“Tử dược” Mediator làm chao đảo y tế Pháp

21/01/2011 22:18 GMT+7

Sóng gió từ vụ “tử dược” Mediator đang dồn dập giáng vào Tập đoàn Servier và khuấy động cả hệ thống y tế Pháp.

Theo tờ Le Parisien đăng tải, các nhà điều tra thuộc Cơ quan Trung ương phòng, chống xâm hại môi trường và sức khỏe cộng đồng (Oclaesp) vừa thẩm vấn nhiều nhân viên cao cấp của hãng Servier, nơi sản xuất thuốc Mediator. Trong giai đoạn được lưu hành ở Pháp từ 1976-2009, loại thuốc dành cho bệnh nhân tiểu đường thừa cân này bị cáo buộc đã làm thiệt mạng từ 500 -2.000 người do tác dụng phụ nguy hại đến hệ tim mạch.

Kết quả điều tra của Oclaesp sẽ được bổ sung vào các báo cáo của Cơ quan An ninh sản phẩm y tế Pháp (Afssaps) và Ban Tổng thanh tra các vấn đề xã hội (Igas).

Tập đoàn “lắm chiêu”

Theo các thanh tra của Igas, trước khi tung Mediator ra thị trường, Servier biết rõ hoạt chất benfluorex trong thuốc là một chất gây chán ăn rất mạnh và tìm mọi cách lấp liếm chuyện này. Báo cáo của Igas ghi nhận: “Khi benfluorex (Mediator) được lưu hành năm 1976, Servier đã giới thiệu nó như một loại thuốc bổ trợ cho bệnh nhân tiểu đường type 2 qua việc tác động lên cơ chế chuyển hóa của đường và mỡ, chứ không phải thuốc gây chán ăn”. Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới, tiếp tố “orex” được dùng chỉ các hoạt chất gây chán ăn. Vì thế, năm 1973, Servier thậm chí còn đề nghị đổi tên benfluorex thành “benzaflumine” hay “benflurate”.

Báo cáo của Igas cho thấy, trong 33 năm xuất hiện trên thị trường dược phẩm Pháp, Mediator đã thoát hiểm 3 lần nhờ “sự khoan dung khó hiểu” của các cơ quan kiểm định y tế. Năm 1995, Pháp cấm nhiều thuốc chứa các dược chất gây chán ăn, trong đó có hoạt chất fenfluramine, “bà con gần” của benfluorex (cả hai đều là dẫn xuất của norfenfluramine) nhưng Mediator vẫn bình an vô sự. Tiếp đó, năm 1997 và 1999, một số thuốc tương tự Mediator như Isoméridelại tiếp tục bị cấm nhưng “tử dược” của hãng Servier vẫn có mặt trên thị trường thêm hàng chục năm nữa.

Cải tổ toàn diện

Bộ trưởng Lao động và Y tế Xavier Bertrand mới đây nhìn nhận với báo giới: “Hệ thống thuốc men của chúng ta còn nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng và các cơ quan kiểm định dược phẩm đã không hoàn thành nhiệm vụ”. Hôm 17.1, trên Đài truyền thanh France Inter, ông Bertrand cho biết dự kiến luật cải cách hệ thống kiểm định dược phẩm sẽ được đưa ra trước năm 2012.

Theo Le Monde, một trong những biện pháp cải tổ được Bộ trưởng Bertrand nhấn mạnh là giữ cho Afssaps hoạt động hoàn toàn độc lập với các hãng dược. Như vậy, kinh phí hoạt động của cơ quan này phải do Chính phủ Pháp chu cấp hoàn toàn. Hiện nay, 80% ngân sách của Afssaps là từ các hãng dược. Ông Bertrand cũng cho rằng cần bổ sung thêm đại diện của các hiệp hội người tiêu dùng, chuyên san y khoa độc lập vào các ủy ban kiểm định chất lượng dược phẩm của Afssaps.

