"Các bệnh lý về thận và ghép thận"

14/01/2011 12:50 GMT+7

(TNO) Nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết cho bạn đọc về các bệnh lý thận và ghép thận, Thanh Niên Online phối hợp với Văn phòng đại diện ParkwayHealth (Singapore) tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “Các bệnh lý về thận và ghép thận” vào lúc 14 giờ 30, ngày 14.1.2011.

Khách mời của chương trình là: bác sĩ Toh Khai Lee - chuyên khoa tiết niệu, Bệnh viện Mount Elizabeth; bác sĩ Lye Wai Choong - chuyên gia thận học, Bệnh viện Mount Elizabeth - Tập đoàn y tế ParkwayHealth (Singapore).

Tại buổi tư vấn, bác sĩ Lye Wai Choong và bác sĩ Toh Khai Lee đã giải đáp tường tận những thắc mắc của bạn đọc về nguyên nhân, triệu chứng nguy cơ của các bệnh lý liên quan đến thận.

Đại diện Báo Thanh Niên (trái) tặng hoa cho khách mời tham dự buổi trực tuyến - Ảnh T.Hải

* Mẹ tôi năm nay 90 tuổi, được bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán là suy thận mãn giai đoạn cuối, bệnh viện đề nghị tôi đăng kí chạy thận định kì cho bà. Gia đình tôi không có diều kiện nên đưa bà về địa phương (Vĩnh Long) đã 3 tháng nay mà không chạy thận định kỳ. Hiện nay mỗi ngày bà đi tiểu 1,2l nước tiểu, sức khỏe bà có khá hơn. Xin hỏi bác sĩ là có thuốc gì uống để phục hồi phần nào chức năng thận của bà không? (ngày 4.1 bà thử máu chỉ số creatinin là 208). Cám ơn bác sĩ. (Phạm Thị Hân, Công nhân viên, Vinh Long)

- Bác sĩ Lye Wai Choong - chuyên gia thận học, Bệnh viện Mount Elizabeth - Tập đoàn y tế ParkwayHealth (Singapore): Với chỉ số creatinin là 208, 90 tuổi thì mẹ bạn không cần phải chạy thận. Lời khuyên của tôi là khống chế huyết áp thật tốt, giảm lượng nước và duy trì khoảng 1lít mỗi ngày và chế độ ăn nên giảm đạm (không cần giảm đạm nhiều).

* Tôi có con trai được 6 tuổi, lúc 2 tuổi cháu bị hẹp bao quy đầu, đã được nong tại BV NĐ 1 lúc nhỏ. Nhưng khoảng 3 năm nay, cháu thỉnh thoảng hay đau bụng dưới, đi tiểu thường xuyên, lắt nhắt; khám ở BVNĐ 1, bác sĩ bảo không có bệnh gì mặc dù cũng cho xét nghiệm, uống thuốc, bác sĩ bảo chỉ còn cách đưa qua BV FV để đo áp lực bàng quang. Vậy đo áp lực bàng quang để làm gì? Hỏi bác sĩ tình trạng cháu có ổn không? (Nguyễn Trung Bình, Công nhân, TP.HCM)

- Bác sĩ Toh Khai Lee - chuyên khoa tiết niệu, Bệnh viện Mount Elizabeth - Tập đoàn y tế ParkwayHealth (Singapore): Đo áp lực bàng quang là phương pháp để đo chức năng của bàng quang. Nó là phương pháp niệu động học. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng dưới, đi tiểu thưòng xuyên, bạn nên đưa con đi làm thêm một số xét nghiệm như siêu âm bàng quang, siêu âm thận hoặc làm xét nghiệm nước tiểu.

