Mưu sinh dịp Tết

30/01/2011 09:10 GMT+7

(TNO) Năm nào cũng vậy, khi cái tết đến gần, thì rất nhiều người dân ở xã Hương Thọ(huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) lại khăn gói vào rừng để cắt lá dong về bán cho người gói bánh chưng kiếm ít tiền tiêu tết. Năm nay, mặc cho cái rét đến tê người, họ vẫn hăng hái lên đường để mưu sinh…

Vượt rừng gian nan giữa giá rét

Men dọc theo con đường mòn dẫn lên bìa rừng rồi bám các mỏm đá lởm chởm với lối đi hẹp vì bị che chắn bởi các cây dại, thỉnh thoảng chúng tôi lại bị trượt chân do đường trơn, mưa lất phất. Xuất phát từ lúc 6 giờ sáng nhưng phải mất đến 4 tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới có thể kiếm ra khu vực có lá dong. Đường đi gập ghềnh và phải lội qua nhiều con suối vì chỗ có lá phân tán, rải rác tại các đầm lầy tận sâu trong rừng. Vậy mà gần cả tháng nay, mặc cho trời rét đến tê người, anh Biên, 26 tuổi và nhiều người dân ở xóm 3, xã Hương Thọ vẫn kiên trì nai nịt đồ nghề, và lên rừng hái lá dong.

Với vật dụng chỉ bằng cái liềm nhỏ và một túi đựng đồ ăn, giữa cái rét của thời tiết dưới 15 độ C, bao quanh là bạt ngàn cây cối, chỉ có một khoảng lầy có cây dong tập trung khá nhiều, những người hái lá dong vẫn đang chăm chỉ cắt từng nhánh lá. Miệt mài làm việc nên họ đã quên đi cái lạnh.

Tìm được đám lá dong khá to và xanh um, Văn Trọng, 19 tuổi mừng hớn hở, hăng hái cắt, nhưng thỉnh thoảng anh lại phải dừng tay vì đàn muỗi vo ve quấy nhiễu và những con vắt thì đua nhau bám lấy chân, vết máu trước vừa kịp khô thì ở chỗ cắn mới vắt vừa nhả lại ứa máu tươi. “Chuyện muỗi đốt, vắt cắn là bình thường thôi, đi vào rừng thì phải tập thích nghi với những thứ này”, Trọng vui vẻ nói.

Do đường đi khá xa và công việc tìm, cắt lá dong kéo dài đến hết ngày, nên trước khi đi mỗi người đều gói sẵn cơm nắm mang bên mình. Tranh thủ giữa buổi trưa, họ ngồi lại cùng nhau đem cơm ra lót dạ, rồi tiếp tục công việc.

“Cắt lá dong không nặng nhọc, chỉ cực là phần đường đi thôi. Thấy bán được giá nên cố gắng làm kiếm thêm ít thu nhập trang trải ba ngày tết”, chị Nguyễn Thị Liệu, 45 tuổi chia sẻ.

Tìm được đám cây dong bẹ lớn, lá to rộng, anh Biên phấn khởi nói: “Chọn được lá xanh, to bản thì người mua ưng ý hơn, bán được giá hơn. Mấy lần trước cắt lá nhỏ, bán giá thấp, giờ rút kinh nghiệm”.

Chiều tối, các bó lá dong thu hái được xếp thẳng hàng buộc gọn gàng, xếp thành từng gánh. Những người cắt lá dong chuẩn bị rời núi. Để đem lá dong về cũng lại là đoạn đường thật gian nan. Trước những con dốc xuống chúi thẳng đứng và đường khá lầy lội do mưa những ngày qua, nhiều người phải tháo dép đi chân trần và dùng các đầu ngón chân để bám chặt vào đất. Họ phải gánh lá luồn lách qua các bụi cây thấp, um tùm, đi hơn chục cây số mới ra tới khu tái định cư mới Hương Điền, Hương Quang. Từ đó, lại mất khoảng hai tiếng đồng hồ nữa để đi qua phần đường mới sửa chữa, chưa rải nhựa nhão nhoẹt bùn đất vì xe lớn, trâu bò, người dân đi lại nhiều thì mới có thể về đến làng.

Một ngày đi hái lá dong thật vất vả, đúng như lời của cô Liệu: “Kiếm tiền không hề dễ chút mô cả. Năm nay, trời giá rét, đường rừng xa thì còn cơ cực hơn nhiều lần. Nhưng, dẫu sao cũng có thêm khoản thu nhập để xoay xở”.

Kiếm ít tiền, mua dăm ba ký thịt

Theo anh Biên, bình quân một ngày anh cắt được 10 bó lá dong (khoảng 1.000 lá), số tiền kiếm được chừng đó là 300.000 đồng. Những lúc trời quá rét, việc tìm kiếm lá dong khó khăn, thì thu nhập ít hơn. Số tiền tuy không nhiều, nhưng đó là nguồn thu chính trong những ngày giáp tết của gia đình anh.

Căn nhà nhỏ lụp xụp nằm ở cuối xóm là nơi trú ngụ của vợ chồng anh Biên và mẹ già. Đợt lũ vừa rồi, nhà anh không chỉ bị ngập mà nhiều vật dụng, đồ đạc trong nhà cũng bị lũ cuốn đi, chuồng trâu, thức ăn cho gia súc, gia cầm đều bị cuốn đi hết. Gắng gượng dậy sau lũ, vợ chồng anh phải tất bật làm việc để chống chọi với cuộc mưu sinh. Vợ mới sinh con nên mọi việc đều do anh quán xuyến. Ngoài cắt lá dong, anh còn chở chuối lên thị trấn nhờ mẹ vợ mang sang chợ bán kiếm thêm chút tiền lời. Vất vả là vậy nhưng tháng nào vợ chồng anh cũng tích góp đủ tiền để gửi cho em trai đang học ở một trường cao đẳng ở Hải Phòng.

“Không chỉ nhà tôi mà bà con trong xã đều ít nhiều thiệt hại vì lũ lụt. Mình còn sống thì phải gắng làm lại nhà cửa, kiếm cái ăn cho gia đình. Cũng phải có cái tết đàng hoàng chút chứ”, anh Biên tâm sự.

Tranh thủ thời gian cuối năm dễ kiếm tiền, phụ giúp gia đình có thêm khoản chi tiêu dịp tết, anh Trọng cho biết, tiền kiếm được từ việc đi cắt lá dong đều đưa hết cho mẹ. Gia đình khó khăn, thiếu thốn đủ bề sau cơn lũ đi qua nên khi thi đại học năm đầu không đỗ, để có thể tiếp tục ôn thi năm nay, Trọng phải kiếm việc làm thêm để có tiền phụ giúp bố mẹ.

Còn với chị Liệu, việc đi rừng xem ra đã khá quen thuộc. Chị cho biết, vẫn thường đi lấy măng rừng về bán. Giáp Tết Nguyên đán, người ta cần nhiều lá dong nên chị tranh thủ đi cắt về bán. “Đi cắt lá dong để có thêm chút tiền mua dăm ba ký thịt, ít bánh kẹo để cùng vui tết với xóm làng là được rồi. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên lúc nào cũng phải chắt chiu từng đồng”, chị Liệu tâm tư.

Hà Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.