Trần Quảng Nam: "Mười năm tình cũ" tới "Kim Vân Kiều"

22/01/2011 17:13 GMT+7

Nhắc tới Trần Quảng Nam là người ta nhớ ngay tới ca khúc Mười năm tình cũ nổi tiếng của anh. Nhưng Trần Quảng Nam không chỉ viết tình khúc mà anh còn đang thực hiện một ấp ủ từ thuở nhỏ: làm nhạc kịch.

Tôi đã có dịp gặp Trần Quảng Nam khi anh vừa về nước để ủng hộ cho đêm nhạc của ca sĩ Thụy Uyên (diễn ra vào một đêm gần Tết Tân Mão 2011). Sau đó là một cuộc trao đổi bên ly cà phê:

Nghe cái tên Trần Quảng Nam, ai cũng nghĩ anh là người con của xứ “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhắm đã say”. Nhưng sao anh lại nói rặt giọng Bắc? Anh đến với âm nhạc từ lúc nào?

- Nói giọng Bắc vì cha mẹ tôi gốc ở Hải Dương, còn sở dĩ tôi tên Trần Quảng Nam là vì năm 1955, tôi được sinh ra ở Tam Kỳ - Quảng Nam. Tôi học nhạc từ khi vào bậc trung học, đồng thời được học nhạc lý với thầy Phạm Nghệ (thầy là một trong những người chơi violon nổi tiếng thời đó). Năm 14 tuổi, tôi đã tập tành sáng tác ca khúc và tới năm 1975 thì tôi đã viết được khoảng 20 ca khúc. Năm 1974, tôi cũng đã viết một trường ca mang tên Nguyên khúc. Nói như thế để anh biết là ngay từ thời còn trẻ tôi đã có khuynh hướng viết trường ca và nhạc kịch...

Nghe nói anh đang viết nhạc kịch Kim Vân Kiều?

Không phải đang viết mà là viết xong rồi và đang dựng. Tôi viết Kim Vân Kiều từ giữa năm 1990 đến năm 1996 thì hoàn tất. Nhạc kịch này gồm 10 màn (trung bình mỗi màn có 4 cảnh), diễn ra trong thời lượng 2 giờ 15 phút. Do khó khăn về tài chính và nhân sự (mỗi màn có khoảng 10 đến 15 nhân vật) nên chỉ mới dựng và ra mắt được màn mở đầu Tiết Thanh Minh - Kiều gặp gỡ Kim Trọng và màn Kiều trong lầu xanh - Gặp gỡ Thúc Sinh. Tôi đã ra mắt những phân cảnh này ở Mỹ vào các năm 2000 và 2004...

 Anh có muốn đem Kim Vân Kiều về Việt Nam?

 - Rất muốn! Ở Mỹ, tôi gặp khó khăn về nhân sự, bởi tìm được những người có đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của mình thật không dễ dàng. Ngay trong chuyến về nước này, tôi đã có chủ ý đi đến các phòng trà ở Sài Gòn để tìm kiếm các ca sĩ có khả năng thể hiện nhạc kịch. Đối tượng của tôi dĩ nhiên không phải là những ca sĩ nổi tiếng, bởi tôi không đủ khả năng trả cát-sê cho họ. Hơn nữa, nhạc kịch đòi hỏi người ca sĩ phải từ bỏ phong cách riêng để hát theo cái hồn của nhạc kịch và theo sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn âm nhạc, điều này có thể các ca sĩ hạng sao ít chấp nhận. Vừa rồi tôi đến phòng trà Tiếng Xưa, thấy có 2 nhóm nhạc rất có khả năng về giọng hát cũng như cách diễn. Tôi rất mừng vì ở Mỹ tôi đã mất đến 5 năm mà chưa tìm ra ca sĩ vừa ý...

Thế anh đã đề nghị họ hợp tác chưa? Nếu họ đồng ý thì anh sẽ thực hiện như thế nào?

