Miễn giảm học phí: Mỗi nơi một kiểu

07/01/2011 17:46 GMT+7

Bài viết Xung quanh quy định mới về miễn giảm học phí trên Báo Thanh Niên số ra ngày 31.12.2010 nhận được nhiều phản hồi từ sinh viên (SV) các trường công lập về những khó khăn trong việc lấy lại học phí miễn giảm.

Phần lớn các SV cho rằng mặc dù đã đóng xong học phí nhưng các địa phương chưa tiến hành chi trả số tiền này.

Không thống nhất

Lãnh đạo nhiều phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết đến nay vẫn chưa nhận được công văn hướng dẫn của các sở về việc thực hiện Thông tư 29 liên tịch giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH. Mọi thông tin có được đều do các phòng cập nhật trên mạng và từ phía SV. Vì thế, mỗi địa phương có cách thực hiện khác nhau.

Bà Tô Thị Xuân Thủy - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - cho biết: “Đã có rất nhiều SV và gia đình đến nộp hồ sơ xin nhận lại học phí nhưng do chưa có hướng dẫn nên chúng tôi chỉ cập nhật danh sách và lấy số điện thoại để khi nào có tiền sẽ gọi”. Cũng theo bà Thủy, thủ tục tài chính quy định rất chặt chẽ nên trong hồ sơ bắt buộc phải có phiếu thu học phí của trường, phòng mới tiến hành chi trả.

Tại Bình Định, ông Vũ Văn Nghiêm, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát, khẳng định: “Mặc dù Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 1.1.2011 nhưng đến nay Sở LĐ-TB&XH tỉnh vẫn chưa có công văn hướng dẫn thực hiện nên chúng tôi cũng bị động khi nhận đơn của SV”. Về việc chi trả tiền, ông Nghiêm cho biết: “Thời gian đầu triển khai cần nhiều thủ tục nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện cho các em. Có thể cho nợ phiếu thu học phí nên chỉ cần giấy xác nhận của trường có ghi rõ mức học phí là được”.

Kéo dài thời gian đóng học phí

Trong khi đó, hiểu được sự khó khăn của các SV, hầu hết các trường CĐ, ĐH công lập tại TP.HCM cho biết sẽ  thực hiện giãn thu học phí đối với đối tượng này. Tại trường ĐH Khoa học tự nhiên, ông  Trần Cao Vinh - Trưởng phòng Công tác SV - thông tin: “Từ nhiều năm nay, nhà trường vẫn có chính sách giãn thời gian đóng học phí đối với SV có hoàn cảnh khó khăn nếu các em làm đơn. Riêng năm nay, các SV thuộc đối tượng chính sách sẽ được kéo dài thêm thời gian đóng học phí đến khi các em nhận được tiền từ địa phương. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện về thủ tục để các em có thể nộp ở địa phương trong thời gian sớm nhất”.

 Về việc các địa phương yêu cầu phải có phiếu thu học phí, ông Võ Tấn Thông - Trưởng phòng Công tác SV trường ĐH Bách khoa - cho rằng: “Các đối tượng chính sách thường là những gia đình khó khăn, các địa phương cũng không nên quá cứng nhắc nếu bắt buộc phải có phiếu thu học phí. Trong đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn giảm học phí, nhà trường đã xác nhận mức học phí phải nộp trong 1 học kỳ, địa phương nên linh hoạt giải quyết”. Ngoài ra, cũng theo ông Thông, các đối tượng thuộc gia đình chính sách thì địa phương đã quản lý được danh sách rồi, mức học phí cũng theo khung của Bộ GD-ĐT nên không cần phải làm khó SV.

Theo ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), về vấn đề trên, trong vài ngày tới Cục sẽ gửi công văn tới các sở LĐ-TB&XH địa phương nói rõ thêm thông tư mới thay thế thông tư cũ và đề nghị các sở chỉ đạo kịp thời tạo điều kiện để sinh viên đóng học phí được thuận tiện. Thông tư hướng dẫn là quy định pháp luật, vì vậy, tất cả đều phải thực hiện theo đúng quy định. Việc chi trả học phí cần thiết phải có phiếu thu học phí kèm theo đơn xin trợ cấp bởi có nhiều trường hợp vừa là gia đình chính sách vừa là đối tượng hộ nghèo. Nếu không có giấy tờ đối chứng, rất có thể sẽ xảy ra trường hợp lợi dụng chính sách để được nhận tiền miễn giảm 2 lần. Tuy nhiên, tùy từng địa phương có thể vận dụng cho hợp lý, linh hoạt nhưng cũng không nên làm trái quy định của thông tư.

Cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn giảm học phí

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập có trách nhiệm xác nhận cho HS, SV thuộc đối tượng miễn giảm học phí vào đơn đề nghị cấp tiền miễn, giảm học phí để SV nộp về phòng LĐ-TB&XH cấp huyện là căn cứ chi trả tiền hỗ trợ miễn giảm học phí.

- Phòng LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ HS, SV có con em đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập.

(Trích Thông tư 29 quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục hệ thống quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm 2014-2015)

Ý kiến

“Tôi là một SV thuộc diện miễn học phí. Để không bị cấm thi, tôi phải nộp học phí trước ngày 25.12.2010. Gia đình tôi chưa có đủ tiền nên phải đi vay với lãi suất 40%/tháng. Nếu như vẫn giữ chính sách miễn giảm học phí như trước kia thì gia đình tôi không phải mất tiền trả lãi cùng những khoản “nghĩa vụ” khác nữa”.(Minh Thuận, atk.all.one@gmail.com)

“Em là SV trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đã xin giấy chứng nhận SV ở trường gửi về quê, bố mẹ em mang giấy lên UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhưng huyện lại bảo chưa có hướng dẫn về việc thu hồ sơ hay chi trả tiền nên không nhận hồ sơ của em”. (Nguyễn Quốc, kyucngayxanh_nq89@yahoo.com)

“Em là SV trường ĐH Cần Thơ thuộc đối tượng miễn học phí. Theo quy định mới, em đã đóng học phí, trường cũng làm giấy xác nhận cho em về địa phương nhận lại tiền. Nhưng khi mang hồ sơ về địa phương (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thì phòng LĐ-TB&XH cho rằng chưa có quyết định nào về miễn giảm học phí”. (saobattu@ovi.com)

Phi Loan - Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.