Thực phẩm chức năng biến thành “thần dược”!

10/02/2011 23:15 GMT+7

Thời gian gần đây, thị trường xuất hiện thực phẩm chức năng Agel được nhiều người rỉ tai nhau như một loại “thần dược” trị bách bệnh, từ ung thư cho đến vô sinh! Đâu là sự thật?

Trị bách bệnh?

Các sản phẩm của Agel bao gồm nhiều loại và tên gọi khác nhau, là những hợp chất đựng trong các túi nhỏ như ngón tay. Theo nhiều quảng cáo của Công ty Agel Việt Nam (có trụ sở tại 73 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng như các nhân viên của công ty này thì sản phẩm của Agel được sản xuất theo công nghệ duy nhất trên thế giới.

Trong vòng vài phút, người dùng có thể hấp thụ được 90-100% sản phẩm, vượt trội so với các sản phẩm chức năng khác dạng bột hoặc dạng viên mà người dùng chỉ hấp thụ được lượng rất nhỏ, dẫn đến phí tiền.

Theo quảng cáo, công dụng của các sản phẩm Agel đạt tới đẳng cấp... siêu phàm, ngoài bồi bổ sức khỏe, các sản phẩm còn giúp phòng, chống gần 30 loại bệnh tật khác nhau.

Đơn cử, sản phẩm UMI, được quảng bá tăng cường hệ miễn dịch, có các tác dụng: chống tụ máu, chống viêm, ngăn chặn sự xuất hiện của khối u và sự phát triển tế bào ung thư; ngăn chặn sự hình thành mạch máu trong khối u ung thư; giảm nguy cơ ung thư vú; chống vi-rút và vi khuẩn; chống dị ứng; bảo vệ hoạt động của gan; giảm lượng đường trong máu và giúp làm giảm bệnh tiểu đường; giảm nguy cơ mắc bệnh tim và giảm huyết áp cao; giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến hệ tuần hoàn; giúp cải thiện tình trạng viêm khớp...

Tương tự, sản phẩm MIN ngoài hỗ trợ chữa một số bệnh còn có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh... vô sinh. 

Bán hàng đa cấp

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, các sản phẩm của Agel được phân phối theo mô hình kinh doanh đa cấp. Theo đó, những người mua trực tiếp sản phẩm từ công ty sẽ mời nhiều người khác tham gia để xây dựng mạng lưới để hưởng các mức hoa hồng hấp dẫn, mà theo quảng cáo có thể từ vài trăm lên tới cả chục ngàn USD/tháng.

Sau vài lần hẹn, chúng tôi gặp bà L., người tự giới thiệu đang làm cho cơ quan nhà nước nhưng đi làm thêm ngoài giờ cho Agel và “mỗi tháng cũng kiếm được cỡ ngàn đô”. “Trước đây mẹ chị bị bệnh về huyết áp, chạy thầy chạy thuốc tốn kém lắm, may nhờ cơ duyên gặp được sản phẩm này nên giờ bệnh của bà đỡ hẳn. Vì chị hay có lòng thương người nên giúp đỡ các em để vừa có thêm thu nhập lại tốt cho sức khỏe”, bà L. thẽ thọt.

Khi chúng tôi trình bày có người nhà đang gặp vấn đề về bệnh khớp, bà L. hồ hởi khuyên nên mua sản phẩm FLX để hỗ trợ cho khớp xương: “Loại này tốt lắm, nó có các chất giúp bôi trơn khớp, bồi dưỡng cho xương sụn mà lại giảm đau nhức”. 

Tại các buổi hội thảo do Công ty Agel tổ chức có bán kèm theo nhiều loại tài liệu quảng cáo về sản phẩm. Trong đó, một đĩa VCD có nội dung “cắt cúp” với đoạn đầu là chương trình nói về thực phẩm chức năng của kênh VTV2 Đài truyền hình Việt Nam, nhưng đoạn sau có lồng nhiều hình ảnh về các bệnh nhân bị ung thư, dạ dày... nhờ dùng các sản phẩm của Agel nên... khỏi hẳn!

Sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi được bà L. cho xem một số văn bản chứng nhận tiêu chuẩn của Agel do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Bộ Y tế cấp.

Tuy nhiên, các bản này được in bé như bao diêm, không rõ nội dung. Tương tự, trên trang web chính thức của Công ty Agel tại địa chỉ Agel.com.vn cũng trưng ra nhiều giấy tờ có chữ ký, con dấu của Cục ATVSTP chứng nhận cho các sản phẩm của Agel, nhưng cũng thể hiện kích cỡ rất bé, không thể đọc nổi.

Nhảm nhí!

“Có loại thần dược như thế này thì bác sĩ thất nghiệp hết”, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục ATVSTP Bộ Y tế, đã thốt lên như vậy khi được PV Thanh Niên cung cấp các tài liệu quảng cáo về sản phẩm của Công ty Agel. “Tôi khẳng định việc cho là các sản phẩm Agel tác dụng chữa bệnh, làm sạch các tế bào... là những điều hết sức nhảm nhí.

Chúng ta không phủ nhận tác dụng của thực phẩm chức năng nhưng mỗi loại chỉ có một vài tác dụng mà mang tính chất hỗ trợ sức khỏe chứ không phải trị bách bệnh. Thế này thì hóa ra Agel là thần dược chứ đâu phải là thực phẩm chức năng nữa”, ông Phong bức xúc.

Qua kiểm tra tại Cục ATVSTP cũng cho thấy, các giấy tờ mà người của Agel cho là “giấy phép của cơ quan chức năng” thực chất chỉ là các giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Theo đó, các sản phẩm của Agel như UMI, MIN, FL... phù hợp với các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và được phép lưu hành nếu như thương nhân bảo đảm đạt tiêu chuẩn như công bố.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, việc Công ty Agel sử dụng các giấy tờ, hình ảnh của cơ quan y tế rồi đưa lên mạng lập lờ là đã vi phạm quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, các nội dung như Agel đã quảng cáo là hoàn toàn không có cơ sở và Cục ATVSTP cũng không cho phép.

“Về nguyên tắc, các sản phẩm chức năng không được quảng cáo có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp muốn bán được hàng nên đã quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chui. Đây là những vấn đề chúng tôi sẽ xử lý mạnh tay”, ông Phong khẳng định.

Agel đã nhiều lần vi phạm

Cũng theo Cục ATVSTP Bộ Y tế, Công ty Agel từng có một số vi phạm và đã bị cơ quan chức năng xử lý. Nguồn tin của PV Thanh Niên còn cho biết Thanh tra Cục ATVSTP Bộ Y tế vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Agel Việt Nam do có hành vi cung cấp các thông tin về sản phẩm không đúng sự thật. Thanh tra cũng chuyển hồ sơ vụ việc sang Cục Quản lý cạnh trạnh Bộ Công thương để xem xét các dấu hiệu vi phạm về kinh doanh đa cấp.

Nhóm PV Xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.