* Anh trai tôi phát hiện ra suy thận 3a vào 29-7-2010, khi đó chỉ số ure 17.1, creatinin 483, đến 6-9-2010 thì ure 18.47, creatinin 456.04, abumin 40, acid uric 700, 11-10-2010 ure 12.57, creatinin 478, acid uric 577, albumin 40, 10-11-2010 ure 19.17, creatinin 386.57, acid uric 635, albumin 43.1. Đến đầu tháng 12-2010 đi khám lại thì ure 23.6, creatinin 770, cuối tháng 12 ure 30, creatinin 1100 và bác sỹ yêu cầu chạy thận nhưng chưa chạy. Đến hôm vừa rồi xét nghiệm lại thì ure 30, creatinin 900 và hôm qua anh tôi đã phải lọc cầu cổ, bác sỹ quyết định 2 tuần nữa sẽ chạy thận. Vậy bác sỹ cho hỏi như vậy anh trai tôi sẽ theo phương án nào là tốt nhất, chạy thận hay ghép thận? Còn có khả năng chữa được hay không? Khi đi siêu âm thì 8-2010 kích thước hai quả thận là 83 và 81, 12-2010 hai quả thận đều là 77, nhưng vừa rồi siêu âm thì kích thước hai quả thận là 88 và 87 và có dấu hiệu xơ hóa thận. Vậy bác sỹ cho hỏi kích thước thận tăng lên như vậy là xấu hơn hay tốt hơn? (Phạm Bá Đức, công nhân, Hà Nội)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Vì bạn không cho biết tuổi của anh trai mình, nên lời khuyên của tôi là như sau: Nếu anh của bạn dưới 60 tuổi thì nên ghép thận sẽ cho kết quả tốt hơn, kích thước 2 thận khác nhau qua những lần siêu âm không có ý nghĩa nhiều. Dấu hiệu xơ hóa thận trên siêu âm là do suy thận mãn.

* CON TÔI NĂM NAY 3 TUỔI, CHÁU BỊ BỆNH HỘI CHỨNG THẬN HƯ TỪ NĂM 2 TUỔI, CHÁU ĐANG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC PRESNISOLON. TÔI MUỐN HỎI BÁC SĨ: HIỆN NAY CÓ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ NÀO KHÁC KHÔNG VÀ BỆNH CỦA CHÁU CÓ CHỮA DỨT ĐIỂM ĐƯỢC KHÔNG? RẤT MONG ĐƯỢC SỰ QUAN TM VÀ NHẬN ĐƯỢC PHẢN HỒI CỦA BÁC SĨ. TÔI XIN CHN THÀNH CẢM ƠN. (TRƯƠNG CÔNG HOÀNG, NHN VIÊN TN CẢNG, BÌNH ĐỊNH)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Bệnh hội chứng thận hư của cháu có thể chữa khỏi. Hiện tại có rất nhiều thuốc chữa trị, bạn nên tư vấn với bác sĩ điều trị của cháu về những thuốc này.

* Chào bác sĩ! Bệnh nhân viêm cầu thận chưa đến giai đoạn suy thận thì có khả năng điều thị khỏi hoàn toàn hay không? và có thể lập gia đình sinh con được không (bệnh nhân là nữ), và nếu trường hợp xấu nhất là ghép thận thì thời gian sống được bao lâu sau khi ghép thận? Kính mong nhận được sự hồi đáp của bác sĩ. (Lê Công Đạo, Lập trình viên, TP.HCM)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Viêm cầu thận có rất nhiều thể bệnh. Bạn cần làm sinh thiết thận để biết thể bệnh nào, và mức độ nặng nhẹ ra sao. Một số thể bệnh có thể chữa khỏi. Bạn vẫn có thể có thai tùy theo mức độ viêm cầu thận như thế nào.

Nếu bệnh dẫn tới suy thận giai đoạn cuối thì có thể ghép thận. Sau khi ghép thận, bạn có thể sống bình thường.

