Nhiều trò lừa mới

15/01/2011 07:48 GMT+7

Giả mạo công an thông báo đã bắt được kẻ trộm cắp rồi gợi ý bồi dưỡng; lừa chạy án, cho phép gặp mặt bị can để vòi tiền... Đó là những chiêu thức lừa mới của bọn tội phạm.

Đại tá Đặng Quang Minh, Trưởng Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, ở tỉnh này đã xảy ra 2 vụ mạo danh công an để lừa đảo.
Mất của hai lần
 
Khuya 25-12-2010, anh Huỳnh Anh Tuấn (ngụ xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cùng tài xế đi nhận tiền bán heo từ TPHCM trở về nhà. Do kêu cửa mà người nhà không nghe nên anh Tuấn cùng tài xế ngủ trước cửa nhà. Lúc ngủ, anh Tuấn để giỏ tiền gần 700 triệu đồng trên đầu nằm của mình. Đến 1 giờ 25 phút ngày 26-12, anh Tuấn thức giấc phát hiện giỏ xách bị mất cùng với 2 điện thoại di động nên đến cơ quan công an trình báo.  Ngày 30-12-2010, có một người xưng là điều tra viên Công an tỉnh Kiên Giang, tên là Định, gọi điện thoại cho Công an xã Thiện Trí, huyện Cái Bè thông báo bắt được 2 đối tượng có hành vi cướp giật tài sản.
 
Qua điều tra, 2  đối tượng này khai nhận có thực hiện vụ trộm tiền của anh Tuấn. “Điều tra viên” này hẹn 2 ngày sau sẽ đến công an xã làm việc. Nhận được tin này,  công an xã thông báo cho anh Tuấn biết. Quá vui mừng, anh Tuấn vội liên lạc với “điều tra viên” và được gợi ý bồi dưỡng 11 triệu đồng bằng cách nạp thẻ điện thoại. Sau khi anh Tuấn nạp xong tiền, gọi lại thì “số điện thoại này không liên lạc được...”.
 
Mới đây, ngày 3-1, Công ty Cổ phần Rau quả Tiền Giang bị trộm đột nhập lấy đi 400 triệu đồng, một máy tính xách tay và một máy chụp ảnh hiệu C. Ngày 7-1, một đối tượng sử dụng số điện thoại di động gọi cho Công an xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tự xưng tên Long đang công tác tại PC45 tỉnh Bình Phước. Long cho biết có 4 đối tượng từ nơi khác đến gạ bán máy tính xách tay và máy chụp ảnh hiệu C. Công an tỉnh Bình Phước tạm giữ thì phát hiện có hàng trăm triệu đồng, các đối tượng này khai đã trộm ở Công ty Rau quả Tiền Giang. Công an xã Long Định điện báo về Công an huyện Châu Thành toàn bộ nội dung sự việc.
 
 Cùng lúc, Long điện thoại cho ông Hoàng, Trưởng Phòng Hành chính Công ty Rau quả Tiền Giang, để thông báo “đã bắt được kẻ trộm”, yêu cầu ông Hoàng đi với công an địa phương để nhận lại tài sản. Sau cùng, Long gợi ý bồi dưỡng bằng cách nạp thẻ điện thoại vào số máy của Long. Nghe vậy, ông Hoàng đã nạp thẻ điện thoại cho Long 7 triệu đồng. Sau đó, ông Hoàng gọi lại thì thuê bao điện thoại ngoài vùng phủ sóng.
 
Lừa đảo bằng chiêu chạy án
 
Qua công tác nắm tình hình, hiện nay, Công an tỉnh Tiền Giang còn phát hiện nhiều đối tượng lừa đảo chạy án, thăm nuôi... đối với người nhà của các phạm nhân đang bị tạm giữ tại trại giam công an tỉnh. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này là tìm hiểu họ tên, địa chỉ phạm nhân, thụ lý bao nhiêu năm tù..., sau đó điện thoại cho người nhà phạm nhân, nói rằng phạm nhân đang bị bệnh nặng, muốn vào trại thăm nuôi thì giao tiền bằng cách chuyển qua sim điện thoại để đối tượng lo cho cán bộ trại giam mới vào thăm được. Tin lời nên một số gia đình phạm nhân đã nạp tiền nhưng sau đó không thể liên lạc được với đối tượng nữa.
 
 Mới đây, Công an tỉnh Tiền Giang bắt tạm giam 2 đối tượng lừa chạy án gia đình một bị can với số tiền hơn 107 triệu đồng. Đó là Nguyễn Văn Tấn (ngụ huyện Củ Chi - TPHCM) và Trần Đình Phú (ngụ huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Theo điều tra ban đầu, khi biết Công an tỉnh Tiền Giang đang điều tra một vụ án và khởi tố bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Tài (ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), Phú và Tấn đến gia đình bị can Tài “khoe” có quen lớn với công an, VKSND và tòa án ở tỉnh Tiền Giang muốn giảm nhẹ tội cho Tài thì “chung” 250 triệu đồng để “chạy án”. Khi bị bắt, 2 đối tượng khai nhận chỉ quen với vài cán bộ ở một VKSND cấp quận ở TPHCM nên không thể “chạy án” cho Tài. Ngoài ra, 2 đối tượng này còn đang bị điều tra về hành vi dùng số tiền lừa đảo để cá độ bóng đá với số tiền ăn thua hàng trăm triệu đồng.

Trộm cắp xuyên tỉnh - thành, quốc gia

Mới đây, Đội 4 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an TPHCM đã bắt được một nhóm gồm 12 đối tượng là “siêu trộm” ở tuổi từ 15 đến 18, mặc toàn đồ hàng hiệu, trà trộn vào đám đông người dân ở các tụ điểm tổ chức lễ hội mừng năm mới, các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm để trộm cắp tài sản.
 
Đáng lưu ý, nhiều đối tượng trộm cắp còn đưa trẻ em đi cùng, sau khi lấy tài sản, chúng chuyền cho các trẻ nhỏ này nhằm đánh lạc hướng. Cũng có khi các đối tượng trộm cắp còn tập hợp thành từng nhóm, tổ chức vài trò thu hút người tới xem, tạo điều kiện để đồng bọn ra tay.
 
 Theo ông Nguyễn Thanh Huyền, Đội trưởng Đội 4 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an TPHCM, trong các băng nhóm đã bị sa lưới có nhiều đối tượng vốn hành nghề trộm cắp chuyên nghiệp và mang nhiều tiền án, tiền sự. Ngoài ra còn xuất hiện các băng nhóm trộm chuyên nghiệp từ Nha Trang, Đà Nẵng, Thanh Hóa... vào TPHCM thuê phòng trọ, hành nghề trộm cắp một thời gian rồi di chuyển đến các tỉnh, thành khác tiếp tục hoạt động. Gần đây còn xuất hiện các băng nhóm trộm xuyên quốc gia từ Campuchia, Thái Lan... đến và hoạt động tinh vi hơn.


 Theo Người Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.