Đã phổ cập là phải miễn học phí

02/01/2011 18:56 GMT+7

Giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch - Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam đã trả lời phỏng vấn của Thanh Niên xung quanh những vấn đề mà đất nước, xã hội đang đặt ra đối với ngành GD-ĐT.

Muộn quá…

* Theo GS, những vấn đề nào cần phải làm ngay?

Suốt 4-5 năm qua, tiếng nói của nhân dân, của lãnh đạo, của các cơ quan quản lý về GD-ĐT là rất nhiều. Những hiện tượng tiêu cực trong nhà trường như thu nhiều khoản trái quy định, đi học tốn kém quá, nạn dạy thêm học thêm tràn lan… nhưng cái đáng kêu nhất chính là nội dung chương trình quá tải. Lẽ ra điều này phải được giải quyết từ mấy năm nay rồi.

Chính sách học phí hợp lý, hướng chung của hệ thống trường công là tiến tới không có học phí

Việc quan trọng nhất, trung tâm nhất của ngành GD-ĐT là chương trình, sách giáo khoa thì lại không tập trung vào giải quyết. Phương pháp học nặng nề quá, chúng ta hô hào đổi mới phương pháp nhưng liệu đã đánh giá hiệu quả thực chất của nó chưa. Theo dư luận, thì rõ ràng vẫn chưa hài lòng.

Phương tiện dạy học cũ và lạc hậu, tôi đã từng đi đến một ngôi trường nổi tiếng của Hà Nội, với hơn 2.000 học sinh nhưng chỉ có 50 cái máy vi tính. Điều đáng nói là khi ấy vào đúng thời điểm mà toàn ngành giáo dục đang phát động phong trào đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học và coi đó là chủ đề chính của năm. Nói và làm còn xa nhau quá, mà lại là ở giữa thủ đô, chứ chưa kể những nơi xa xôi hơn.

Giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc

* Nhưng Bộ GD-ĐT đã đề ra lộ trình năm 2015 sẽ thay đổi chương trình và sách giáo khoa. Còn hiện tại thì đã ban hành một bộ tài liệu về chuẩn kiến thức kỹ năng để giảm tải chương trình?

Quá tải ở đây là vừa thừa vừa thiếu; quá nặng về lý thuyết, hàn lâm và thiếu thực hành. Nhiều nhà giáo và nhà khoa học giáo dục cho rằng chương trình giáo dục của ta ở nhiều môn khoa học tự nhiên còn nặng hơn so với chương trình của những nước đã có nền kinh tế - xã hội rất phát triển. Mà để tình trạng này kéo dài quá là điều rất đáng... sốt ruột, đáng lo.  Bộ GD-ĐT đã rà soát và nhận thấy sách giáo khoa rất nhiều lỗi, lẽ ra Bộ GD-ĐT phải sửa toàn diện. Trước đây có những bộ sách dùng tới 13-14 năm không có vấn đề gì, hiện nay dư luận kêu nhiều mà chỉ đính chính lẻ tẻ thì không nên.

Tôi có trao đổi với Viện Khoa học giáo dục VN - Bộ GD-ĐT, nếu đến năm 2015 mới có chương trình và sách giáo khoa mới thì lâu quá. Bây giờ phải làm trong một học kỳ để giải quyết tình trạng quá tải, bỏ những cái không cần thiết, thêm những cái cần thiết, tăng cường kỹ năng, thực hành; sách in không có lỗi… những việc đó là trong tầm tay của Bộ GD-ĐT.

* Dư luận xã hội đang rất trông chờ vào một cuộc “cải cách giáo dục toàn diện” và hy vọng sẽ giải quyết được những vấn đề mà GS vừa đề cập. Vậy GS có nghĩ như vậy không?

Tôi cho rằng không câu nệ vào chữ “cải cách” trong giáo dục, có thể gọi là đổi mới, cải tiến... nhưng vấn đề căn bản là phải thay đổi chương trình. Chỗ nào cần giải quyết là phải giải quyết ngay, thay đổi ngay, không chờ đợi. Không thể để mãi một “tiếng kêu” kéo dài hàng chục năm.

Tiến tới trường công không thu học phí

* Nhà nước đã đầu tư một lượng ngân sách lớn cho sự nghiệp GD-ĐT. Vậy theo ông tại sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp, thiếu trang thiết bị dạy học?

