“Cú đấm”của Tiểu Long

23/01/2011 15:28 GMT+7

(TNTS) Thông tin về chiếc J-20, được cho là chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Trung Quốc vừa cất cánh, gây khá nhiều bất ngờ. Song, từ lâu nay quốc gia này đã âm thầm phát triển ngành công nghiệp hàng không quốc phòng.

Mới đây nhất, Trung Quốc vừa giới thiệu chiếc tiêm kích hạng nhẹ FC-1 Xiaolong (Tiểu Long) cải tiến và ngay lập tức Chính phủ Yemen đã xem xét đặt hàng mua loại máy bay này. Trên thực tế loại FC-1 được phía Trung Quốc cung cấp cho Pakistan từ nhiều năm qua. Điều này thu hút sự quan tâm của một loạt các nước châu Á và châu Phi. Có lẽ, trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc sẽ là quốc gia có vị thế lớn trên thị trường máy bay tiêm kích hạng nhẹ. Và Tiểu Long sẽ là "cú đấm" ban đầu để khởi động cho cuộc cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường vũ khí thế giới.

Nhu cầu thay thế lớn

Sự xuất hiện của FC-1 Xiaolong gây quan ngại có một số nước có thế mạnh xuất khẩu vũ khí, trước hết là Nga. Bởi, theo báo Độc Lập, Nga, chiếc FC-1 rất giống chiếc Mig-21. Nói cách khác nó được thiết kế trên nền tảng của chiếc tiêm kích lừng danh một thời của Liên Xô trước đây. Chỉ có khác là Tiểu Long giờ đây được lắp đặt động cơ mới và các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại hơn.

Thiết kế FC-1 Xiaolong được bắt đầu từ năm 1986, khi phía Trung Quốc hợp tác với hãng Grumman của Mỹ để nâng cấp toàn diện chiếc J-7 (thực tế là chiếc Mig-21, sản xuất tại Trung Quốc). Việc hợp tác theo dự án Super-7 giúp Trung Quốc nắm được một số công nghệ cao từ phía Mỹ. Nhưng sau sự kiện Thiên An Môn, dự án này bị đóng băng và đến năm 1990 thì ngừng hẳn.

Sau đó, các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không quân sự của Nga đã tích cực giúp đỡ, tư vấn cho những người đồng nghiệp Trung Quốc. Kết quả là chiếc J-7 mới ra đời với trọng lượng không tới 13 tấn, được trang bị hệ thống thông tin điện tử, hệ thống thấu kính điện tử do Nga sản xuất (dù không lắp đặt hệ thống radar của Nga). Dù vậy, loại J-7 mới cũng ứng dụng vài kết cấu kỹ thuật từ chiếc F-16 của Mỹ: Với 7 móc treo, chiếc máy bay có thể chở 3.629 kg khí tài.


F-16

Đương nhiên, J-7 mới được biên chế vào không lực của Trung Quốc, nhưng hiện nay nước này còn có loại tiêm kích hiện đại hơn là J-10. Đây là chiếc máy bay chịu ảnh hưởng của chiếc Lavi (Israel) và F-16 (Mỹ), nhưng lại vay mượn khá nhiều giải pháp kỹ thuật từ chiếc Su-27 của Nga.

Còn chiếc FC-1 Xiaolong nêu trên đúng nghĩa là chiếc tiêm kích hạng nhẹ. FC-1 được sản xuất nhằm mục đích thay thế cho những chiếc tiêm kích đa năng đã cũ kỹ, thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, mà phần lớn đang biên chế trong không lực các nước thuộc thế giới thứ ba. Đó là loại Mig-21 sản xuất từ thời Liên Xô (phiên bản của nó là chiếc J-7 tại Trung Quốc, còn gọi là F-7 dùng để xuất khẩu). Hay F-4 Phantom, F-5 Tiger của Mỹ và Mirage F1 của Pháp.  

Tưởng cũng cần nhắc đến loại tiêm kích Q-5 Fantan cũ kỹ, được Trung Quốc sản xuất dựa trên hình mẫu chiếc Mig-19 và được dùng để hỗ trợ cho lực lượng bộ binh. Q-5 Fantan được vài nước châu Phi và châu Á sử dụng khá phổ biến, trong đó có cả CHDCND Triều Tiên. Và Tiểu Long chính là chiếc tiêm kích lý tưởng để thay thế cho Q-5 Fantan.

Trung Quốc dự tính sẽ có khả năng xuất khẩu được từ 250 đến 300 chiếc FC-1 Xiaolong. Đây là con số khá ấn tượng. Một vài chuyên gia quân sự còn dự báo, nhiều nước đang phát triển muốn hiện đại hóa không lực của mình và tổng nhu cầu thay thế các loại tiêm kích sẽ vào khoảng 400 - 500 chiếc. Nhờ thế mà chiếc FC-1 với lợi thế về giá bán, có thể chiếm thị phần khá lớn.   