* Bố tôi năm nay 62 tuổi, lúc trước thận phải bị ứ nước, đi tiểu khó, đi tiểu ra máu, sau đó được bác sĩ chẩn đoán và bị cắt bỏ quả thận phải (vì có các khối u). Bố tôi bị mổ lần thứ 3 rồi. Sau lần thứ 3, bác sĩ lại nói bố tôi bị u bàng quang nhưng không tiêm hóa chất vì nói là mới mổ không tiêm được hóa chất. Và cho về và khám thường xuyên. Tháng trước khám bác sĩ nói bình thường không có gì. Nhưng mấy ngày sau bố tôi lại bị đau, tiểu khó, khám lại thì bác sĩ nói là u to chèn gây khó tiểu. Vậy xin hỏi tình trạng bệnh của bố tôi thế nào? Lần này không biết phát đồ thế nào để bố tôi được khỏe hơn? (Lê Thị Hiền, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Toh Khai Lee: Trong câu hỏi của bạn thì thông tin không được rõ ràng lắm. Tôi cần biết khối u nguyên phát là từ đâu. Lời khuyên của tôi là bạn nên nói chuyện với bác sĩ của bạn vì thông thường sau khi mổ thận, bác sĩ sẽ gửi đi làm giải phẫu bệnh để xem nguồn gốc của khối u là từ đâu. Sau khi biết được kết quả đó thì mới có thể lên được phát đồ điều trị cho bố bạn.

Bác sĩ Toh Khai Lee (phải) đang tư vấn cho bạn đọc - Ảnh T.Hải

* Em bị sỏi đường tiết niệu và đã đi tán sỏi ngoài cơ thể nhưng qua 1 thời gian mà vẫn thấy đau và có lúc thấy nhói ở sau lưng. Đi khám bác sĩ bảo là còn sỏi mịn. Bác sĩ cho em hỏi làm thế nào để chữa dứt điểm bệnh này? Nguyên nhân gây ra bệnh và nên ăn loại thức ăn gì?

- Bác sĩ Toh Khai Lee: Có rất nhiều phương pháp để chữa trị sỏi đường tiết niệu. Sỏi ở trong thận thì khác sỏi ở bàng quang và niệu quản (niệu quản là ống nối giữa thận và tử cung.) Sỏi thận thì có thể chữa trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Còn sỏi trong niệu quản thì được chữa trị bằng phương pháp nội soi niệu quản.

Tuy nhiên phương pháp chữa trị cho bạn còn phụ thuộc vào vị trí cũng như kích thước của khối u.

Ở một số bệnh nhân, nguyên nhân việc có sỏi ở niệu quản là do các bệnh lý khác như bệnh gout nhưng ở hầu hết các bệnh nhân khác thì không có tiền sử bệnh gì cả.

Còn về chế độ ăn uống bạn nên tránh các thức ăn nhiều mỡ...

* Ghép thận khác nhóm máu được không? Có phải những người kháng nguyên HLA giống nhau mới ghép thận cho nhau được? Người cho một thận có nguy hiểm đến sức khỏe không? (Trương Văn Sáu, TP.HCM)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Hiện nay, với những tiến bộ vượt bậc về thuốc chống thải ghép, chúng ta có thể ghép thận khác nhóm máu. Ví dụ: bệnh nhân nhóm máu A, thì người cho thận có thể có nhóm máu A hay O. Sự tương hợp HLA giữa bệnh nhân và người cho thận không đóng vai trò quan trọng trong ghép thận ngày nay, nghĩa là chúng ta không cần xét nghiệm HLA của bệnh nhân và người cho thận trước khi ghép thận nữa.

Người cho thận có thể sống như người bình thường và không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

* Mẹ tôi đang làm thẩm phân phúc mạc được 8 tháng. Sáng nay, sau khi thay dịch lúc 11h, mẹ tôi bị đau bụng đến bây giờ vẫn chưa hết. Xin cho hỏi, mẹ tôi bị đau bụng như vậy có nguy hiểm không? Có cần đưa vào bệnh viện không? (Nguyễn Thạch Thùy Dung, TP.HCM)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Bạn nên đưa mẹ bạn đến bệnh viện khám bệnh ngay để loại bỏ nguyên nhân nhiễm trùng.

