Học và ôn thi qua mạng

08/02/2011 22:23 GMT+7

Những bài giảng trên lớp, hướng dẫn ôn thi, ngân hàng đề thi... đã được giáo viên chuyển tải trên trang blog hay website cá nhân để học sinh cùng tham khảo.

Thỏa thích với biển kiến thức

Được nhiều học sinh biết đến là website mang tên MATMUSIC của thầy Dương Quốc Tuấn, giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), tại địa chỉ http://blogtiengviet.net/QuocTuan2007.

Với hy vọng “MATMUSIC là nơi mà những tâm hồn yêu toán và âm nhạc cùng hội ngộ”, website có các chuyên mục như Album, Vui cười và tất nhiên là đầy đủ các kiến thức về hình học, đại số, tích phân... qua các bài viết mở để học sinh có thể bình luận. Thầy Tuấn cho biết: “Học toán vốn khô khan nên trong website của mình, ngoài giới thiệu phương pháp giải toán, những bài toán vui, đưa các bài tập luyện thi trắc nghiệm, luyện thi ĐH... tôi còn dạy các em học toán bằng tiếng Anh, đưa các bài hát được các em ưa thích, các đoạn phim vui để các em tìm niềm vui trong học toán”. Đến nay, sau 3 năm ra đời, website đã có hơn 660.000 lượt truy cập.

Thầy giáo trẻ Đỗ Cao Long, giáo viên toán trường THPT Nam Đông, một huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng thực hiện website http://caolong.wordpress.com/. Sau 2 năm ra mắt, trang web đã có hơn 564.000 lượt truy cập. Ngoài các bài tập cụ thể cho nhiều khối lớp, tác giả còn tập hợp đề thi tốt nghiệp những năm gần đây và xây dựng thành đề cương ôn tập chi tiết. Bên cạnh đó còn có thông tin hướng nghiệp, giải đáp trực tuyến mọi thắc mắc của học trò từ khắp mọi miền về môn học này...

Website của thầy Phương Kỷ Đông, nguyên giáo viên vật lý trường THCS Lương Thế Vinh (TP Cần Thơ), được lập từ năm 2008 nhằm giúp học sinh có thêm phương tiện học tập ở nhà và cũng là nơi để thầy Đông chia sẻ tài liệu với đồng nghiệp. Thầy cho hay, trên trang web http://www.webmienphi.com/phuongkydongngocchanh/ có 99 bài tập Vật lý lớp 9 để học sinh làm thêm nhằm mở rộng thêm kiến thức đã học, bài tập vật lý trắc nghiệm trực tuyến có đáp án từ lớp 6 đến lớp 9, phim tư liệu nhiều hình ảnh minh họa liên quan đến môn vật lý, phim vật lý, gần 40 đề thi học sinh giỏi vật lý bậc THCS...

Tương tự, tại địa chỉ http://gvphuong.googlepages.com/ của thầy Nguyễn Văn Phương, giáo viên vật lý trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), có khá đầy đủ thông tin về thi cử, ôn tập cho bậc THPT.

Còn blog của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thanh Tâm (http://vn.360plus.yahoo.com/ nguyentam083), dạy môn hóa học trường THCS Lê Lai (Q.8, TP.HCM), là sự kết hợp tư vấn tâm lý và hướng dẫn học tập cho học sinh. Các chuyên mục trên blog của cô ngày càng đa dạng như hóa học, hóa học và cuộc sống, thí nghiệm vui, môi trường, thắc mắc, đề thi...

Tình thầy trò

“Năm nay là năm cuối cấp mà sức của em yếu quá do vừa đi làm vừa đi học nên em không muốn dự thi. Theo thầy giờ có quá trễ để bắt đầu ôn thi không ạ, mong sự giúp đỡ của thầy”... Hay “Thầy ơi em thấy học kiểu này hay thật, dễ tiếp thu hơn ngồi ở lớp”, “Thầy giúp em giải bài tập này với” hoặc “Thầy phải lo phòng chống bão nên không online được phải không thầy”... Đó là những lời nhắn hằng ngày trên website của thầy Đỗ Cao Long.

Thầy Long tâm sự: “Tôi lập trang web này chỉ mong được trợ giúp các em học sinh giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi học toán. Tôi rất mong nhận được sự tham gia của các em, đặc biệt là các em học sinh yếu, trung bình, mất căn bản về toán”.

Học viên Trịnh Mộng Ái, Trung tâm GD thường xuyên Q.4 ghi lại tâm sự: “Trước đây tôi không biết gì về vi tính hay tin học, nhờ đi học và gặp được thầy Huy dạy môn văn, thầy đã dạy cho tôi hiểu biết về văn học, văn hóa của dân tộc. Không chỉ vậy, thầy còn mong muốn học trò mình bắt kịp sự phát triển không ngừng của khoa học hiện đại nên thầy đã dạy cả môn tin học. Qua đó, tôi đã biết đến công nghệ thông tin, đã biết gửi thư điện tử cho bạn bè, có được những người bạn mới”.

Qua website cá nhân, thầy có điều kiện cung cấp kiến thức, học sinh có thêm nhiều cơ hội tham khảo bài giảng, đề thi, tự luyện tập, cũng như tự tin trao đổi với thầy cô. Từ đó quá trình dạy và học không còn bó hẹp vào khuôn mẫu bảng đen phấn trắng truyền thống.

Bản đồ tư duy

Áp dụng kỹ thuật thiết lập bản đồ tư duy của tác giả Tony Buzan trong giảng dạy văn học, thầy Hoàng Đức Huy, giáo viên trung tâm GD thường xuyên (Q.4, TP.HCM) đã cuốn hút học sinh vào mỗi bài giảng. Ông Huy giải thích: “Bản đồ tư duy có cấu tạo như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhỏ mọc xung quanh. “Cái cây” ở giữa bản đồ là một ý tưởng chính hay hình ảnh trung tâm. Nối với nó là các nhánh lớn thể hiện các vấn đề liên quan với ý tưởng chính. Các nhánh lớn sẽ được phân thành nhiều nhánh nhỏ nhằm thể hiện chủ đề ở mức độ sâu hơn. Sự liên kết này tạo ra một “bức tranh tổng thể” mô tả ý tưởng trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng”.

Bên cạnh đó, trên diễn đàn www.hoangduchuy.com , thầy Huy liên tục cập nhật những bài văn hay, hướng dẫn học sinh phân tích và nhận xét bài làm qua thư điện tử... Chính sự tận tình và đổi mới này đã biến môn văn trở thành môn học được yêu thích của hầu hết học trò tại trung tâm...

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.