Hoa nào trở thành quốc hoa?

23/01/2011 22:18 GMT+7

Từ ngày mai, 25.1, tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội, người dân bắt đầu bỏ phiếu bầu chọn Quốc hoa Việt Nam.

Tại Công văn số 1302/PGL VB-VPCP ngày 18.8.2010, Văn phòng Chính phủ đã cho phép Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT-DL) triển khai đề án lựa chọn và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam. Trước đó, từ tháng 4.2010, Bộ VH-TT-DL đã thành lập ban chỉ đạo. Tháng 6.2010, một cuộc hội thảo về quốc hoa đã được tổ chức để lấy ý kiến của các nhà khoa học và dư luận nhân dân. Theo Bộ VH-TT-DL, tại một cuộc khảo sát tổ chức hồi tháng 5.2009 trên 1.895 người, có đến 78% ý kiến khẳng định nên có quốc hoa, chỉ 10% nói không cần thiết và 12% không trả lời.

Cũng theo Bộ VH-TT-DL, kết quả một cuộc thăm dò trên internet tổ chức năm 2006 cho thấy có rất nhiều loại hoa được đề xuất là quốc hoa, trong đó hoa sen chiếm 40,3%, hoa mai 33,6%, hoa đào 8,2%, tiếp theo là tre, hoa cau, hoa ban… Kết quả thăm dò của một tờ báo điện tử tổ chức sau khi hội thảo nói trên diễn ra cho thấy, 75,6% đồng ý nên có quốc hoa, trong đó 42,9% chọn hoa sen, 19,4% chọn hoa mai, 9,6% chọn hoa đào…

Tiêu chí để lựa chọn quốc hoa, theo đề án tập trung vào các đặc điểm: có nguồn gốc hoặc trồng lâu đời ở Việt Nam, dễ trồng và trồng ở nhiều vùng miền; thể hiện được bản sắc văn hóa, cốt cách và tinh thần dân tộc; hoa bền, đẹp, có hương thơm; được sử dụng nhiều trong hình tượng văn học nghệ thuật; có giá trị sử dụng, mang lại lợi ích nhiều mặt, được nhiều người yêu thích và tôn vinh.


Hoa mai vàng - Ảnh: Lưu Quang Phổ


Hoa sen - Ảnh: travelindia-guide

Theo GS Trần Duy Quý, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, có quốc hoa không phải là việc làm theo phong trào mà xuất phát từ nhu cầu của nhân dân cũng như trong giao lưu quốc tế.

GS-TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng đây là “chuyện vui cho toàn dân, không phải là việc bày vẽ”. Ông Thanh cho rằng sen là một biểu trưng cho con người Việt Nam đi lên từ gian khó: “Nhìn vào quốc hoa người ta hiểu bản thân quá khứ sinh trưởng của cây hoa ấy biểu trưng cho quá trình phát triển của một dân tộc”.

Trao đổi với Thanh Niên, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT-DL cho hay, đây không hề là việc làm mang tính chất bày vẽ. “Việc Việt Nam có quốc hoa sẽ mang lại những ích lợi khó có thể đo đếm được trong sinh hoạt cộng đồng, đối ngoại, thậm chí là kinh tế… trong khi để chọn ra nó hầu như không tốn kém gì”, ông Thành cho biết.

Đề án về quốc hoa sẽ được trình Chính phủ trong thời gian tới.

Bông lúa?

Khi đề án quốc hoa được triển khai, có ý kiến đề nghị chọn bông  lúa làm quốc hoa. Ý kiến độc đáo và ấn tượng này xuất phát từ việc Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh lúa nước từ lâu đời, nay là quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Cây lúa được trồng ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, bông lúa khi sắp kết hạt cũng rất đẹp và có hương thơm ngát. Lấy bông lúa làm quốc hoa cũng góp phần tôn vinh hoạt động sản xuất nông nghiệp. Quốc huy nước ta cũng có hình bông lúa bao quanh.

97 nước có quốc hoa

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ VH-TT-DL, có 97 nước trên thế giới có quốc hoa. Trong đó châu Âu có 32 nước, châu Á 27 nước, châu Mỹ 22 nước, châu Phi 14 nước… Có nhiều nước cùng chọn một loài hoa làm quốc hoa, trong đó hoa hồng được 10 nước chọn, riêng hoa sen đã được hai nước chọn là Ấn Độ và Sri Lanka. Tại Ấn Độ, hoa sen được Quốc hội chọn là quốc hoa từ năm 1950 và được ghi trong Hiến pháp của nước này

Phải là biểu tượng văn hóa - con người Việt Nam

Theo đề án, quốc hoa là loài hoa tiêu biểu, là biểu tượng tinh thần, đặc trưng văn hóa dân tộc của quốc gia, thể hiện bản sắc con người và đất nước, được nhân dân yêu thích và tôn vinh trong đời sống, giao lưu văn hóa trong nước và đối ngoại quốc tế. Quốc hoa Việt Nam là biểu tượng văn hóa của Việt Nam, thể hiện bản sắc con người và đất nước Việt Nam, là sứ giả văn hóa, biểu tượng tinh thần của văn hóa đối ngoại và du lịch.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.