* Mẹ tôi bị suy thận mãn, huyết áp cao , đang chạy thận nhân tạo tuần 3 ngày . Tuy nhiên, đêm mẹ tôi thường rấr khó ngủ nên sức khỏe có hôm bình thường, có hôm rất yếu. Mẹ tôi ăn uống cũng rất cân nhắc, sợ ăn nhiều quá khiến thận lọc không được gây phù và làm mệt. Đa số khi đang chạy thận huyết áp thường lên cao 20 đến 22. Xin bác sĩ chỉ dẫn làm thế nào để mẹ tôi dễ ngủ về đêm, mẹ tôi uống thuốc ngủ khi khó ngủ có bị ảnh hưởng gì không? Mẹ tôi ăn được những trái cây loại nào? Thực phẩm loại nào ăn được? không nên ăn loại nào? Tôi nghe nói hiện ở Úc và Mỹ có loại máy chạy thận cá nhân đeo theo người, kích cỡ gần bằng điện thoại di động. Xin các bác sĩ cho biết loại này có bán trên thị trường nào ở nước ngoài, giá bao nhiêu, khi mua được đem về Việt Nam nhờ các bác sĩ hướng dẫn sử dụng vận hành được không? Trường hợp mua loại máy cỡ balô du lịch loại nhỏ thì phải nhờ bác sĩ đến nhà hướng dẫn sử dụng phải không ạ, giá bao nhiêu? Kính mong các bác  sĩ tận tình hướng dẫn. Xin chân thành cảm ơn các bác sĩ. (Nguyễn Thị Lý, TP.HCM)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Nếu huyết áp của mẹ bạn từ 20 đến 22 trong lúc chạy thận, chúng ta phải đưa nước ra khỏi cơ thể mẹ bạn nhiều hơn trong lúc chạy thận, vì đó là nguyên nhân gây huyết áp cao.

Những loại trái cây cần hạn chế là chuối, đu đủ, sầu riêng.

Hiện tại, trên thế giới chưa có máy chạy thận cá nhân đeo theo người.

* Xin cho hỏi ăn muối nhiều có ảnh hưởng tới thận không? Những dấu hiệu của suy thận? (nguyen thanh hung, ke toan, TP.HCM)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Ăn muối nhiều không gây ra suy thận, nhưng có thể gây ra cao huyết áp. Các triệu chứng của suy thận là: mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân, buồn nôn, phù, khó thở.

Khi bạn có các triệu chứng như trên cần phải đến gặp bác sĩ để xác định có phải là do suy thận hay không.

Bác sĩ Lye Wai Choong (trái) đang tư vấn cho bạn đọc - Ảnh T.Hải

* Bác sĩ cho em hỏi hiện em đang suy thận độ 3 rồi kết quả xét nghiệm gần nhất Ure: 21, Cretinin 680, huyết áp 200/100 đi tiểu ra protein 1,5g/l. Bác sĩ cho hỏi hiện nay có phương pháp điều trị bệnh này mới và có kết quả tốt không? (Mai Phước Hải)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Bạn không cho biết tuổi. Tuy nhiên, lời khuyên của tôi là khống chế huyết áp thật tốt và khi chức năng thận của bạn trở nên xấu hơn, thì bạn cần nên nghĩ đến khả năng ghép thận.

* Tôi có đứa con gái năm nay 10 tuổi, lúc 5 tuổi cháu đi siêu âm, BS nói cháu có 1 quả thận phải, còn bên trái tìm không thấy. Hỏi sau này cháu có bị ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, cũng như cách phòng ngừa hiệu quả như kiên ăn uống gì, hoặc nên tránh gì để sức khỏe cháu tốt hơn. Nho (maithanho@yahoo.com)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Con gái của bạn dù có 1 thận vẫn có thể sống như người bình thường, vẫn lập gia đình và không bị ảnh hưởng về mặt sinh sản. Chế độ ăn dành cho bé cũng như những bình thường khác.

