Nụ cười cho đời

08/01/2011 12:20 GMT+7

(TNTS) Lịch sử điện ảnh thế giới đã chứng minh rằng những người làm hề danh tiếng sống mãi trong tâm hồn nhiều người. Nhân loại biết đến họ bởi họ là những con người hài hước có duyên, đã đem lại nụ cười vui cho thế gian. Người ta biết đến họ nhiều hơn là biết đến tổng thống hay thủ tướng nước họ. Ấy bởi vì họ rất gần gũi với cuộc đời; nghệ thuật làm hề của họ xứng đáng được nhiều người dù khác ngôn ngữ, màu da, chủng tộc cũng có thể bật lên tiếng cười sảng khoái.

Nói đến điện ảnh Mỹ, người ta nhớ anh hề Charlie Chaplin, còn gọi là Charlot. Với tướng người lùn lùn, cách đi xoạc hai bàn chân ra kiểu chữ bát, Charlie Chaplin là vua hề của điện ảnh cận đại. Những cuốn phim đen trắng của ông đóng vai chính, đặc biệt là bộ phim Thời đại tân kỳ đã đem lại cho người xem những trận cười ngả nghiêng. Bên cạnh đó còn có vua hề chuyên đóng vai cao - bồi trong những phim Viễn Tây là Fernando Sancho. Sancho chuyên đóng vai tướng cướp hung dữ nhưng ai coi chàng ta cũng phải bật cười.

Nói đến điện ảnh nước Pháp, người ta nhớ đến vua hề Louis de Funes - nhân vật chuyên đóng vai ông cò. Tướng Funes cũng lùn lùn, thủ vai cảnh sát điều tra, đóng những bộ phim ngộ nghĩnh nhất khiến cả thế giới bật cười. Funes nổi tiếng trong bộ phim Ông cò đi lạc. Nước Pháp còn có anh chàng Fernandel, mặt dài như mặt ngựa. Ai đã coi phim có Fernandel đóng một lần là không thể quên được khuôn mặt ông. Fernandel nổi tiếng với bộ phim Alibaba và 40 tên cướp.

Tất nhiên, một tác phẩm điện ảnh muốn gây cười phải có một kịch bản xây dựng những tình huống oái oăm, ngộ nghĩnh. Thế nhưng tài diễn xuất của diễn viên mới là yếu tố quyết định. Charlie Chaplin, Fernando Sancho, Louis de Funes và Fernandel là những anh hề có tài năng vượt trội đó. Loài người ở thế kỷ 20 đã nhớ đến họ còn hơn cả nhớ Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp.

Nụ cười trong văn chương tiểu thuyết võ hiệp cũng khá đa dạng. Kim Dung, qua những tác phẩm tiểu thuyết, đã tự chứng minh mình là nhà văn viết hài hước tài năng. Người ta đọc AQ chính truyện của Lỗ Tấn thì cười ra nước mắt. Người ta đọc Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên Long bát bộ của Kim Dung thì cười ha hả. Tôi muốn giới thiệu với các bạn những anh hề mới trong Thiên Long bát bộ. Đó là nhóm Hàm Cốc bát hữu. Kim Dung xây dựng nhóm hề này rất thành công.

Nhóm này gồm tám người, là đệ tử phái Tiêu Dao, theo học Tô Tinh Hà. Tiêu Dao là một võ phái nhưng khá tham lam, không chỉ dạy người về võ công mà dạy cả các thú chơi cầm, kỳ, thư, họa, y, bốc, tinh, tướng. Bọn đệ tử phái này học làm sao thì hành như vậy cho nên cơ bản, đầu óc họ rất hồ đồ.

Đứng đầu nhóm Hàm Cốc là lão đại Khang Quảng Lăng, một nhạc sĩ sáng tác và chơi đàn cực giỏi. Lão có người bạn thích nghe nhạc là nhà sư Huyền Khổ. Huyền Khổ chết, lão khóc: “Huyền Khổ lão huynh ơi! Tiểu đệ khổ tâm sáng tác ra khúc Nhất vi ngâm này… Sao lão huynh không chịu sống mà nghe?”. Rồi lão hỏi một nhà sư: “Mộ Huyền Khổ lão huynh ở đâu? Mau mau dẫn tại hạ tới đó. Tại hạ sẽ gảy khúc đàn này cho y nghe, không chừng có thể khiến cho y… sống lại”.

