Lộc của trời

07/02/2011 07:10 GMT+7

Tôi có hai người quen, một già một trẻ, cứ mỗi lần gặp thì y như rằng họ đều cho nghe câu chuyện “ngày xưa thế này, ngày xưa thế nọ”.


Bánh chưng sạch của Huỳnh Huy Tuệ - Ảnh: V.K


Cụ Thảo cắp chiếc thúng cốm vòng đi ngang chữ “Lộc” ở đền Ngọc Sơn. Mùa cốm 2010 ông Phùng đi tìm cụ Thảo mà không thấy - Ảnh: Quang Phùng

1. Cứ có dịp ra Hà Nội công tác, dù bận đến mấy tôi cũng tranh thủ ghé thăm lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng - người được các tay máy thủ đô phong là “ông vua của những góc khuất Hà Nội”. Chuyến gần nhất là vào dịp thu Hà Nội, sau đại lễ 1.000 năm. Ông cụ nom đã khá yếu, như những chiếc lá vàng mùa thu chờ gió trời đến mang đi. Đã vậy cụ lại còn chống nạng. Hỏi thì cụ móm mém cười bảo: “Tôi bị té khi đi tìm bà cụ bán cốm”.

Nếu một năm trước cụ “đãi” tôi câu chuyện mình bỏ công cả ngày trời để lặn lội trong mưa phùn giá rét của ngày đưa ông Táo về trời, theo chân bà Nụ mang hai cành đào đi tìm nỗi nhớ thời con gái; thì năm nay cụ Phùng cho tôi nghe chuyện cụ Thảo bán cốm vòng.

Cụ Thảo là em, còn có một người chị tên Thơm. Thơm - Thảo: đúng như cái cách gọi về món quà đặc sản của Hà Nội mỗi độ thu về - cốm vòng. Cả hai bà cụ đều sống nhờ nghề làm cốm vòng từ hồi còn con gái. Họ không làm nhiều. Mỗi ngày chỉ dăm ba cân, vừa lưng lửng đáy thúng là cắp ngang hông đi một vòng phố cổ chưa hết buổi sáng đã hết nhẵn. Cụ Thơm đã vắng bóng từ lâu. Còn cụ Thảo, đến mùa cốm 2009 lão nghệ sĩ Quang Phùng vẫn còn săn được một loạt ảnh thú vị.

Cốm vòng là lộc của trời. Ông cụ đã đứng canh ở tháp Bút bên hồ Gươm cả mấy ngày mới chụp được bức ảnh ưng ý: cụ Thảo cắp chiếc thúng cốm làm tiền cảnh. Và hậu cảnh là chữ “Lộc” đỏ rực ở đền Ngọc Sơn.

Nhắc đến “lộc của trời”, mắt ông cụ lim dim và nói: “Khách phương xa đến Hà Nội, khi về thể nào cũng ghé Hàng Than mua chiếc bánh cốm làm quà. Còn gặp dịp thu về thể nào cũng kèm thêm cân cốm. Nhưng cốm ấy là cốm sản xuất đại trà, làm sao có được cái hương nồng nàn như cốm của bà Thơm, bà Thảo ngày xưa!”.

Thu rồi, cụ lại vác máy đi tìm bà Thảo mấy ngày liền. Đã không gặp lại còn bị té. “Nhiều người cười bảo tôi mê bà cụ, đi tìm lại tình xưa. Vâng, tôi mê, nhưng là mê cốm của bà cụ. Mê không phải vì miếng ăn mà mê cái lộc trời cho đang bị mai một” - cụ tâm sự.

2. Tôi còn có người bạn trẻ nhỏ hơn mình nửa con giáp, cũng rất thích chuyện ngày xưa.

Lâu lâu gặp anh, thế nào cũng được nhận quà “ngày xưa”! Quà của anh không chỉ là câu chuyện mà nhiều khi bằng vật chất hẳn hoi. Khi thì anh bưng đến tặng một con heo nhỏ tẹo chỉ chừng 3kg đã làm sạch sẽ và hớn hở nói: “Anh biết heo gì không? Heo Nam Đông vùng A Lưới. Ngày xưa nó là đặc sản tiến vua đấy. Em mới gầy dựng được vài đàn, nhờ nông dân trên ấy nuôi”.