* Tôi đã chạy thận nhân tạo được 4 năm, có thể ghép thận được không. Người chạy thận nhân tạo có thể sống được bao lâu. Người chạy thận có thể có con hay không. Hiện nay trên thế giới có phương pháp nào thay thế việc chạy thận và thẩm phân không (trừ ghép thận). nguyễn văn danh (ngquoctin@gmail.com.vn)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Dĩ nhiên bạn có thể ghép thận. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Singapore có thể sống đến 15 năm tùy vào độ tuổi.

* Bố em bị bệnh tiểu đường giờ biến chứng sang suy thận, tuần phải chạy thận 3 lần. Xin hỏi bác sĩ liệu bố em có thể thay thận được không? Và chi phí thay thuận bao nhiêu? Lê Thị Ngọc Loan (chuyentinhmuadong0511@yahoo.com)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Bố của bạn có thể cân nhắc tới việc ghép thận và lời khuyên của tôi là nên đi ghép càng sớm càng tốt.

* Khoảng 2 năm trước tôi bị đau lưng dữ dội, đi khám có làm nhiều xét nghiệm và sinh thiết thận, kết quả là bị bệnh thận IgA, từ khi có kết quả đến nay cứ 1 tuần hoặc 2 tuân (theo chỉ dẫn BS) tôi đều tái khám, lần nào kết quả thử nước tiểu 10 thông số cũng thể hiện Ery: 25Ery/ul (bình thường <10) các thông số còn còn lại đều bình thường, BS cho uống Methylsolon16mg, Mepantop40mg,Divacal (tất cả đều 1vien/ngày), uống thuốc vào thấy tay chân và mặt sưng phù, hỏi BS được biết là thuốc Methylsolon tụ mỡ, tôi có hỏi 1 Bs không phải khoa thận có bảo là thuốc này co nhiều tác dụng phụ có hại, nên uống giảm liều từ từ rồi ngưng, như vậy có đươc không, nếu ngưng thuốc này thì phải thay bằng thuốc gì, tôi có ý định chuyển qua điều trị bằng đông y thì có thích hợp với bệnh này không? Nguyễn Thị Thắng (nhatnhi9500@yahoo.com.vn)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Bạn tiếp tục hay ngưng thuốc Methylsolon tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của mình. Bạn nên gặp bác sĩ điều trị để bàn luận thêm. Ngoài ra, bạn nên uống thuốc để kiểm soát tốt huyết áp và kiểm soát triệu chứng tiểu đạm. Điều trị bằng đông y theo tôi là không nên.

* Người cho thận có giới hạn độ tuổi hay không? Độ tuổi nào là thích hợp? (Nguyễn Thanh Mỹ, TP Cần Thơ)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Người cho thận thì không có giới hạn tuổi, miễn là khỏe mạnh và không có những vấn đề về y khoa đáng kể.

* Bị bịnh tiểu đường làm thận suy. Cách đề phòng và điều trị? (Chí Thanh, dnchithanh@yahoo.com)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Đúng như bạn nói tiểu đường là nguyên nhân thường gặp trong việc đưa đến suy thận. Để phòng ngừa chúng ta cần kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp của bệnh nhân.

* Em trai bị suy thận giai đoạn 3 hiện đang chạy thận ở bệnh viên Đà Nẵng, em nghe nói chạy thận chỉ là biện pháp nhằm kéo dài sự sống của bệnh nhân (khoảng 10-20 năm) có đúng không? Nếu đúng thì biện pháp nào là tốt nhất để điều trị cho em trai em (có phải là ghép thận không) Xin bác sĩ cho em 1 lời khuyên. Hiện gia đình rất băn khoăn và muốn tìm 1 biện pháp tốt nhất nhằm cứu tính mạng em và tương lai của em sau này. Mong các bác sĩ quan tâm và tư vấn. Em xin chân thành cảm ơn! (Lan Phương, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Nếu em trai bạn đang chạy thận thì điều trị tốt nhất là ghép thận.

