Trách nhiệm thuộc về ai?

10/02/2011 01:04 GMT+7

Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ngày 6.2 (mùng 4 tết) tại cầu Ghềnh, TP Biên Hòa, Đồng Nai được phản ánh trên Thanh Niên Online và Thanh Niên số ra ngày 8 và 9.2 đã khiến rất nhiều bạn đọc bức xúc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cả người tham gia giao thông.

Ý thức tham gia giao thông

Xét về nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn ấy là do ta quá thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Tôi đã từng đến nước bạn Lào - một đất nước dẫu thua ta về kinh tế nhưng rất có ý thức trong giao thông. Ở Lào, khi đi xe vào thành phố, từ xe máy đến ô tô đều tuyệt đối không dùng còi. Khi đến điểm giao nhau giữa ngã tư hay ngã ba, tự động họ nhường nhau đi mà không cần đến đèn giao thông hay công an giao thông. Nếu ai cũng có ý thức trong khi lưu thông, chắc chắn tai nạn giao thông sẽ giảm đi rất nhiều.

(lebinhdqs@gmail.com)

Báo động sự cẩu thả

Qua vụ tai nạn này cho thấy vẫn còn những người gác tàu cẩu thả trong công việc. Đơn cử chuyện tôi chứng kiến dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua tại điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Hôm đó, khi đến nơi thì barie đã hạ xuống, mọi người trên đường bộ dừng lại. Đợi lâu không thấy tàu qua, người gác tàu giở barie lên, mọi người trên đường bộ lục tục nổ máy chuẩn bị băng qua đường. Vừa lúc đó thì một nhân viên la lên “tàu đến, tàu đến”, thế là barie kéo xuống lại. Rất may, lúc đó chưa ai kịp chui qua, nếu có không biết hậu quả sẽ thế nào. Tôi chứng kiến mà không thể tin được cách làm việc quá sức cẩu thả của các nhân viên ở đây. Xin nói ra đây để ngành đường sắt chấn chỉnh.

Trần Hữu Nghĩa
(Bình Chánh, TP.HCM)

Chuyện lạ

Việc trưng dụng cầu tàu lửa cho ô tô xài chung quả là điều vô cùng nguy hiểm, mà sự nguy hiểm này ai ai cũng có thể thấy được, thế mà tình trạng này vẫn tồn tại cả hàng chục năm nay. Lẽ ra, chúng ta phải có kế hoạch xây dựng một cây cầu khác dành riêng cho ô tô, xe máy từ rất lâu rồi, nếu vì điều kiện kinh tế khó khăn chưa xây cầu được thì phải bố trí cách khác, tuyệt đối không được sử dụng mạo hiểm như vậy. Theo tôi, trách nhiệm để xảy ra tai nạn này không chỉ thuộc về những người điều khiển tín hiệu giao thông mà còn một phần thuộc về những người lãnh đạo do không có tầm nhìn trong quy hoạch xây dựng cầu đường, lại còn cho phép xe ô tô tham gia giao thông chung với tàu lửa.

Nguyễn Phong
(Q.7, TP.HCM)

Hậu quả đã được báo trước

Ở Việt Nam, những cây cầu như cầu Ghềnh không thiếu. Tình trạng đường sắt chung với đường bộ còn đầy rẫy và thi thoảng lại nghe một vụ tai nạn đường sắt. Đây là thực trạng đáng buồn khi đất nước ngày một phát triển. Thiết nghĩ, Chính phủ cần sớm nghiên cứu tách hẳn đường sắt ra riêng. Thực tế, hậu quả như tai nạn này đã được báo trước ở cầu Ghềnh cũng như nhiều cây cầu tương tự trên đất nước ta. Đây là bài học cho nhiều người và hơn hết đó là bài toán cho các nhà quản lý. Phải làm gì đó để không còn những tai nạn thương tâm như thế.

Thanh Thảo (thanhthaobank@yahoo.com)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.