Có lúc anh lại mang đến bịch gạo chừng 2kg, đặt lên bàn nhẹ nhàng, ra vẻ đó là một thứ trân quý rồi nói: “Anh biết gạo gì không? Gạo De nổi tiếng ngày xưa để tiến vua đấy. Em đi lùng tìm được giống, về thuê mấy sào ruộng ở Hương Long cho bọn trẻ con trồng”. Lại có lúc anh cầm đến hai quả bưởi bé tí, rạng rỡ bảo: “Thanh trà Huế chính hiệu đó anh. Cả xứ Huế bây giờ chỉ còn chừng 50 gốc thanh trà chính hiệu. Em mua hết rồi. Mua hết và trả chi phí để nông dân chăm sóc nó, đừng để nó lai với bưởi miền Nam”. Không chỉ có quà cho tôi, anh còn có quà cho mọi người.

Như tại Festival Huế, anh làm một gian hàng ẩm thực xứ Huế, mời các mệ giỏi nấu ăn đến. Mệ thì làm bánh bột lọc, mệ thì bánh nậm bánh bèo, mệ thì nấu bún bò… Anh dứt khoát không tính một đồng lời, chỉ muốn làm sao cho mọi người thưởng thức được món Huế đúng như kiểu ngày xưa, chứ không lai như bây giờ theo kiểu “thêm vài lát bò tái vào tô bún bò”!

Anh bạn trẻ đó là Huỳnh Huy Tuệ, tiến sĩ toán hẳn hoi chứ không phải kẻ vô công rỗi nghề.

Hai tháng trước Tết Tân Mão, quà của Tuệ mang đến cho tôi là mấy chiếc bánh chưng be bé. Tuệ cười cười bảo: “Anh ăn giùm và góp ý cho em xem mặn nhạt thế nào, tiêu hành như thế có vừa không. Tết này em tính cung cấp cho mọi người bánh chưng sạch. Sạch từ tấm lá chuối đến hạt nếp, miếng thịt và đậu xanh. Tất tần tật đều do em nuôi trồng, đảm bảo không thứ gì dính đến một chút hóa học như thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng… Sạch như bánh chưng ngày xưa!”. Đấy, lại là ngày xưa nữa đấy.

3. Cụ Phùng và anh chàng Tuệ mê chuyện ngày xưa, nhưng đừng nghĩ họ là níu kéo thời gian, là người hoài cổ không ưa phát triển. Trong cái ngày xưa của họ thấy rõ sự khát khao hướng đến một vấn đề rất hiện đại, đó là phát triển bền vững. Cái hạt cốm bé tí mà cụ Phùng nhớ, hay giống lúa De mà Tuệ đi tìm về để trồng là khát khao bảo vệ những sản vật trân quý của thiên nhiên ban tặng.

Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta chẳng phải đã nghe, đã thấy trên thế giới ngày nay lực lượng những người theo xu hướng nuôi trồng sản phẩm sạch, an toàn cho người dùng đang ngày càng đông lên đấy sao. Lực lượng này đang nỗ lực chứng minh thuốc tăng trọng, thuốc trừ sâu, lúa đổi gen để đạt năng suất cao… là cơ hội làm giàu của những tập đoàn “cá mập” mượn chiêu bài “an ninh lương thực” cho loài người!

Cuối năm 2010, Nhật đã tổ chức một hội thảo quốc tế rất lớn tại Hà Nội mang chủ đề “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo giáo sư Hiramatsu Morihiko, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển mỗi làng một sản phẩm (Nhật Bản), chương trình này khuyến khích nỗ lực của người dân trong việc tận dụng nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn các làng nghề truyền thống, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Việc gìn giữ, bảo vệ những sản vật truyền thống của cha ông chính là để phát triển bền vững, không bị làn sóng đô thị hóa phá vỡ các giá trị truyền thống. Mô hình này được khởi xướng tại tỉnh Oita từ năm 1979 và nhân rộng trên toàn nước Nhật. Hiện nó được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia châu Á và châu Phi.

Theo như quan điểm của giáo sư Hiramatsu thì cụ Phùng, anh chàng Tuệ chính là những “chiến sĩ” tích cực của việc phát triển bền vững tại Việt Nam vậy.

Theo Huy Thọ
Tuổi Trẻ Xuân 2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.