* Tháng 11.2010, BS kết luận tôi bị suy thận độ II do viêm cầu thận mãn (tháng 11 chỉ số createmin 146; tháng 12: 155). Xin hỏi về tình trạng bệnh như vậy thì mức độ nguy hiểm và phương pháp điều trị, khả năng chữa trị ra sao? Xin cám ơn. (Nguyễn Thị Hương, Nhân viên hành chính, Hà Nội)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Bạn cần sinh thiết thận để biết viêm cầu thận mãn thể bệnh nào. Mỗi thể bệnh có phương pháp điều trị và tiên lượng khác nhau.

* Bệnh viện Mount Elizabeth - Tập đoàn Parkway Health có Văn phòng Đại diện tại TP.HCM không? Nếu có xin vui lòng cho biết: địa chỉ văn phòng, tên người liên lạc, tel, E.mail. 2/ Tôi có đứa em ghép thận được 1 năm: các chỉ số đều tốt, như: - Creatinin = 1,0 - Hồng cầu 4.200.000 HC/ ml... Em đi lại, sinh hoạt bình thường, đi làm việc được 8 tháng, tình trạng sức khoẻ rất tốt, hiện tại 4 tuần em tái khám 1 lần tại BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Liều uống kháng ghép là: - Prograf - sáng 3mg - chiều 2 mg. - Cellcept - sáng 750 mg- chiều 750 mg. Nhưng lipid máu cao trên 280, bác sĩ BV Chợ Rẫy cho uống Lipanthyl để hạ mỡ máu liều 200mg/ngày. Uống đã 5 tháng nhưng lipid máu giảm không đáng kể. Em ăn rất ít tinh bột, ví dụ cơm chỉ ăn 1 chén/ bữa, lipid máu hiện tại là 250. Em ăn rau luộc nhiều. Ăn hạn chế các thức ăn có vị ngọt hoặc nguồn gốc tinh bột. Hằng ngày em đi bộ 1 giờ rưỡi, đi được khoảng 7 km. Bác sĩ có thể giới thiệu loại thuốc khác để giảm Lipid máu có hiệu quả hơn, không ảnh hưởng chức năng thận như Lipanthyl. Cách thức mua được loại thuốc này? Em tôi muốn khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa thận Lye Wai Choong và bác sĩ Toh Khai Lee - thuộc tập đoàn Parkway Health tại TP.HCM, vậy thời gian tới các bác sĩ có qua Việt Nam hợp tác với các BV Việt Nam khám không? Nếu có xin cho biết tên BV Việt Nam, lịch khám...? (Nguyen Nam, Cần Thơ)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Bạn có thể gọi số 38230092 để gặp bác sĩ Lye Wai Choong trong buổi khám bệnh miễn phí vào ngày mai 15.1.2011 để tư vấn về việc điều trị cho em của bạn.

* Hiện tại tôi đang chạy thận nhân tạo.Tôi có nguyện vọng ghép thận, chương trình cho tôi hỏi địa chỉ tư vấn tại TP.HCM ở đâu? Và tổng chi phí ghép thận là bao nhiêu? (Nguyễn Thanh Long, Kỹ sư môi trường, TP.HCM)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Bạn có thể liên hệ với Văn phòng đại diện ParkwayHealth tại 37 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM. ĐT: 38230092 để tìm hiểu thông tin về ghép thận tại Singapore.

Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến - Ảnh T.Hải

* Tôi bị sỏi thận vào 1994 và đã từng đi tiểu ra sỏi (7 mm) 3 lần; chỉ thấy sỏi qua siêu âm chứ không thấy khi chụp X quang. 3 năm nay tôi không bị lên cơn đau quặn thận nữa nhưng đi siêu âm bác sĩ nói tôi bị sỏi chủ mô (khoảng 12mm), không điều trị được. Xin hỏi bác sĩ điều trị như thế nào? Sỏi chủ mô có tăng kích thước theo thời gian không và tác hại của nó đối với sức khỏe ra sao? Xin chân thành cảm ơn.

