Trường học thiếu sân chơi

14/01/2011 23:06 GMT+7

Học sinh (HS) tiểu học luôn hiếu động nhưng không phải em nào cũng may mắn được học tập trong một ngôi trường có không gian rộng rãi để thỏa sức nô đùa. Điều này càng trở nên hiếm hoi ở các thành phố lớn.

Sân chơi là... sân thượng

Theo thống kê từ Sở GD-ĐT TP.HCM, gần 60/500 trường tiểu học có sân chơi chật hẹp. Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng GD tiểu học, cho biết: “Đây chủ yếu là những trường được tái sử dụng từ các nhà phố, trường tư thục nhỏ hẹp xây dựng từ trước năm 1975. Vì vậy cơ sở vật chất các trường này đã xuống cấp, sân chơi rất nhỏ hoặc không có cơ cấu xây dựng dành cho sân chơi”.

Thiếu sân chơi, HS dễ sinh mâu thuẫn

Hoạt động vui chơi góp phần phát triển nhân cách cho HS. Tùy vào mỗi lứa tuổi, mỗi bậc học có nhu cầu về sân chơi khác nhau; bậc học nhỏ thì càng cần sân chơi hơn vì tuổi này hiếu động, thích chạy nhảy... Nếu sân chơi chật hẹp sẽ tạo cho HS cảm giác tù túng về mặt không gian, giờ học căng thẳng khiến tâm lý HS không thông thoáng, hoạt động không tích cực có thể nảy sinh mâu thuẫn vì giành nhau chỗ chơi... - Thạc sĩ NGUYỄN HỮU LONG - Giảng viên trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM

Từ nhiều năm nay, trời nắng cũng như mưa, đến giờ ra chơi là bác bảo vệ trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5, TP.HCM) phải canh chừng không cho HS chạy ra vỉa hè vì trường nằm sát ngay đường xe cộ qua lại. Ông Nguyễn Trung Hải - Hiệu trưởng nhà trường, phân trần: “Nhà trường cải tạo sân thượng, xây tường cao bao bọc xung quanh để làm chỗ chơi cho HS. Điều kiện nhà trường chỉ có vậy nên thầy và trò cùng phải cố gắng”.

Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Q.8, TP.HCM) vốn đã chật hẹp mà ngay tầng trệt cũng chẳng được sử dụng vì từ năm 2000, UBND Q.8 giao cho trung tâm văn hóa quận mở nhà sách. Ông Nguyễn Văn Giàu - nguyên Hiệu trưởng nhà trường, từng thông tin: “Nơi đây là Rạp hát Phi Long đã hoạt động từ những năm 60 thế kỷ trước nên trường cải tạo sân thượng thành sân chơi để HS được chạy nhảy sau mỗi giờ học”.

Đá banh, đá cầu là “xa xỉ”

Trong một cuộc khảo sát của Phòng GD Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng), các trường tiểu học Tây Hồ, Phan Thanh, Phù Đổng, THCS Sào Nam... bị xếp vào “danh mục” những trường không đảm bảo không gian cho HS vui chơi, luyện tập. Nghịch lý ở chỗ đây đều là những trường điểm có tiếng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Rất nhiều phụ huynh khi chọn trường đầu cấp cho con đều muốn kiếm một suất vào các trường này. Chính vì vậy năm học nào, số HS tuyển mới cũng tăng lên hàng trăm em so với số HS đúng tuyến. HS ngày càng đông mà cơ sở vật chất cũng chỉ có vậy nên các em bị thu hẹp chỗ vui chơi, rèn luyện của mình.

 

Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5, TP.HCM) nằm ngay sát đường, không có sân chơi đúng nghĩa cho HS - Ảnh: Đ.N.T

Chẳng hạn trường Tiểu học Phan Thanh lúc mới xây dựng có 16 phòng học, 12 phòng chức năng đủ để phục vụ cho 525 HS. Thế nhưng đến năm học 2010 - 2011, số HS của trường đã tăng lên 1.100. Thầy Lê Văn Lạc - Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Không ít thời gian, nhà trường phải sửa phòng chức năng thành phòng học, phòng hiệu trưởng cũng phải thay đổi để đủ chỗ cho HS. Vì vậy HS của trường không đủ không gian để vui chơi, thực hành, tập luyện thể thao...”. Đây thật sự là vấn đề vì ông Nguyễn Đăng Ngưng - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hải Châu, cho rằng tổng diện tích đất dành cho trường học của 3 bậc học trên địa bàn quận là 188.113m2, chiếm 0,52% so với tổng diện tích đất tự nhiên của quận, thiếu so với quy định chuẩn (bình quân 6m2/HS) là 229.152m2. Vì vậy, ở các trường thiếu sân chơi, những trò chơi như đá banh, đá cầu... trở thành “xa xỉ”. Đó chính là lý do mà chị Nguyễn Thị Hà (ở Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) quyết định cho con mình học ở một trường bình thường dù có được một suất vào trường Tiểu học Phù Đổng. Chị chia sẻ: “Tôi muốn con mình thực sự được học ở nơi có đầy đủ cơ sở vật chất để cháu vui chơi, rèn luyện... Và thực tế chứng minh, cháu đang phát triển rất tốt về mọi mặt”.

Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng thừa nhận: “HS những trường này thật sự thiệt thòi vì không có khoảng không gian thoải mái để vui chơi, chạy nhảy. Trong khi đó, đây là lứa tuổi hiếu động, có vui chơi mới phát triển, mới thích thú học tập”.

Bích Thanh - Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.