Thời tôi làm Bộ trưởng chỉ có khoảng 5% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục mà đến năm 2008 đã được 20% và cứ tăng dần từ đó đến nay. Như vậy, ngân sách nhà nước dành cho GD-ĐT tăng hơn 4 lần và tăng sớm theo lộ trình là 2 năm. Lẽ ra theo lộ trình thì phải năm 2010 mới tăng ngân sách cho giáo dục nhưng Quốc hội đã quyết định năm 2008 đã tăng. Đó là điều khiến nhân dân rất hài lòng và cảm kích trước sự quan tâm của Nhà nước tới giáo dục.

Nhưng vấn đề số tiền là bao nhiêu, đi đâu, vào đâu trong khi phương tiện dạy học không có, sách và thiết bị dạy học của phổ thông thiếu thốn, trường đại học còn kém hơn nhiều. Nhân dân kêu ca học phí luôn luôn “rình rập” tăng, tạo tâm lý bất an và mất niềm tin trong dân…

* Như GS vừa nói, học phí luôn trong tình trạng rình rập tăng tạo tâm lý bất an cho người dân. Vậy theo quan sát của GS thì ở bậc học phổ thông nên có chính sách học phí ra sao là phù hợp?

Chính sách học phí hợp lý, hướng chung của hệ thống trường công là tiến tới không có học phí. Trước mắt là bỏ dần chế độ học phí các cấp phổ cập, các trường, lớp chuyên, năng khiếu, tài năng; kết hợp chế độ đóng học phí, học bổng chính sách tín dụng.

* Ngoài ngân sách thì năm 2010 cũng là năm Nhà nước đầu tư rất nhiều cho các đề án lớn với hàng nghìn tỉ đồng để phát triển GD-ĐT. Giáo sư có thấy việc đầu tư đã đúng hướng?

Đầu tư nhiều phải nhìn thấy hiệu quả chứ không nó sẽ “bốc hơi” mất hết. Điều tôi lo nhất là đầu tư vào mục đích gì, nếu không chúng ta sẽ đi chệch hướng việc “xây dựng nhà trường tiên tiến trong nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc”.

Nước ngoài vào mở trường ở VN, những năm đầu không có kiểm tra, kiểm soát gì cả, họ muốn dạy gì thì dạy, sở kế hoạch đầu tư cấp phép xong là xong, họ dạy cái gì ngành GD-ĐT rất khó kiểm soát. Trên thực tế thì họ đã lơ là các môn học của VN, tiếng Việt và lịch sử dân tộc là những cái căn bản mà người VN phải được học nhưng học sinh VN lại không học đến nơi đến chốn.

Rộ lên nhất là việc Chính phủ cho mở 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế tại VN, học phí cao, nhà nước đầu tư lớn nhưng vẫn không có người học. 

Tôi không hiểu những trường đó có bảo đảm cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho VN như thế nào, mục tiêu của các trường này không rõ. Nếu cho rằng 4 trường này sẽ trở thành trường ĐH đi đầu của VN và hy vọng đến 2020 sẽ vào tốp 200 trường của khu vực và thế giới thì cũng cần nhưng không thể xem đó là mục tiêu chủ yếu. Trong khi đầu tư vào các trường này nhiều như vậy thì các trường ĐH của VN thế nào? ĐH Quốc gia sắp 15 năm tuổi mà cái nhà hiệu bộ chưa xây xong. Cả nước ta chưa có trường nào lớn, phát triển như mong muốn. 14 năm nay nhưng việc xây dựng hai trường ĐH Sư phạm lớn xứng tầm là nơi đào tạo đội ngũ với trọng trách “trồng người” vẫn chưa thực hiện được.

Về việc dạy ngoại ngữ, tôi cho rằng đây là vấn đề rất hay nhưng cực kỳ lớn. Chúng tôi là những người hiểu rằng ngoại ngữ là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nhưng để biến nó thành chính sách về dạy học ngoại ngữ quốc gia, áp dụng đồng loạt cho cả nước thì không đơn giản, nhất là chỉ thống nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh, lẽ ra  nên có sự linh hoạt.

10 thách thức của giáo dục VN

Theo GS Phạm Minh Hạc, trong giai đoạn sắp tới, nền giáo dục VN đối diện với những thách thức sau:

- Xây dựng mạng lưới trường ĐH hợp lý, không mở trường ồ ạt, đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu đất nước

- Cải tổ hệ thống giáo dục học suốt đời, hướng vào con người

- Phổ cập đúng chuẩn (có chất lượng) giáo dục phổ thông

- Từng bước đưa các lớp, các cấp lên học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh/lớp

- Tiếp tục cải tiến chương trình, chỉnh sửa sách giáo khoa

- Cải cách đánh giá, thi cử

- Phân luồng sau lớp 9 và phân ban ở THPT, chú trọng phát triển dạy nghề

- Kiên cố hóa trường học

- Tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục

- Tăng cường đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.