Tuy chưa chính thức mời họ nhưng tôi rất hy vọng họ sẽ hợp tác. Khi đó, tôi sẽ phân vai và tập hát, tập diễn cho từng nhân vật rồi làm “audio” trước - vì để diễn với dàn nhạc sống, hát “live” thì không đủ sức và kinh phí, cho nên phải thu âm trước, sau đó diễn viên sẽ hát lipsync... Tôi đã thử nghiệm cách này trong cả hai lần diễn ở Mỹ và được khán giả chấp nhận.

Anh về Việt Nam mấy lần rồi? Anh thích ca sĩ trong nước và ca sĩ hải ngoại nào?

Tôi về Việt Nam lần đầu vào năm 1996, đến nay đã có hơn 10 lần về nước. Ca sĩ trong nước, tôi chưa có dịp nghe được nhiều nên chắc là còn bỏ sót. Về nữ ca sĩ, tôi rất thích Mỹ Linh, ngoài ra tuy chỉ nghe Nguyên Thảo hát một lần nhưng tôi cũng thích. Về nam ca sĩ, tôi thích Tùng Dương và Kasim Hoàng Vũ. Ca sĩ hải ngoại thì tôi thích giọng ca của Lệ Thu và chất giọng của Vũ Khanh. Riêng ca khúc Trắng của tôi sáng tác năm 2004, cũng đã có ca sĩ hát nhưng tôi chưa thực sự hài lòng lắm vì họ chưa thể hiện đúng ý ở những đoạn cao trào. Tình cờ lên mạng internet, nghe Thụy Uyên hát trên Youtube, tôi thấy cô có năng lực thể hiện. Về Việt Nam lần này, tôi được trực tiếp nghe Thụy Uyên hát và đã đề nghị cô ghi âm ca khúc này. 

Xuất xứ của Mười năm tình cũ

“ Trước năm 1975, tôi học Đại học Văn khoa (Anh văn) và Tri Hành (điện ảnh). Lúc đó, tôi yêu một cô gái mang hai dòng máu Việt-Pháp tên là Isabel Hạnh. Đầu năm 1975, tôi đi du học ở Mỹ, còn cô ấy hồi hương về Pháp năm 1976. Những năm đầu mới đến Mỹ, cô ấy có bay sang gặp tôi nhưng do tôi còn đi học, chưa có công việc ổn định nên cũng không “hứa hẹn” gì. Sau dịp đó, cô ấy về Pháp. Bẵng đi ít lâu, khi trao đổi qua điện thoại, tôi nghĩ cô ấy đã có người khác.

Từ đó chúng tôi không gặp lại... Một ngày của năm 1985, ngồi giở lại chồng ảnh cũ, bỗng nhiên tôi thấy lại những bức hình của Isabel Hạnh. Ảnh còn đây mà người đã biệt vô âm tín. Cảm xúc dâng trào, trong đầu tôi bỗng bật ra câu: Mười năm không gặp ngỡ tình đã cũ/Mây bay bao năm tưởng mình đã quên/Như mây bay đi một trời thương nhớ/Em ơi bên kia có còn mắt buồn?... Trước đây, những ca khúc của tôi mang phong cách bán cổ điển nên cũng khó có người hát và ít được biết tới.

Ca khúc Mười năm tình cũ được viết nghe dễ hát, bạn bè khuyến khích “Được đấy!”. Có nhiều người nói bài nhạc này nghe “sến”. Với tôi, ca khúc này chưa đạt tiêu chuẩn của nhạc “sến”, nhưng phần nào tôi cũng hãnh diện khi được “Nữ hoàng nhạc sến” Thanh Tuyền và “Hoàng đế nhạc sến” Chế Linh ghi âm vào những album của họ. Còn người có công đưa bài hát này đến công chúng lại là ca sĩ Lệ Thu, người thâu băng đầu tiên sau khi tôi sáng tác 1 năm (1986). Bây giờ thì nhiều người hát bản này quá, không thể nhớ hết...” - nhạc Trần Quảng Nam

Hà Đình Nguyên
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.