Về lâu dài, việc cấp phép lưu hành cho các loại thuốc tại Pháp có thể sẽ thay đổi. Hiện nay, để được lưu hành, các hãng dược chỉ cần chứng minh loại thuốc mới có hiệu quả cao hơn giả dược. Nhưng trong tương lai, tờ Le Figaro dẫn lời Bộ trưởng Bertrand cho biết: “Các loại thuốc mới phải chứng tỏ dược tính bằng hoặc hơn thuốc đã có trên thị trường”. Vụ bê bối Mediator đã thật sự thay đổi cơ chế quản lý dược phẩm tại Pháp. Ngoài phản ứng từ Bộ Lao động, Y tế, các cơ quan hữu trách khác đều kêu gọi cải cách. Nhiều hiệp hội dược phẩm đã “nghỉ chơi” với Tập đoàn Servier. Afssaps thời gian gần đây cũng tỏ ra rất tích cực khi vừa công bố danh sách 59 loại thuốc “cần theo dõi” đặc biệt vì lo ngại tác dụng phụ.

59 loại thuốc “cần theo dõi” của Afssaps

Abstral (giảm đau); Aclasta 5mg (chống loãng xương); Acomplia (chống béo phì), Alli 60mg (trị thừa cân); Antasol (giảm đau); Arcoxia (kháng viêm không steroid dành cho bệnh nhân thoái hóa khớp); Byetta (trị tiểu đường); Celsentri (thuốc kháng HIV); Cervarix (vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung); Champix (cai thuốc lá); Chlorhydrate de buprenorphine (cai nghiện ma túy); Cimzia (trị đa viêm khớp, thấp khớp); Cymbalta (chống trầm cảm); Effentora (giảm đau); Efient 10mg (ngừa tim mạch); Ellaone (ngừa thai); Entonox (thuốc giảm đau chuyên dụng); Exjade (dành cho bệnh nhân có lượng chất sắt trong máu quá cao); Firmagon (trị ung thư tuyến tiền liệt); Galvus (trị tiểu đường); Gardasil (vắc-xin ngừa papillomavirus); Ilaris (kháng thể chống một số dạng viêm nhiễm);  Increlex (dành cho trẻ em lớn chậm); Instanyl (giảm đau); Intelence (thuốc kháng rétrovirus); Intrinsa (thuốc dành cho những phụ nữ không còn “hưng phấn” sau khi cắt bỏ buồng trứng, tử cung); Isentress (dành cho bệnh nhân nhiễm HIV); Januvia (trị tiểu đường type 2); Kalinox (thuốc giảm đau chuyên dụng); Kuvan (trị một số bệnh hiếm về chuyển hóa); Lucentis (trị thoái hóa điểm vàng); Methadone AP-HP (thuốc cai nghiện ma túy); Multaq (trị bệnh tim); Mycamine (trị bệnh nấm); Nplate (làm tăng tiểu cầu); Onglyza (trị tiểu đường type 2); Orencia (trị viêm đa khớp, thấp khớp); Oxynox (thuốc giảm đau chuyên dụng); Pradaxa (dành cho bệnh nhân từng phẫu thuật thay khớp hoàn toàn); Prevenar 13 (vắc-xin ngừa phế cầu khuẩn); Procoralan (trị rối loạn nhịp tim); Relistor (dành cho bệnh nhân điều trị giảm nhẹ); Revlimid (trị u tủy, ung thư tủy xương); Revolade (dành cho bệnh nhân cắt bỏ lá lách); Roactemra (viêm đa khớp, thấp khớp); Stelara (trị vảy nến); Symbicort (trị hen suyễn); Thalidomide (trị đa u tủy xương); Thelin (dùng cho bệnh nhân cao huyết áp); Toctino (trị viêm da); Tracleer (dành cho bệnh nhân cao huyết áp); Tysabri (trị bệnh đa xơ cứng); Tyverb (điều trị ung thư vú); Valdoxan (thuốc chống trầm cảm); Vimpat (trị động kinh); Volibris (trị cao huyết áp); Xarelto (chống rối loạn tim mạch); Xyrem (trị rối loạn giấc ngủ); Zypadhera (trị tâm thần phân lập).

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Đằng sau “tử dược” Mediator: Những quả bom nổ chậm
>>
Vụ Mediator ảnh hưởng chính trường Pháp
>> Vụ “Tử dược” Mediator: Chậm hay lơ?
>>
“Tử dược” Mediator vẫn được bày bán!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.