Cùng bệnh viện chống nhiễm khuẩn

11/02/2011 09:14 GMT+7

Dù thùng rác rất nhiều và được đặt ở những nơi dễ thấy trong các bệnh viện nhưng nhiều người khi đến thăm nuôi người bệnh vẫn không chịu bỏ rác đúng chỗ.

Ở một số phòng điều trị của các bệnh viện hiện nay tại TPHCM, nhiều thân nhân đến nuôi người bệnh vẫn cởi giày, dép từ ngoài cửa, đi chân không vào. Bàn chân của những người này không mang giày, dép hiển nhiên sẽ dính bụi bẩn trên sàn. Khi họ nằm, ngồi lên giường cùng người bệnh, bụi bẩn sẽ theo bàn chân mà lên giường bệnh.
 
Vô tư xả rác
 
“Việc người thăm, nuôi bệnh đem vào bệnh viện một số thói quen chưa tốt sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cho bệnh nhân và cho cả chính họ” – bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Nhi Đồng 1, nói.
 
Bác sĩ Thanh Hà cho biết ở bệnh viện này, dù thùng rác rất nhiều và được đặt ở những nơi dễ thấy nhưng nhiều người khi đến thăm, nuôi người bệnh vẫn không chịu bỏ rác đúng chỗ.
 
Một số người chấp hành bỏ rác vào thùng rác nhưng không chịu bỏ theo hướng dẫn phân loại mà bỏ lẫn rác thông thường vào thùng rác y tế. Điều này làm phát sinh một khoản chi phí không nhỏ vì chi phí xử lý rác y tế cao gấp 5 lần rác thải sinh hoạt.
 
Trang phục phòng hộ sử dụng không đúng cách cũng rất dễ trở thành ổ vi khuẩn. Thế nhưng, nhiều bác sĩ ở khu vực điều trị của các bệnh viện cho chúng tôi biết: Nhiều người khi vào thăm bệnh vẫn thường bỏ qua những hướng dẫn được in ra giấy, dán trước cửa các phòng điều trị của các khu vực cấp cứu, hồi sức, khu cách ly... Có người khi nhân viên y tế hướng dẫn xong, vừa quay đi là họ kéo khẩu trang xuống khỏi mũi vì lý do... cho dễ thở.
 
Chiếc khẩu trang – trang phục bảo hộ thường thấy trong một bệnh viện chuyên điều trị các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - hiện đã được nhiều người tự giác sử dụng khi vào khuôn viên bệnh viện.
 

Không nên dẫn trẻ em theo

Thói quen thăm, nuôi quá “tích cực” khi có người thân nằm viện đã vô tình gây không ít khó khăn cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. “Bệnh viện chúng tôi thường có 1.700 -1.800 bệnh nhân nằm điều trị, tức có khoảng 3.000 – 4.000 thân nhân thường xuyên túc trực, chưa kể số lượt người đến thăm bệnh không thường xuyên. Việc quản lý một số lượng người đông đảo thực hiện các quy tắc an toàn thật không dễ dàng” – bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Hồng kể.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà nhấn mạnh: “Người bệnh rất cần không gian để nghỉ ngơi. Hơn nữa, ngoài việc mang theo vi khuẩn từ môi trường vào khu vực điều trị khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn, bản thân những người đến thăm cũng có thể mang ngược mầm bệnh từ đây ra ngoài cộng đồng. Do đó, cần hạn chế số người nuôi bệnh, người đến thăm và không nên dẫn trẻ em theo”.

Thế nhưng, cũng tại bệnh viện này, dù rất nhiều giỏ rác được đặt chỉ cách nhau vài mét trên khắp các lối đi nhưng vẫn có những chiếc khẩu trang qua sử dụng được vứt trên bãi cỏ, dọc đường đi, ngoài cổng bệnh viện và thậm chí là ngay cạnh thùng rác.

“Nhiều thói quen không tốt của người thăm, nuôi bệnh rất cần được thay đổi để góp phần  làm cho môi trường khám, chữa bệnh ngày càng vệ sinh hơn, vì đây là yếu tố quan trọng trong kiểm soát nhiễm khuẩn” - bác sĩ La Thị The, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho biết.
 
Kêu gọi sự hợp tác
 
Hơn 600.000 trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện mỗi năm là con số được Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM đưa ra trong một cuộc hội thảo cách đây không lâu và thật sự đáng để lưu ý.
 
Theo các chuyên gia về chống nhiễm khuẩn, con số này phần nào xuất phát từ những khó khăn hiện nay như bệnh viện quá tải, kinh phí hạn hẹp, ý thức bệnh nhân và thân nhân chưa cao... Khó khăn về cơ sở vật chất đòi hỏi có thời gian lâu dài để khắc phục.
 
Vì vậy, việc đưa các nội dung về kiểm soát nhiễm khuẩn vào chương trình sinh hoạt cùng thân nhân người bệnh đã được nhiều bệnh viện xem là cách thức khả thi để sớm cải thiện tình hình. Tùy vào khả năng của từng bệnh viện, nội dung sinh hoạt này đã được tổ chức mỗi tháng, cách tuần, mỗi tuần.
 
Ông Trần Nguyễn Hoàng Phương, điều dưỡng trưởng của Khoa Lao ngoài phổi - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho biết khoa này đã tổ chức sinh hoạt cho bệnh nhân và thân nhân theo lịch 1-2 lần/tuần. Tại những buổi sinh hoạt này, khoa phổ biến chi tiết các nội dung về kiểm soát nhiễm khuẩn như rửa tay, cách mặc trang phục bảo hộ, giữ vệ sinh phòng bệnh...
 
Vấn đề được các bác sĩ quan tâm nhất vẫn là thao tác rửa tay – mấu chốt của sự an toàn trong tiếp xúc. Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Hồng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết  bệnh viện này đã trang bị dung dịch cồn sát khuẩn ở nhiều nơi trong bệnh viện cùng với tấm bảng ghi rõ: Xin mời rửa tay.
 
“Cồn sát khuẩn tức thời, dễ sử dụng và tiện lợi. Chúng tôi mong mọi người sẽ rửa tay thường xuyên hơn, ít nhất là trước và sau khi vào phòng bệnh để cùng bệnh viện hạ thấp tỉ lệ nhiễm khuẩn. Đây cũng là cách để giúp người bệnh tiết kiệm được chi phí điều trị”.
 
Bác sĩ Hồng cũng bày tỏ mong muốn thân nhân khi ở lại nuôi bệnh nên tích cực tham gia các buổi sinh hoạt của bệnh viện hoặc chủ động hỏi các nhân viên y tế để nắm rõ hơn các quy tắc cần thiết khi chăm sóc người bệnh.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.