Sốt phát ban và sởi: Nguy cơ bùng phát

10/02/2011 11:08 GMT+7

Hiện nay, ở miền Bắc và Hà Nội, dịch sốt phát ban đang lây lan rộng trong cộng đồng, khiến số người nhập viện tăng cao. Đồng thời, số người mắc sởi trong những ngày đầu năm mới cũng đã xuất hiện rải rác. Đáng lo ngại hơn, không chỉ trẻ em mà số người lớn mắc sốt phát ban và sởi hiện nay cũng khá nhiều, khiến nguy cơ bùng phát rất cao…

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sau đợt nghỉ tết dài ngày, nhiều khoa phòng điều trị trở nên quá tải bệnh nhân. BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, nếu như thời điểm này những năm trước, dịch sốt phát ban thường bùng phát mạnh, gia tăng ồ ạt tại các tỉnh phía Bắc trong thời gian ngắn và đối tượng mắc chủ yếu ở trẻ em thì năm nay, dịch sốt phát ban ở khu vực Hà Nội đã xuất hiện kéo dài cả tháng nay và chưa có xu hướng chững lại.

Lượng bệnh nhân nhập viện không chỉ gia tăng mạnh mà chiếm phần lớn ở nhóm người lớn, trong đó có khá nhiều ca nặng, bị biến chứng viêm não. Đáng lo ngại hơn, sau nghỉ tết, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận vài trăm bệnh nhân tới khám và điều trị do cúm, sốt phát ban và nhiễm trùng tổng hợp, trong đó bệnh nhân sốt phát ban chiếm tới hơn 70%.

Anh N.V.H., 42 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội, một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm cho biết, lúc đầu cơ thể chỉ có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức như cảm cúm thông thường, nhưng chỉ vài ngày sau trên người đã nổi đầy nốt đỏ, sau đó lan lên khắp mặt và ho rất nhiều.

BS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, sốt phát ban thực chất là hội chứng của nhiều bệnh khi chưa xác định được chính xác đó là bệnh do nguyên nhân gì. Tuy nhiên, đợt dịch sốt phát ban đang bùng phát tại Hà Nội hiện nay chủ yếu là do virus rubella gây ra có thể lây từ người sang người, chỉ có một số ít trường hợp sốt phát ban do dị ứng thuốc hay liên cầu khuẩn. Mặc dù sốt phát ban do virus lành tính, nhưng trong đợt này vẫn có khá nhiều ca bị biến chứng. Đối với trẻ em, biến chứng phổ biến nhất khi bị sốt phát ban là viêm đường hô hấp, còn với người lớn xuất hiện biến chứng viêm não.


Nổi nốt đỏ khắp người, một trong những triệu chứng của sốt phát ban

Không chỉ có vậy, hiện nay ở phía Bắc, dịch sởi cũng đã bắt đầu xuất hiện rải rác người mắc và biểu hiện ban đầu của bệnh cũng khá giống với sốt phát ban. Do đó, việc phân biệt được sớm bệnh sốt phát ban do virus thông thường với sốt phát ban dạng sởi sẽ giúp ích cho phòng bệnh và hạn chế được sự lây lan của dịch, cũng như những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, hiện nay bệnh sởi hay sốt phát ban do virus rubella gây ra đều đã có vaccine phòng chống nên biện pháp phòng tránh tốt nhất là tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, rất có thể dịch sốt phát ban sẽ tiếp tục kéo dài, gia tăng số người, đặc biệt là sốt phát ban do sởi. Vì vậy, với bất kỳ ai khi có biểu hiện sốt phát ban hay sởi người bệnh cần tránh tiếp xúc chỗ đông người, nếu phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang và hạn chế đi ra khỏi nhà. Nếu có điều kiện thì tốt nhất là cách ly một thời gian ngắn để phòng bệnh và tránh lây lan cho người khác.

Gần 100 người nhiễm cúm A/H1N1 ở 8 tỉnh thành

Đây là thông báo mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh trên người được công bố ngày 9-2. Theo đó, từ đầu năm 2011 tới nay, dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lan rộng ở nhiều địa phương, với số người mắc tăng cao. Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 96 trường hợp mắc cúm A/H1N1 tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội có người mắc nhiều nhất với 67 ca, tiếp đó là TPHCM có 22 ca. Đáng lo ngại hơn, Cục Y tế dự phòng cũng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.