Học trò phớt lờ luật giao thông - Bài 1: "Quên" mũ bảo hiểm

03/01/2011 15:21 GMT+7

(TNO) Hiện nay, tình trạng học sinh (HS) vi phạm luật giao thông diễn ra thường xuyên. Thậm chí, đã có trường hợp HS lái xe phân khối lớn gây tai nạn chết người. Trên thực tế, các trường vẫn chưa thể làm mạnh tay để chấm dứt tình trạng HS không bằng lái, đi xe máy đến trường.

Lái xe máy gây tai nạn chết người

Cứ đến giờ tan tầm cuối buổi chiều, phía cổng bên hông trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) lại ào ạt HS lái xe máy ra về.

Đặc biệt, theo quan sát của chúng tôi, có rất đông HS “quên” đội mũ bảo hiểm (MBH), thậm chí chở cùng lúc 3 người trên xe.

Ngay cổng xe ra vào nói trên, có một giám thị đứng theo dõi nhưng cũng “quên” nhắc nhở những trường hợp không đội MBH.

 
HS này vi vu trên đường với lỗi kép, vừa không đội MBH vừa chạy xe phân khối lớn quá quy định so với độ tuổi - Ảnh: Trí Quang

Thi thoảng, một số HS nữ mặc áo dài cũng vi vu trên chiếc tay ga chạy qua lại, í ới gọi nhau. Đứng đây trong 5 phút cũng dễ thấy có khá nhiều bố mẹ đi đón con về cũng quên đội MBH cho con. Không những thế, có phụ huynh còn để cho con mình điều khiển xe chở về.

       Em nào lái xe máy vào trường chúng tôi đều kiểm tra, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ nhân lực để làm việc đó

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng trường THPT Tenlơman

Bên kia đường, quán cà phê vỉa hè trên góc ngã tư Ngô Thời Nhiệm - Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) thu hút rất đông HS đi xe máy tụ tập. Đây cũng là nơi nhận giữ khá nhiều xe máy của HS.

Những HS chưa đủ tuổi lấy bằng lái xe nhưng muốn né giám thị nhà trường, nên đã tìm cách gửi xe ở những nơi lân cận giống như trên.

       Việc HS đi xe máy phân khối lớn quá quy định vào trường thì chuyện đó chúng ta có thể kiểm tra dễ dàng. Đó không phải là vấn đề thiếu nhân lực. Nếu cần, tôi chỉ cách cho, dễ lắm!

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

“Hiện tượng gửi xe bên ngoài để né sự kiểm tra của giám thị thì nói thật là trường nào cũng có”, cô T.T.K, nguyên Phó hiệu trưởng một trường THPT ở Q.1, TP.HCM khẳng định.

Cô T.T.K cho biết thêm: “Hồi đầu năm nay, với tư cách là hội thẩm tòa án nhân dân Q.1, tôi có tham gia phiên tòa xét xử một HS lớp 11 của trường THPT ở Q.1. Em này chưa có bằng lái xe nhưng lại điều khiển xe phân khối lớn gây tai nạn chết người. Và em này đã bị xử 1 năm tù giam, đành dở dang chuyện học hành. Đó là trường hợp rất đáng tiếc”.

Trường kêu khó, Sở nói dễ

Tại trường THPT Tenlơman (Q.1, TP.HCM) thời gian qua có 2 HS vi phạm luật giao thông bên ngoài và được CSGT gửi thông báo về trường. Sau đó, các trường hợp này đều được phía nhà trường báo cáo lên Sở GD-ĐT về cách xử lý kiểm điểm.


Nhiều HS "lách" bằng cách gửi xe tại các bãi gần trường - Ảnh: Trí Quang

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng trường THPT Tenlơman (Q.1, TP.HCM) nói: “Đối với phía nhà trường thì chúng tôi vẫn thường nhắc nhở các em không được lái xe máy phân khối quá quy định đi học. Hễ em nào lái xe vào trường thì chúng tôi phải kiểm tra, nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng đủ nhân lực để làm việc đó”.

Theo Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương, có một số HS thường gửi xe ở các nhà dân lân cận trường để tránh sự kiểm tra của giám thị. “Thi thoảng tôi thấy các em đi bộ về rồi chốc lát lại thấy cưỡi xe máy. Như thế rõ ràng các em gửi xe máy xung quanh đây thôi”, bà Hương khẳng định.


Tình trạng HS vi phạm luật giao thông trên đường diễn ra không phải ít - Ảnh: Trí Quang

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, việc HS gửi xe bên ngoài cũng là điều kiện thuận lợi để một số em trốn học đi chơi.

“Việc gửi xe bên ngoài để lách sự giám sát của nhà trường thì khó xử lý rồi. Nhưng riêng việc HS đi xe máy phân khối lớn quá quy định vào bãi xe của trường thì chuyện đó chúng ta có thể kiểm tra dễ dàng. Đó không phải là vấn đề thiếu nhân lực. Nếu các trường cần, tôi chỉ cách cho, dễ lắm!”, ông Chương nói.

Trung tá Phan Văn Sự, đội trưởng đội CSGT Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết: Các em HS đủ 16 tuổi đến 18 tuổi có thể lái xe máy dưới 50 phân khối. Về mức phạt, nếu em HS nào từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi, chưa có bằng lái, điều khiển xe quá 50 phân khối sẽ bị  phạt hành chính với 50% so với giá trị mức phạt quy định. Còn HS dưới 16 tuổi thì phạt cảnh cáo và giam xe 10 ngày. Đặc biệt, người giao phương tiện cho người không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện đó cũng bị phạt theo.

(Còn tiếp)

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.