Nhà lưu trú công nhân bớt ế

13/01/2011 13:36 GMT+7

Sau một thời gian “cửa đóng then cài”, nhiều nhà lưu trú tấp nập đón công nhân vào ở. Điều này cho thấy những chủ đầu tư ít nhiều đã chịu lắng nghe nhu cầu từ công nhân.

Gia đình thứ hai

Trong căn phòng số 217 B1, Ký túc xá công nhân Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, Q.7, TP.HCM, cô gái 23 tuổi - Kiều My (Công ty Daiwoa Plastic - Nhật) tranh thủ sáng chủ nhật trang trí phòng ốc đón tết. My quan niệm chỗ trọ không phải là tạm bợ mà đã như “gia đình thứ hai” của những người mưu sinh xa quê như cô.

Chúng tôi gặp Liên - 25 tuổi, công nhân may của Công ty TaiViet, “cư dân” phòng 105 Ký túc xá đang phơi cải làm dưa muối. Liên kể: “Trước đây, nhờ bạn  giới thiệu nên em biết được khu này. Chỉ cần có giấy hợp đồng làm việc tại công ty nào đó trong KCX Tân Thuận là được chấp nhận vào ở. Giá phòng là 140 ngàn đồng/người, điện nước nữa vị chi khoảng 200 ngàn đồng/tháng, so với ở bên ngoài vẫn còn rẻ, lại an toàn, tiện nghi hơn”. Khi chúng tôi thử hỏi thuê chỗ trọ ở đây, Liên cho biết: “Em thấy nhiều công nhân khác đến xin nhưng cũng hết chỗ rồi chị ạ”.

Đã gọi là xây nhà lưu trú cho công nhân thì bằng mọi cách phải phục vụ cho đúng đối tượng
Ông Nguyễn Tấn Định Phó trưởng ban Quản lý HEPZA

Quả thật, cả hai tòa nhà A1, B1 do Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) làm chủ đầu tư hiện đã kín chỗ, với hơn 1.128 công nhân KCX Tân Thuận đang cư ngụ. Được biết, qua Tết Tân Mão, Sadeco sẽ khánh thành block C2 (tổng vốn  đầu tư 15 tỉ đồng), đáp ứng khoảng 480 chỗ trọ cho công nhân KCX Tân Thuận. Cạnh các block do Sadeco xây, một số doanh nghiệp khác như Palace, Đức Bổn xây sắp xong hoặc chuẩn bị khởi công những khu lưu trú công nhân.

Tại Nhà Bè, TP.HCM, khu lưu trú - khối I do Công ty CP Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước xây dựng đến nay đã đón khoảng 250 công nhân trên tổng số 540 chỗ ở. Đây là một tín hiệu khả quan nếu so với thời “đóng băng” của khu nhà này - khánh thành từ tháng 8.2008 nhưng đến tận tháng 1.2010, chỉ có vài nhóm công nhân vào ở.

“Tan băng”

Ông Trần Mạnh Châu - Tổng giám đốc Sadeco cho hay ông từng mất ăn mất ngủ một thời gian khá dài vì bài toán nan giải mang tên “Nhà lưu trú công nhân”. Ông Châu cho biết: tháng 8.2001, Ban Quản lý các KCX- KCN TP.HCM (HEPZA) chấp thuận cho Công ty Liên doanh KCX Tân Thuận (TTC) giao 1,5 ha đất cho Sadeco xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Năm 2002, Sadeco khởi công xây dựng 2 đơn nguyên đầu tiên (A1, B1). Nghịch lý là sau khi xây xong khá hoành tráng, hai khu ký túc xá vẫn vắng như chùa Bà Đanh! Thời gian này, Sadeco phải bù lỗ mỗi năm trên dưới 1 tỉ đồng.

Ông Châu thẳng thắn phân tích những bất cập: “Công ty TTC ra điều kiện không cho nam công nhân ở, không cho cặp gia đình cư ngụ, không cho nấu ăn trong phòng… Mặt khác, đường đi từ cửa chính KCX đến cổng nhà lưu trú xa gần 2 km, ban đêm không có đèn chiếu sáng khiến nhiều công nhân e ngại”. Sau khi trổ cổng sau KCX và điều chỉnh một số quy định theo hướng linh hoạt hơn, mãi đến năm 2007, khu lưu trú này mới đón một số công nhân đến ở. Tiếp đó, Sadeco mạnh dạn tiếp nhận những công nhân (trong đó có nam) đến đăng ký riêng lẻ bên cạnh nguồn công nhân do chủ doanh nghiệp đưa đến.

Lý giải tình trạng Nhà lưu trú công nhân - khối I KCN Hiệp Phước mới sử dụng khoảng 50% số phòng, ông Đoàn Hồng Tâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước nói: “Khi khối nhà đang xây, nhiều chủ doanh nghiệp đã đăng ký đặt chỗ, có nơi đặt từ 100 - 200 công nhân. Tuy nhiên, đến lúc tiếp nhận công trình, một loạt doanh nghiệp lại từ chối vì không bố trí đủ số người”. Mặt khác, ông Tâm nhìn nhận khối I xây theo dạng chung cư quy mô lớn, mỗi phòng đến 8 - 10 người ở là “làm khó cho công nhân”. Theo ông Tâm, Ban giám đốc công ty đã tiếp thu ý kiến phản hồi để có những cải thiện phù hợp. Theo đó, từ tháng 1.2011, đơn vị này bắt đầu tiếp nhận cả những công nhân lẻ tự đăng ký. Ngoài ra, khối II Nhà lưu trú công nhân Hiệp Phước (khởi công ngày 24.12.2010, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho 500 người vào cuối năm nay) được xây với 4 loại phòng, dành cho 2 - 8 người ở. Mỗi phòng có trang bị điện thoại, máy nước nóng, kệ bếp, bồn rửa… với giá từ 200 ngàn - 250 ngàn đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Tấn Định - Phó trưởng ban Quản lý HEPZA khẳng định trước đây, có nhiều công nhân không thích sống trong khu lưu trú. Bởi lẽ, những khu đó thường xây theo kiểu biệt lập, nằm trong khuôn viên có tường rào bao quanh cộng với những quy định ngặt nghèo… khiến công nhân thấy bị gò bó. Tuy nhiên, ông Định cho rằng việc xây nhà lưu trú hiện đã có những điều chỉnh đáng kể, đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân.

Phó trưởng ban Quản lý HEPZA trăn trở: “Để có quỹ đất sạch xây nhà lưu trú, điều cần thiết là phải lập lại quy hoạch. Nhất là những KCX, KCN mới hình thành thì càng cần quy hoạch chi tiết để có khu ở tập thể, nhà giữ trẻ… cho công nhân”.

Theo Ban Quản lý HEPZA, tính đến nay, đã có 9 dự án xây nhà lưu trú cho công nhân tại TP.HCM với tổng diện tích 12,49 héc-ta, cung ứng khoảng 24 ngàn chỗ ở cho công nhân (chiếm khoảng 9% trên tổng số 266 ngàn công nhân trong các KCX - KCN TP.HCM).

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.