- Bác sĩ Toh Khai Lee: Đối với các bệnh nhân đã từng có tiền sử sỏi thận thì rất dễ bị tái phát sỏi mới; việc tái phát có thể lặp lại nhiều lần.

Trước khi điều trị sỏi chúng ta cần phải khám lại toàn bộ đường niệu đạo để xem có sỏi hay không. Bạn nên đi chụp cắt lớp để kiểm tra.

Sỏi thận có thể được chữa trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài da. Sỏi thận nếu không chữa trị thì có thể tăng về kích thước và có thể gây nên đau cũng như tiểu ra máu; nhiễm trùng thận.

* Thưa bác sĩ cho em hỏi, em vừa mới mổ nội soi sỏi thận, nguy cơ tái phát có cao không? Và em hay uống nhiều nước và hay đi tiểu đêm vậy thận có bị yếu hay không? Em xin cảm ơn.

- Bác sĩ Toh Khai Lee: Đối với những người đã có tiền sử bị sỏi thận thì khả năng tái phát là có thể lên đến 50%. Việc uống nhiều nước sẽ giảm nguy cơ tái phát sỏi. Tuy nhiên nó sẽ làm bạn đi tiểu nhiều hơn. Việc đi tiểu đêm không có nghĩa là thận bạn bị yếu.

* Trước đây tôi bị bí tiểu và được chẩn đoán là viêm bàng quang. Tôi đã được rửa bàng quang bằng kháng sinh nhiều lần nhưng tình trạng bí tiểu vẫn quay trở lại. Xin bác sĩ cho lời khuyên.

- Bác sĩ Toh Khai Lee: Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây nên tình trạng bí tiểu cũng như là việc tiểu buốt. Nó thể là nguyên nhân của việc bị nhiễm trùng, hoặc cơ của bàng quang bị cứng... để có thể xác định rõ hơn chúng ta cần phải làm thêm 1 số các xét nghiệm như ghi lại lượng nước tiểu hằng ngày, siêu âm vùng chậu.

* Bạn tôi sau vài lần KTSK, kết quả mọi chỉ số đều trong giới hạn bình thường, duy nhất chỉ có hồng cầu trong nước tiểu từ 250 - 500 Ery/UL, đôi lúc BS có kê đơn một đợt kháng sinh 5 - 10 ngày, xét nghiệm lại nước tiểu có lúc h/c giảm còn 25 Ery/uL, sau đó nó lại tăng trở lại (các xét nghiệm đều làm cách ngày kinh 7 ngày). BS có khuyên chup CT nhưng rồi kết quả vẫn bình thường. Hiện tượng đó về lâu có ảnh hưởng đến chức năng thận và sức khỏe không? Nó thường gặp trong bệnh lý nào? Bây giờ bạn tôi cần phải làm những xét nghiệm gì gì để chẩn đoán xác định? Xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Sương, Đà Nẵng)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Bạn phải chắc chắn rằng, nước tiểu của bạn phải được lấy đúng cách thì kết quả mới đáng tin tưởng (lấy nước tiểu giữa dòng).

Nếu nước tiểu đã được lấy đúng cách và xét nghiệm vẫn còn có hồng cầu, ngoài những nguyên nhân do đường tiết niệu, bạn cần cân nhắc những nguyên nhân do phụ khoa.

Lời khuyên của tôi là bạn nên đi khám thêm với bác sĩ phụ khoa.

* Tôi bị sỏi thận 2 năm nay, kích thước 15mm đã uống rất nhiều thuốc tây cũng như đông y nhưng không hết. Thỉnh thoảng sỏi gây đau và đi tiểu ra máu. Gần đây tôi quyết định đi tán sỏi ngoài cơ thể. Tán lần thứ nhất được 1 tháng kiểm tra lại vẫn không giảm, tán lần 2 về đến nay vẫn bị đau rất nhiều và đi tiểu ra máu. Bác sĩ cho hỏi điều trị theo phương pháp này sỏi có hết hay không? Có ảnh hương làm suy thận không?