Lão nhị là Phạm Bách Linh, một kỳ thủ cờ vây vô địch thiên hạ. Lão tam là Cẩu Độc, thích đọc sách, thuộc làu kinh điển của Nho, Phật, Lão. Đấu với nhà sư Huyền Thống, ban đầu lão đọc sách của bách gia chư tử. Sực nhớ ra Huyền Thống là đệ tử nhà Phật, lão chuyển tông, đọc bài kệ: “Có phế bỏ thất tình; Mới mong tròn quả phúc; Tâm ý tán tụ là; Chưa thoát vòng trần tục; Thế sự thành không tưởng; Còn vui thú nỗi gì”. Lão hỏi Huyền Thống hai câu sau. Huyền Thống đáp: “Hỏi ai người đắc pháp; Nhân giả phải tinh vi”. Lão động viên Huyền Thống: “Tại hạ khuyên đại sư hãy ra khỏi bến mê, quay đầu trở lại”. Câu này lấy từ Phật pháp: “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn” - Biển khổ mênh mông, quay đầu lại là nhìn thấy bờ. Huyền Thống ngộ ra chân lý từ câu nói của địch thủ, xúc động tâm can, chết đứng tại chỗ.

Lão tứ là Ngô Lãnh Quân, yêu hội họa. Lão ngũ là Tiết Mộ Hoa, giỏi về thuốc, được xưng là thần y. Lão lục là Phùng A Tam, là thợ mộc cực giỏi. Người thứ bảy là Thạch Thanh Lộ, nghiên cứu về hoa cỏ, giỏi dùng độc. Người thứ tám là Lý Quỹ Lỗi, suốt đời chỉ muốn hát tuồng, đóng được cả vai kép lẫn vai đào.

Ra trận, Lý Quỹ Lỗi chỉ đấu bằng tiếng hát. Bao Bất Đồng của phái Cô Tô muốn xưng làm cha gã, gã hát ngay: “Trẫm, hiệu xưng hoàng đế; Hoa hạ quyền trong tay; Muôn dân đội đức cao dày; Trăm họ là con là cháu”. Đang giọng kép, gã chuyển sang giọng đào, vừa hát vừa khóc: “Lệ hồng chan má thắm; Những mong gặp quân vương; Hôm nay đà diện kiến long nhan; Tiện thiếp cũng cam lòng nhắm mắt”. Nói chung lão rất thuộc tuồng tích, đóng vai nào ra vai ấy và chỉ có… ra trận mới hát.

Những nhân vật này làm vui Thiên Long bát bộ. Họ xuất hiện ở chỗ nào là chỗ ấy tràn ngập tiếng cười. Ngay trong những trận đánh nhau, chuyện làm hề của họ góp phần làm giảm tính chất căng thẳng của oán thù, bạo lực. Họ đem lại nụ cười vui tươi, lạc quan cho những người yêu đọc sách.

Đất nước ta ngày nay có nhiều nhân vật được gọi là danh hài nhưng xem họ diễn tôi chưa thấy vui mà lại thấy rầu. Ấy bởi vì kịch bản của những vở kịch hài và tấu hài được viết một cách dễ dãi, tình huống gây cười đã khô héo mà ngôn ngữ gây cười cũng quá… thông tục. Phần người diễn chỉ muốn tạo nụ cười theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa, thường làm những động tác đi cà xịnh cà xạng hoặc té ngã. Coi kiểu hài đó khó mà cười nổi.

Điều nguy hiểm là những diễn viên nhiều khi không thuộc kịch bản, cứ diễn cương. Có người chửi bậy, nói bậy trong vở diễn. Có người gây hài bằng cách nói những câu ác ngôn: “Tao móc mắt mày ra bây giờ”. Họ dung tục hóa, phàm tục hóa nụ cười.

Ngay Nghêu, Sò, Ốc, Hến - một vở tuồng dân gian giàu tính hài hước, đi vào sân khấu cải lương cũng mất đi chất hài hồn nhiên của dân gian do cách diễn tự nhiên chủ nghĩa của diễn viên. Nghệ thuật diễn xuất của diễn viên nghèo nàn bởi một lẽ là họ không chính thức được đào tạo qua trường lớp.

Thật khó tìm ra những diễn viên hài như Hoài Linh và Thúy Nga. Với nghệ thuật diễn xuất tự nhiên, làm chủ được tình huống và ngôn ngữ hài kịch, hai diễn viên này đã thực sự đem lại cho cuộc sống những nụ cười ý nhị. Coi họ diễn, người ta thấy được họ  không cố tạo ra trạng thái cường điệu để kiếm nụ cười nhưng nụ cười, tiếng cười vẫn tự nhiên đến với khán giả.

Chúng ta sắp đón cái Tết cổ truyền của dân tộc. Sẽ có nhiều màn tấu hài Táo quân được diễn trên sân khấu, trên truyền hình. Rất mong những người viết kịch bản đầu tư trí tuệ, công sức để có những kịch bản vui tươi, ý nhị. Rất mong các diễn viên diễn thật tự nhiên, tràn đầy kịch tính để bà con có được nụ cười vui như tết.

Cuộc sống vốn bộn bề những lo toan, phiền toái, nỗi buồn. Làm hề là đem lại cho lòng người niềm vui, niềm lạc quan. Tiếng cười, nụ cười như thang thuốc bổ. Bà con đang chờ những nụ cười vui, sâu sắc, trí tuệ.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.