Nga tỏ ra lo lắng  

Vào giữa thập niên 1990, khi bị mất cơ hội mua chiếc F-16 của Mỹ, Pakistan rất quan tâm đến thiết kế của chiếc FC-1. Islamabad khi đó quay sang đối tác truyền thống là Bắc Kinh để cạnh tranh cùng với Ấn Độ, quốc gia vốn có những quan hệ căng thẳng với mình. Khi mua được chiếc FC-1, không lực Pakistan đặt lại tên cho nó là JF-17 Thunder. Hơn thế, những năm gần đây, Pakistan còn triển khai sản xuất loại máy bay này dành cho không lực của mình.


Mig-21

Không chỉ Ấn Độ quan ngại khi Pakistan sở hữu loại FC-1, mà cả Nga cũng tỏ ra lo lắng. Vào đầu năm 2007, Nga bắt đầu ngăn chặn việc Trung Quốc xuất khẩu JF-17 cho nước thứ ba. Làm được điều này vì động cơ RD-93 của chiếc tiêm kích này chính là động cơ RD-33 (dành cho Mig-29) được phía Trung Quốc cải tiến chút ít. Phó thủ tướng Nga - Sergei Ivanov, tuyên bố Nga phải làm như vậy để không làm ảnh hưởng quan hệ giữa Moscow và New Delhi.

Trung Quốc khi đó làm như không có gì xảy ra và 3 tháng sau bắt đầu xuất khẩu những chiếc tiêm kích gắn động cơ của Nga. Các nhà lãnh đạo Nga không bình luận về việc này, nhưng một số nguồn tin cho rằng Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận đã ký kết với Nga. Đến giữa năm 2007, ông Vladimir Putin ký văn bản cho phép Nga xuất khẩu động cơ RD-93 trực tiếp cho Pakistan.

Song song đó, Moscow buộc phải giải thích cho New Delhi rằng, chiếc JF-17 là loại tiêm kích "không đáng nói", không thể so sánh được với các loại tiêm kích mà Nga cung cấp cho Ấn Độ. Để lấy lòng tin của New Delhi, Nga còn chuyển giao công nghệ để sản xuất động cơ RD-33 tại Ấn Độ.

Mặt khác, từ đầu những năm 2000, Trung Quốc bắt đầu tự thiết kế động cơ, tương tự như RD-33. Hiện nước này đang tiến rất gần đến việc sản xuất hàng loạt động cơ này dưới cái tên WS-13 Taishan. Tuy thế, phải mất tới 5 - 6 năm nữa, Trung Quốc mới hoàn thiện và tự sản động cơ cho loại tiêm kích hạng nhẹ với giá thành rẻ để xuất khẩu sang các quốc gia thế giới thứ ba.  

Ngoài giải quyết "vấn đề Pakistan", phía Nga còn quan tâm đến thông tin về việc Yemen muốn mua FC-1. Nếu điều này diễn ra, chắc chắn thị phần của Nga tại Yemen sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi không lực Yemen vào thời điểm hiện tại chủ yếu là máy bay Nga: Các loại tiêm kích Mig-29A, Mig-29-SMT, Mig-21MF, và tiêm kích ném bom Mig-23BH. Ngoài ra còn một số máy bay F-5E Tiger của Mỹ. Mỗi loại vừa nêu Yemen có khoảng từ 40 - 45 chiếc, trong đó có từ 10 - 20 chiếc không còn khả năng chiến đấu. Việc thay thế máy bay cũ bằng loại tiêm kích mới có giá rẻ chắc chắn sẽ tốt hơn là chi tiền nâng cấp, sửa chữa hàng loạt máy bay thế hệ cũ.

Ngoài khu vực châu Á, châu Phi, nơi quan hệ hợp tác trong kinh tế  với Trung Quốc đang ngày càng sâu rộng, chặt chẽ, có hàng loạt các quốc gia như Ai Cập, Nigeria, Zimbabwe, Sudan… đang có nhu cầu thay thế các thế hệ tiêm kích cũ (phần lớn do Liên Xô trước đây cung cấp). Ngay cả Azerbaijan - một nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây - vào tháng 8.2010 cũng tuyên bố sẽ xem xét khả năng mua loại tiêm kích JF-17. Hơn thế, Azerbaijan bày tỏ muốn sở hữu JF-17 mà bỏ qua sự tham vấn của Nga như thường thấy. Xem ra, các quan ngại của Nga là có cơ sở và hiện hữu ngày càng lớn.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.