xung quanh. Ngày nay các nước tham gia cuộc tập trận này nhằm giải quyết các vấn đề chung liên quan đến hòa bình, cũng như những vấn đề xuyên quốc gia khác, bao gồm chống cướp biển, ma túy và buôn người, hoạt động cứu trợ nhân đạo, đối phó thiên tai, xây dựng cộng đồng và hoạt động tái thiết. 

Carat

CARAT là một loạt các cuộc tập trận song phương thường niên giữa Hạm đội 7 của Mỹ với 7 quốc gia ASEAN. CARAT là chữ viết tắt của "Cooperation Afloat Readiness and Training", tức diễn tập duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của hải quân, do Mỹ đóng vai trò chủ chốt.

Bảy nước ASEAN tham gia các cuộc tập trận song phương hằng năm này bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Campuchia chỉ mới tham gia CARAT lần đầu tiên hồi năm ngoái. Mục tiêu của CARAT là tăng cường hợp tác trong khu vực, xây dựng quan hệ hữu nghị giữa Mỹ và các nước tham gia và nâng cao kỹ năng chuyên môn ở mọi cấp độ.

Phiblex

PHIBLEX là cuộc diễn tập tác chiến đổ bộ đường biển giữa quân đội Mỹ và quân đội Philippines được tổ chức hằng năm. Mục đích của cuộc diễn tập nhằm đảm bảo sự sẵn sàng chiến đấu, cải thiện khả năng tương kết và duy trì quan hệ hợp tác an ninh dài hạn giữa Mỹ và Philippines. PHIBLEX đầu tiên diễn ra vào năm 2003.

Cuộc tập trận năm ngoái được tổ chức quy mô lớn với hàng loạt hoạt động tác chiến giả định trên nhiều khu vực ở đảo Luzon nhằm nâng cao khả năng tiến công vào một khu vực có khủng bố cũng như tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến giữa máy bay và lực lượng đổ bộ đường biển. PHIBLEX 2010 cũng nhằm mở rộng hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines, trong bối cảnh Washington tuyên bố cần bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải trên khu vực biển Đông. 

Seacat

Đây là cuộc diễn tập thường niên hợp tác chống khủng bố giữa hải quân Mỹ và hải quân 6 nước ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. SEACAT năm ngoái là cuộc diễn tập thứ 9 bắt đầu từ năm 2002. Mục đích của cuộc diễn tập, được tổ chức ở Singapore, là tăng cường chia sẻ thông tin hàng hải và điều phối phản ứng an ninh trên biển.

Tại cuộc diễn tập năm 2010, lực lượng hải quân các nước tham gia tiến hành lập kế hoạch diễn tập tại Trung tâm chỉ huy và kiểm soát Changi tại căn cứ Hải quân Changi. Ngoài ra, lực lượng hải quân các nước còn tiến hành nhiều hoạt động khác, như theo dõi và tấn công các mục tiêu giả định là tàu thương mại hỗ trợ các hoạt động tội phạm và khủng bố trên biển. 

Cope Taufan

Cope Taufan (Taufan theo tiếng Malaysia có nghĩa là "cơn bão lớn") là cuộc tập trận được Không lực Hoàng gia Malaysia và Không lực Mỹ tổ chức 2 năm một lần tại Butterworth gần bờ biển phía tây bắc nước này. Cuộc tập trận chung Mỹ - Malaysia bắt đầu diễn ra từ đầu thập niên 1980 nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên không và thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn giữa 2 nước đồng minh.

Tại cuộc tập trận gần đây nhất vào năm 2009, Mỹ điều phi đội máy bay tiêm kích số 67 F-15 Eagle (Fighter Squadron) khi đó được bố trí tại căn cứ không quân Cadena của Nhật Bản tới Malaysia để diễn tập cùng các phi đội máy bay tiêm kích chiến đấu Mig-29 và F/A-18 Hornet của Không lực Hoàng gia Malaysia. 