- Bác sĩ Toh Khai Lee: Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là 1 phương pháp hợp lý để chữa trị cho trường hợp của bạn. Bạn mới kết thúc tán sỏi lần thứ 2 trong 3 ngày nên bạn có thể đợi thêm ít nhất 1 tháng để đi chụp X quang xem kết quả chữa trị có thành công hay không. Nếu trong trường hợp tán sỏi lần thứ 2 cũng không thành công, chúng tôi sẽ không tán sỏi lần 3 mà sẽ đổi phương pháp chữa trị khác. Việc chữa trị sẽ phụ thuộc vào vị trí của viên sỏi hiện tại mà chúng ta có thể làm để lấy viên sỏi ra ngoài.

* Thưa bác sĩ cách đây 2 năm bệnh viện chẩn đoán tối bị u thận (phải) nên đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cả quả thận, sau phẫu thuật tôi có đi tái khám nhưng không thường xuyên lắm, từ 4-8 tháng/lần có phát hiện thêm bệnh phì đại tiền liệt tuyến, hiện tại tôi thấy sức khỏe không giảm sút lắm, sinh hoạt tình dục vẫn bình thường. Vậy xin hỏi bác sĩ, bệnh u thận tôi có tái phát không hay bị di căn không? Xin chân thành cảm ơn.

- Bác sĩ Toh Khai Lee: Đối vời trường hợp của bạn thì chúng tôi cần thêm thông tin. Bạn bị u thận nhưng chúng tôi cần biết là u lành tính hay ung thư thận. Nếu là u lành tính thì sau khi cắt bỏ thận bạn đã được chữa trị hoàn toàn. Nếu là u ác tính thì việc chữa trị sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u. Còn về bệnh phì đại tiền liệt tuyến thì nếu bạn là người trên trên 50 tuổi thì bạn cần chữa trị bằng uống thuốc hoặc phẫu thuật còn nếu bạn dưới 50 tuổi thì nguyên nhân có thể không là phì đại tiền liệt tuyến.

* Ba năm trước xét nghiệm nước tiểu có ghi - kết quả blood 1+, 6 tháng sau này xét nghiệm lại kết quả cũng như trên. Bác sĩ không nói gì cả, xin hỏi tôi bị bệnh gì? Cám ơn bác sĩ. (Luong Sy Yen, TP.HCM)

- Bác sĩ Toh Khai Lee: Đối với trường hợp của bạn, khi làm xét nghiệm nước tiểu cho kết quả blood 1+; 6 tháng sau làm lại kết quả vẫn như thế thì bạn nên đi làm một số xét nghiệm khác để kiểm tra đường tiết niệu bằng CT và nội soi bàng quang.

* Xin chào bác sĩ, cách đây 3 tháng, má chồng tôi phát hiện bị suy thận mãn tính cấp độ 2, và từ lúc phát hiện bệnh đến nay đã sử dụng thuốc 2 tháng. Cách đây 2 tuần, má chồng tôi cảm thấy khó thở, không ăn uống được và lúc nào cũng cảm thấy buồn nôn, và bị phù ở mặt và tay chân, tình trạng như vậy nên gia đình đã cho nhập viện (ngoài Nha Trang) thì bác sĩ yêu cầu phải truyền máu và truyền đạm và sau đó theo kết luận của bác sĩ trong bệnh viện thì má chồng tôi phải mổ để lọc máu và sau đó phải chạy thận. (Trần Song Bảo Trúc, TP.HCM)

- Bác sĩ Lye Wai Choong: Trường hợp của mẹ chồng bạn cần phải tìm ra nguyên nhân đưa đến suy thận rất nhanh trong vòng 2 tháng. Một số nguyên nhân có thể điều trị được, duy trì suy thận độ 2 như trước đó mà không cần chạy thận nhân tạo.

Ban Thanh Niên Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.