Chống buôn lậu

10/01/2011 00:37 GMT+7

Nếu dạo trước năm 1997, hàng lậu, nếu muốn mua cũng phải biết nơi, có người bảo lãnh mới mua được, thì bây giờ, hàng lậu có thể thấy ở mọi nơi. Thậm chí, người ta cũng quên mất tiêu thụ hàng lậu là phạm pháp. Một cán bộ quản lý thị trường Hà Nội từng nói với người viết bài rằng: ra chợ Đồng Xuân (Hà Nội), 10 mặt hàng tiêu dùng thì hết 8 chắc chắn là hàng lậu từ Trung Quốc.

Sở dĩ lấy mốc năm 1997 là bởi vì, đây là năm Chính phủ ban hành Chỉ thị về chương trình chống buôn lậu cấp quốc gia. Song dường như hàng lậu chẳng những không giảm mà trái lại ngày càng ồ ạt tràn vào, làm đau đầu các nhà sản xuất trong nước. Buôn lậu diễn ra khắp nơi, từ sân bay, bến cảng, bưu điện đến biên giới, cửa khẩu...; từ các mặt hàng nhỏ như bao thuốc, cân đường, chiếc điện thoại, quần áo, giày dép đến vàng bạc, ngoại tệ, kim cương... Các vụ buôn lậu không còn nhỏ lẻ mà hình thành các đường dây có tổ chức, quy mô lớn. Vụ 4 toa tàu chở đầy hàng lậu từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) về Hà Nội hôm 6.1 chứng tỏ chiêu thức mới, hết sức trắng trợn và táo tợn của các “đầu nậu”.

Bao giờ hết hàng lậu? Có lẽ sẽ không có câu trả lời triệt để, vì xét ở một góc độ nào đó, buôn lậu giống như một loại vắc-xin dẫn đến sự phản ứng lại của các doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành, tăng chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải kiểm soát việc sản sinh kháng thể một cách hợp lý, chứ nếu để hàng lậu tràn lan, hàng lậu dễ tìm, dễ mua như ở ta hiện nay lại là mối nguy cho cả nền kinh tế.

Tại sao hàng lậu càng chống càng tăng? Bởi vì chống buôn lậu hiện chỉ làm phần ngọn. Buôn lậu có thể bị truy đuổi, vây ráp ở cửa khẩu, ở biên giới, trên đường vận chuyển nhưng hàng lậu khi đã vào nội địa, chia nhỏ, bày bán trong các cửa hàng thì lại không ai hỏi đến. Lý do không hỏi đến được lực lượng quản lý thị trường giải thích là địa bàn rộng, lực lượng mỏng. Lý do này cũng không sai, nhưng nếu không có chế tài xử lý trách nhiệm thật nặng thì kể cả có tăng biên chế lên gấp 10 lần vẫn không giải quyết được hàng lậu. Bởi lẽ, lợi nhuận khổng lồ khiến các chủ hàng lậu sẵn sàng chi đậm để được bảo kê. Chỉ cần làm nghiêm ở phần gốc, tức là chặn bớt đầu ra của hàng lậu ở thị trường nội địa, chắc rằng việc chống buôn lậu không quá áp lực ở cửa khẩu. Nếu bán bao thuốc lá lậu mà có nguy cơ phá sản hoặc ngồi tù hẳn sẽ ít người muốn "chơi" với buôn lậu. 

Còn một chuyện khác nữa cũng cần nói tới, đó là, bên cạnh việc những vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu thường chỉ dừng ở xử phạt hành chính với các mức phạt nhẹ, lâu nay các vụ bắt giữ hàng lậu cũng chỉ rầm rộ lúc đầu, rồi “chìm xuồng” rất nhanh. Điều này chỉ có thể giải thích rằng việc chống buôn lậu còn thiếu trách nhiệm và quyết tâm, bộ máy chống buôn lậu đâu đó còn rệu rã một cách không vô tình.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.