Đi học tuổi hồi xuân

06/01/2011 15:13 GMT+7

1. Có một quý bà rất thiết tha chữ nghĩa, xem việc học là trọng. Để có những chuyến đi xa nhà dài ngày, thứ bảy, chủ nhật cũng… quên cả lối về, bà đã rót vào tai chồng loại “mật ong” thượng hảo hạng: “Anh ơi, em đã ngoài bốn mươi rồi mà cũng phải ráng học để làm gương cho con cái”.

Rồi bà ôm cổ chồng: “Với lại cũng để cải thiện cái ghế một chút. Anh ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe nghen”. Ông chồng, là trưởng một phòng chức năng cấp huyện, vẻ mặt đầy… ý chí vươn lên, nói ừ thôi em đi, thà chịu khổ mà “vinh danh” còn hơn ru rú ở nhà, chung thủy với cái chức nhân viên quèn chán lắm.

Hơn tháng sau, có người rỉ tai ông rằng thấy vợ ông ôm vai hót cổ một ông mang kính trắng tại khách sạn gần trường đại học. Rồi ông lại nghe vợ ngả ngớn với ông trí thức đầu hói tại một nhà hàng. Chưa hết, có người còn quả quyết rằng thấy vợ ông ngồi sau chiếc xe tay ga nói cười toe toét với một ông đeo cà vạt trước một nhà nghỉ. Ông phỗng mặt ra, nửa khuya nốc rượu say nhừ rồi bấm điện thoại chất vấn vợ. Vợ a lô dịu dàng, nói: Anh yêu của em phải hông? Em đang học bài, nhớ anh và con muốn chết luôn. Anh ơi, tụi giành ghế nó “đánh phá” em đó. Thiếu gì đứa ghen tức khi em được cử đi học. Thôi ngủ đi cưng, ngoan, em về sẽ thưởng.

Chồng gật gù, nói có lý. Ngày trước mình lên chức trưởng phòng cũng đã bị điều tiếng tùm lum. Hừm, đừng hòng “ly gián” vợ chồng tao, cái thứ trâu cột ghét trâu ăn! Tao đẻ tụi bay ra ấy chứ.

Hôm vợ rửa bằng đại học vừa học vừa làm loại giỏi, nếu không có người can thì ông chồng đã gây sự với cái thằng để ria mép cùng cơ quan với vợ. Nó giả say, cứ lè nhè gằn mãi một câu dở khẹc mà ai cũng vỗ tay: “Chúc mừng bà chị ham học, nửa chữ cũng đi và hy sinh mọi thứ, kha kha kha”.

2. Đi Huế kiếm cái bằng thạc sĩ là ước muốn của nhiều người ở mấy tỉnh miền Trung. Có người kiếm được, từ giáo viên có thể lên hiệu phó hoặc lên sở làm cán bộ thanh tra, oách lắm. Đã 42 tuổi, ông B. vẫn thuyết phục vợ, nói mình đang sống trong thời bằng cấp, có cái bằng thạc sĩ sẽ được ghi tên vào danh sách quy hoạch, rồi thì được cấp này quản lý, cấp nọ theo dõi để đề bạt. Ôi, đã lắm em ơi! Vợ gật đầu cái rụp. Vậy là ông lại làm thằng “học trò ở Quảng ra thi”. Ông rất ngán môn tiếng Anh nên ra Huế hơi sớm để “luyện”. Sau gần một tháng tròn mồm méo miệng, trình độ Anh ngữ của ông cũng không vượt ngưỡng “How are you”.

Nhờ hát khá, đàn hay, lại hoạt khẩu, ông B. được cô giáo Kiều, ba mươi mấy tuổi, độc thân, để ý. Hôm Ông B. đến nhà cô chơi, mẹ cô đang cùng thằng nhỏ nhặt rau ngoài sân. Bà mẹ thấy con heo của ai chạy vào nên hỏi thằng con tên Du: Heo ai rứa Du? Ông B. nghĩ, chắc mẹ cô giáo cũng biết tiếng Anh nên thử mình, hỏi mình có khỏe không (how are you), liền xổ ngay: I am fine, thank, and you? Mặt bà mẹ thuỗn ra. Thằng Du ngơ ngác. Chị nó, cô giáo Kiều, cười như nắc nẻ.

Mấy ngày cuối tuần được cô ưu ái dạy kèm, nhưng vốn từ tiếng Anh của ông B. không cải thiện gì thêm ngoài ba chữ I love you mà ông viết nhờ cô giáo… dịch giùm. Những cái ngắt, cái véo, tiếng chân khoèo dưới gầm bàn, tiếng cười rinh rích của cô trò thay cho luyện giọng.

Ông B. thi đỗ vào lớp thạc sĩ với môn tiếng Anh 9 điểm, cao ngất ngưởng. Về quê đợi nhập học, hằng ngày ông chỉ làm hai việc. Một là điện thoại và nghe điện thoại, kể cả lúc nửa đêm. Hễ có cuộc gọi đến là mặt ông  sáng choang, chạy ra sân. Hai là thường nói tiếng Anh với vợ con, nhờ ai làm việc gì, ông B. đều lịch sự “thanh kìu vé ri mất sờ” (thank you very much) khiến vợ con phục lắm. Riêng vụ điện thoại, chị vợ sinh nghi, nhờ đứa con gái theo dõi. Nó báo với mẹ là ba thường gọi cho ông Nguyễn Du nào đó, và ông Du cũng hay gọi cho ba.

Chị bấm số ông Du. Một giọng nữ õng ẹo: “Em Kiều đây, gớm, mãi giờ này mới gọi. Em nhớ anh lắm, ra sớm nhé...”.

Ném điện thoại vào tường đánh “chát”, chị tức tốc lao đến cơ quan của chồng kể lể, mếu máo và khóc lóc. Ông B. bị cắt suất đi học,  viết kiểm điểm và chờ kỷ luật.

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.