Triết lý kinh doanh của "pháp sư tạo mưa tiền"

03/01/2011 10:10 GMT+7

Ngày 2-1, tại Hà Nội, hàng trăm doanh nhân Việt đến nghe triệu phú trẻ nhất của Singapore - anh Adam Khoo, người được mệnh danh 'Pháp sư tạo mưa tiền', nói về kinh nghiệm làm giàu.

Thất bại là một phần của thành công

Theo Adam Khoo, trên thế giới, cứ 60 giây lại có một người trở thành nhà triệu phú. Một số triệu phú mất vài chục năm để tích lũy làm giàu, một số khác chưa mất tới một năm. Song phần lớn các nhà triệu phú đều tư duy giống nhau. Họ coi việc kiếm tiền, làm giàu không giống như việc giành giật các nguồn nước mà là quá trình tạo ra mưa để mọi người cùng được hưởng bằng tư duy sáng tạo, liên tục đẩy lùi mọi giới hạn.

Adam Khoo cho rằng thất bại là một phần của thành công. Các doanh nhân càng thành đạt thì thất bại càng nhiều. Bản thân ông cũng gặp không ít những thất bại. Ví dụ, khi ông viết những cuốn sách đầu tiên thì không ai mua. Đó có thể coi là thất bại nhưng ông không ngồi đó than phiền mà trong đầu lúc nào cũng tư duy phải làm gì tiếp theo.

Adam Khoo kể, có lần ông đầu tư mua cổ phiếu, bị thất bại nhưng ông không từ bỏ. Ông tham gia những khóa học chứng khoán, tự mày mò nghiên cứu để lựa chọn cổ phiếu cần mua. Rõ ràng sau mỗi lần thất bại, ông đều rút ra kinh nghiệm để từ đó tìm ra cho mình một hướng đi đúng. Và một thông điệp ông mang tới cho các bạn trẻ và doanh nhân là: Đừng sợ thất bại.

Adam Khoo đưa ra kinh nghiệm học được từ người đàn ông Singapore tên là Lim Tow Yong. Người đàn ông này khi 30 tuổi đã khởi nghiệp bằng hệ thống siêu thị bán lẻ và rất thành công. Tuy nhiên, trong cuộc đại suy thoái năm 1990, công ty của ông sụp đổ, ông bị phá sản và nợ 60 triệu USD ở tuổi 72. Nhiều người nghĩ rằng, lúc này ông chỉ còn cách tự tử và không thể gượng dậy được. Nhưng không, ông đã bắt đầu lại từ đầu bằng hai bàn tay trắng.

Ông rời Singapore sang Malaysia, Brunei tìm kiếm những nhà đầu tư mới. Sau 10 năm, ông thu hồi lại hết tiền và trở thành triệu phú. Nhiều phóng viên hỏi ông, vì sao sau thất bại lớn đó ông có thể vực dậy lại được như vậy, thì ông trả lời: “Tôi chưa chết, tôi không nghèo, thậm chí rất giàu có. Vốn và tài sản của tôi nằm ngay trong đầu tôi”.

Cùng chia sẻ những thất bại trên con đường thành công, nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng đóng góp nhiều ý kiến. Anh Nguyễn Anh Tuấn (Tập đoàn kinh doanh đa cấp) cho biết: “Khi tôi từ bỏ làm giảng viên tại trường Đại học Bách khoa với số lương 1,5 triệu đồng/tháng thì tôi mong sớm làm giàu và trở thành triệu phú. Tôi đã đi lang thang ở ngoài đường từ ngày này sang ngày khác. Rồi xe máy, đồng hồ, điện thoại, nhẫn đều lần lượt ra đi mà tôi vẫn chưa tìm ra cho mình một con đường làm giàu nào cả.

Sau những ngày tháng nghèo khó đó tôi đã nhìn lại mình, lên kế hoạch làm giàu cho mình một cách tỷ mỷ. Rồi tôi nhận ra rằng, năng lực con người là khủng khiếp. Tất cả mọi người đều đang làm dưới năng lực của bản thân. Có đam mê, khát vọng và một kế hoạch cụ thể cho đam mê đó, mình sẽ thành công”.


Doanh nhân Việt hỏi kinh nghiệm làm giàu của Adam Khoo. 

Học cách ứng phó với hoàn cảnh

Adam Khoo đưa ra công thức: hoàn cảnh + phản ứng = kết quả, để nhấn mạnh tầm quan trọng của cách ứng phó với hoàn cảnh cho sự thành công. Từ chuyện nợ 60 triệu USD của triệu phú Singapore, ông thấy rằng: Hãy học cách thay đổi. Có tư duy, sức khỏe, kinh nghiệm là động lực phát triển. Chúng ta không nên tập trung vào vấn đề, vào con số 60 triệu USD mà hãy tập trung vào giải pháp.

Adam Khoo là một trong 25 người giàu nhất dưới tuổi 40 của Singapore, là một doanh nhân thành đạt, là tác giả của những quyển sách bán chạy nhất và cũng là chuyên gia đào tạo hàng đầu.

Ông trở thành triệu phú năm 26 tuổi và đang sở hữu bốn công ty trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, quảng cáo và tổ chức sự kiện với tổng doanh thu hàng năm lên đến 30 triệu USD.

Adam Khoo tốt nghiệp loại ưu ngành Quản trị kinh doanh của trường ĐH Quốc gia Singapore. Adam cũng được biết đến như một trong những diễn giả kiệt xuất hàng đầu của Singapore và châu Á.

Từ đó ông rút ra kết luận: “Không phải điều gì xảy ra với chúng ta quyết định cách chúng ta cảm nhận và hành động. Đúng hơn là, cách mà chúng ta lựa chọn để phản ứng lại với hoàn cảnh tạo nên sự khác biệt. Bạn không thể thay đổi hướng gió nhưng bạn hoàn toàn thay đổi hướng cánh buồm để điều khiển hướng đi của mình”.

Tấm gương tiêu biểu vượt qua hoàn cảnh mà Adam nêu ra là nhân vật Nick Vujicic, tỷ phú không tay chân người Úc. Sinh ra không tay chân nhưng Nick vẫn còn bộ não để tư duy để vạch ra kế hoạch tương lai. Anh đã vạch ra 5 mục tiêu: trở thành triệu phú tuổi 30, học đại học để có bằng cấp, trở thành nhà diễn giả, viết sách và gây qũy từ thiện.

Ở tuổi 28, anh đã hoàn thành được tất cả những việc đó. Adam phân tích: “Chúng ta phải học cách phản ứng với hoàn cảnh để đem lại kết quả có lợi, và phải đặt ra ba câu hỏi: Tôi chọn tập trung vào vấn đề gì? Tôi đã rút ra được bài học gì? (Điều này có ý nghĩa gì?) và tôi định làm gì đối với việc đó? Đối với người thành công, hoàn cảnh bất lợi xảy ra đối với họ chỉ là một phép thử của số phận mà họ phải vượt qua. Hài lòng về những điều mình có và biến những cái không may thành cơ hội đó là suy nghĩ của người thành công”.

“Vậy, vượt lên hoàn cảnh trở thành tỷ phú đã phải là một thành công?”, chị Đinh Thu Hương (Cty cổ phần thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế) hỏi. Adam trả lời: “Nếu thành công được so bằng tiền bạc thì chưa đủ, bất kỳ một công việc nào mà đặt tiền bạc lên cao thì chắc chắn sẽ không thành công. Chúng ta hãy học cách thành công khi tạo ra giá trị cho xã hội từ công việc của bạn, rồi tiền bạc sẽ tự đến với bạn”.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.