Vẫn có thể chết vì sưởi ấm bằng than sạch

15/01/2011 12:21 GMT+7

Những vụ chết người do dùng than tổ ong để sưởi ấm trong đợt rét vừa qua khiến nhiều người băn khoăn có nên dùng than sạch thay thế hay không. Các nhà khoa học cho biết, than sạch hay không sạch đều độc như nhau.

Cái chết nhẹ nhàng từ than

Mới đây, vợ chồng bà Lê Thị Thanh (61 tuổi) và ông Nguyễn Văn Ngộ (65 tuổi) trú tại khối 4, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh đốt than tổ ong trong phòng cho ấm rồi đóng kín cửa đi ngủ. Đến 10 giờ sáng hôm sau, con trai của hai ông bà không thấy bố mẹ dậy nên phá cửa vào thì thấy hai người đã hôn mê. Trường hợp ngộ độc khói than như vậy không phải hiếm. Mùa rét năm nào cũng có các trường hợp tử vong do dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín.

Theo số liệu của Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, mỗi năm, Trung tâm cấp cứu từ 10 đến 20 bệnh nhân ngộ độc do hít phải khí than. Bên cạnh những ca tử vong, có không ít người không thể trở lại bình thường do não bị ảnh hưởng, thậm chí có người sống thực vật. Các nhà khoa học cho biết, cái chết từ than tổ ong là “cái chết nhẹ nhàng”. Khi hít phải khí độc, bệnh nhân thường lịm đi không biết gì và chết rất nhanh.

Rất dễ nhận biết bệnh nhân chết ngạt khí than thông qua màu da. Do hồng cầu thiếu ôxi (O2) và dư thừa khí CO, da chuyển sang màu đỏ tía. Trong khi đó, hồng cầu gắn O2 cho da màu đỏ cờ.

Than sạch cũng độc

Nhiều gia đình tính đến việc chuyển sang dùng than sạch để sưởi ấm dù loại này giá cao hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định than sạch ủ trong phòng kín cũng gây chết người như than bẩn.

“Than sạch hay còn gọi là than không khói, thực ra dùng ít lưu huỳnh hơn nên khi đốt, ít hoặc không sinh ra khí SO2. Hàm lượng Ni tơ trong than sạch nhỏ. Tuy nhiên, than sạch hay than thường khi đốt đều sinh ra khí carbonic (CO2). Khi ủ trong phòng kín, cả hai loại này đều sinh ra khí CO – thủ phạm chính gây chết người”, PGS.TS Trần Hồng Côn, lý giải.

Theo PGS Côn, nếu dùng than tổ ong để đun nấu ở nơi thoáng khí thì không sao. Trong điều kiện đốt đủ không khí, than sinh ra CO2. Khí này không có tác dụng duy trì sự sống, nhất là khi tồn tại trong một căn phòng nhỏ, kín, nó sẽ đẩy các chất khí nhẹ hơn (là O2) ra ngoài để chiếm chỗ. Những người ở trong phòng vì thế sẽ không có khí để thở.

Tuy nhiên, CO2 không phải là thủ phạm chính gây tử vong. Nguy hiểm hơn, có khả năng đem đến cái chết nhanh chóng, nhẹ nhàng, lại là khí oxit cacbon (CO). Đây là một loại khí cực kỳ độc, được xếp đầu bảng, không màu, không mùi, không tan trong nước và chiếm một lượng lớn nhất trong quá trình đốt than.

“Vào mùa lạnh, nhiều người đóng kín cửa phòng rồi dùng bếp than tổ ong để sưởi. Để tiết kiệm, người ta ủ than, làm viên than dùng được lâu hơn, có thể dùng qua đêm, sáng hôm sau không phải mồi lại. Quá trình cháy yếm khí này sản sinh ra khí CO.

Trong điều kiện phòng chật, kín thì chỉ cần ủ một viên than cũng đã đủ làm chết tất cả những người ở trong đó. Hiện tượng ngộ độc khí CO rất dễ xảy ra trong điều kiện thông khí kém. Hậu quả là nạn nhân bị thiếu oxy một cách trầm trọng, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong” – PGS Côn cho biết.

Quá trình đốt than cũng tạo ra những hợp chất hữu cơ độc hại khác, có khả năng gây tử vong như metan (CH4), benzen và các hợp chất hữu cơ nhân thơm rất độc hại và có khả năng gây ung thư... Tất cả hợp chất trên tác động trực tiếp vào hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và não, đồng thời phá hoại chức năng chuyển hóa oxy của hồng cầu. Nạn nhân bị lịm đi, không có cách nào để tự thoát ra được.

“Than sạch hay than thường, tóm lại, khi cháy trong phòng kín đều sản sinh ra các loại khí độc nói trên. Dùng củi sưởi trong phòng kín cũng vậy. Do đó, cần loại bỏ hoàn toàn việc dùng than, củi để sưởi trong nhà vào mùa đông. Giải pháp thay thế chỉ có thể là sưởi điện hoặc sưởi hơi nước”, PGS Côn khẳng định.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.