Commando Sling

Loạt diễn tập thường niên này bắt đầu vào năm 1990 nhằm huấn luyện kỹ năng tác chiến trên không cho các đơn vị chiến đấu của không lực Mỹ và Không lực Singapore. Những cuộc diễn tập này cho phép các đơn vị không quân tăng cường khả năng tác chiến, cải tiến quy trình thực hiện các chiến dịch trên không tại một căn cứ không phải của Mỹ, đồng thời củng cố quan hệ đối tác giữa 2 nước.

Loạt diễn tập Commando Sling 11 bắt đầu vào tháng 11.2010 và sẽ kéo dài đến tháng 7.2011. Không lực Mỹ điều các chiến đấu cơ phản lực F-16 Falcon và máy bay tiêm kích F-15 Eagle từ các căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật đến Singapore để tham gia diễn tập. 

Cope Tiger

Cope Tiger là một cuộc diễn tập không quân đa phương, thường niên lớn được tiến hành tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả các chương trình hỗ trợ nhân đạo và dân sự. Cuộc diễn tập này sẽ diễn ra tại các căn cứ không quân Korat và Udon Thani tại Thái Lan.

Cope Tiger nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng phối hợp và khả năng tác chiến giữa quân đội các nước tham gia, đồng thời tăng cường cam kết của quân đội Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và chứng minh khả năng điều phối các lực lượng chung và hỗn hợp một cách chiến lược trong một môi trường đa phương.

Năm ngoái, Cope Tiger quy tụ 1.600 binh sĩ, gồm 500 lính Mỹ và 1.100 lính Thái Lan và Singapore. Tham gia cuộc diễn tập huấn luyện này có tổng cộng 120 đơn vị phòng không và máy bay, trong đó có 21 máy bay của Mỹ, bao gồm các loại máy bay vận tải C-130 Hercule và C-17 Globemaster III, máy bay tấn công A-10 Thunderbolt II, máy bay kiểm soát và cảnh báo trên không E-3 Sentry, và máy bay tiêm kích F-15 Eagle. 

Rimpac

RIMPAC (Vành đai Thái Bình Dương) là cuộc diễn tập hải quân quốc tế lớn nhất thế giới. Sự kiện này được tổ chức 2 năm/lần tại Honolulu, bang Hawaii của Mỹ dưới sự chủ trì của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương.

RIMPAC đầu tiên diễn ra vào năm 1971, bao gồm các lực lượng của Mỹ, Canada và Úc. Ba nước này tham gia đầy đủ các cuộc tập trận được tổ chức từ đó đến nay. Các nước tham gia thường xuyên là Anh, Chile, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Peru. Các nước được mời tham gia với tư cách quan sát viên bao gồm Ấn Độ, Colombia, Ecuador, Mexico, Nga, Pháp và Trung Quốc cùng 5 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Mỹ phái đến cuộc diễn tập này hàng chục ngàn binh lính, hàng trăm máy bay cùng nhiều tuần dương hạm, khu trục hạm và tàu ngầm. Quy mô cuộc diễn tập thay đổi theo từng thời điểm tổ chức. RIMPAC thứ 22 diễn ra năm ngoái thu hút sự tham gia của hơn 150 máy bay, 34 chiến hạm, 5 tàu ngầm và hơn 13 nước. 

Mục tiêu của RIMPAC là cải thiện khả năng tương kết giữa các lực lượng vũ trang khu vực vành đai Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hòa bình vì lợi ích của tất cả các nước tham gia. Cuộc diễn tập được đánh giá là có vai trò then chốt cho sự chuẩn bị sẵn sàng của quân đội, khi các quốc gia trong khu vực phải đối mặt với nhiều "điểm nóng" với khả năng xung đột tiềm tàng.

Trùng Quang
(tổng hợp từ BBC, AFP, The Nation, Pacom.mil, Navy.mil, Globalsecurity.org, Wikipedia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.