Đằng sau “tử dược” Mediator: Những quả bom nổ chậm

28/12/2010 22:22 GMT+7

Ngoài Mediator vẫn còn nhiều loại dược phẩm khác tiềm tàng nguy cơ gây ra những tác dụng phụ rất nghiêm trọng đang được lưu hành.

Mỗi năm, phản ứng phụ từ thuốc giết chết 18.000 người và làm 130.000 người khác phải nhập viện tại Pháp, theo tờ L’Express. Những quả bom nổ chậm này, điển hình là Mediator, lẽ ra có thể được tháo ngòi nếu những cảnh báo về chúng được xem xét nghiêm túc hơn. Trong nhiều trường hợp, “chuông báo động” được gióng lên khá trễ và đến khi loại dược phẩm nguy hại bị rút khỏi thị trường thì đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Thuốc kháng viêm Vioxx do Msd Chibret sản xuất, có tác dụng phụ gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, bị các chuyên gia cho rằng đã làm 27.000 người chết tại Mỹ trước khi bị cấm vào năm 2004.

Với hệ thống bảo hiểm xã hội rất chu đáo, người Pháp nổi tiếng về việc… thích uống thuốc. Kết quả là mỗi năm hóa đơn thuốc men tại Pháp lên đến 27 tỉ euro, theo tờ France Soir. Rất nhiều bệnh nhân, thậm chí một số bác sĩ, dường như quên rằng tất cả các loại thuốc đều có phản ứng phụ. Khi bệnh nhân bị “mờ mắt” bởi quảng cáo và các bác sĩ bị ràng buộc bởi các hãng dược thì các loại thuốc “lợi bất cập hại” sẽ được sử dụng vô tội vạ.

Theo báo cáo của Ủy ban Điều tra Thượng viện, Cơ quan An ninh sản phẩm y tế (Afssaps) được hỗ trợ tài chính rất nhiều từ các hãng dược. Afssaps chính là nơi cấp giấy phép lưu hành cho các loại dược phẩm. Một khi “đầu đã xuôi”, thuốc được bày bán, kê toa, thì tình hình trở nên khá an toàn đối với các hãng dược vì các cơ chế kiểm tra tính hiệu quả của thuốc và nguy cơ tác dụng phụ vẫn chưa được siết chặt tại Pháp.

Ngoài ra, chi phí những chương trình đào tạo y học chuyên sâu bắt buộc tại Pháp được chi trả 98% bởi các hãng dược. Các bác sĩ vì thế khó tránh việc bị “trói tay trói chân”. Cùng chung cảnh ngộ là các tạp chí y khoa. Những chuyên san hoàn toàn độc lập với ngành dược phẩm tại Pháp hiện chỉ có Pratiques và Prescrire. Trong đó, Prescrire là nơi đầu tiên đăng tải thông tin về Mediator. Còn lại, các tờ khác đều được các hãng dược “rót” tiền quảng cáo, đặt báo dài hạn với số lượng lớn đều đặn. Khi cuốn sách viết về tác hại của dược chất benfluorex trong “tử dược” Mediator của bác sĩ Irène Frachon được phát hành, tờ Quotidien du Médecin đã cho đăng ngay một bài quảng cáo của Tập đoàn Servier nhằm chối bỏ mọi liên quan giữa thuốc này với những ảnh hưởng đến van tim.

10 loại thuốc bị cảnh báo

Từ “danh sách đen” gần đây của Prescrire, báo L’Express đã nhờ giáo sư Jean-Paul Giroud của Viện Y học quốc gia (Pháp) thẩm định lại và đưa ra 10 loại thuốc nên cấm lưu hành.

Actos (sản phẩm của hãng Takeda): có chứa glitazones, một dược chất mới nhằm chữa trị bệnh tiểu đường type 2. Tác dụng phụ: gây phù nề, tổn hại xương (ở phụ nữ), suy tim cũng như bị nghi gây ung thư bàng quang. Trên thị trường trước đây có thuốc Avandia của GlaxoSmithKline (GSK) cũng chứa chất này. Từ ngày 3.11.2010, Avandia đã bị Afssaps cấm lưu hành trong khi Actos vẫn “an toàn”.

Adartrel (GSK): thuốc thường được dùng cho bệnh nhân Parkinson, gây buồn nôn, ảo giác, thậm chí ngất xỉu. Các chuyên gia nghi ngờ Adartrel làm bệnh trầm trọng hơn, sau một giai đoạn đầu tiên tạm thuyên giảm.

Di-Antalvic (Sanofi-Aventis): thuốc giảm đau. Di-Antalvic là sự kết hợp giữa dextropropoxyphène và paracétamol, lưu hành trên thị trường từ 40 năm qua. Thuốc này được cho là giảm đau hiệu quả hơn các loại dược phẩm chỉ chứa paracetamol. Tuy nhiên công dụng này trên thực tế chưa từng được chứng minh trong khi những nguy cơ khi sử dụng quá liều có thể rất nghiêm trọng, từ rối loạn tâm lý, hệ tim mạch cho đến ngưng tim. Anh, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã cấm thuốc này từ nhiều năm nay. Mỹ từ ngày 19.11.2010. Riêng Pháp dự định sẽ rút sản phẩm này khỏi thị trường vào tháng 9.2011.

Hexaquine (Gomenol): thuốc trị chứng co cơ. Hexaquine chứa quinine (ký ninh), dược chất giúp chữa bệnh sốt rét khá hiệu quả nhưng lại dẫn đến nguy cơ loạn nhịp tim, giảm tiểu cầu, sốc thuốc do dị ứng. Tại Mỹ, loại thuốc này đã không được kê toa chữa chứng co cơ từ năm 1995 sau hàng trăm ca tử vong vì phản ứng phụ.

Intrinsa (Warner Chilcott): thuốc dành cho những phụ nữ không còn “hưng phấn” sau khi cắt bỏ buồng trứng và tử cung. Intrinsa không được lưu hành ở Mỹ vì bị đánh giá thiếu hiệu quả có nhiều tác dụng phụ: tăng nam tính (mọc nhiều lông, giọng khàn), nổi mụn, ảnh hưởng chức năng gan và tim mạch, tăng cân.

Ketek (Sanofi-Aventis): thuốc trị nhiễm trùng hệ hô hấp. Những nghiên cứu ở châu u năm 2006, 2007 cho thấy thuốc này thường dẫn đến chứng nhược cơ, mất nhận thức, rối loạn thị giác, nhịp tim và ảnh hưởng gan.

Nexen (Thérabel Lucien Pharma): thuốc giảm đau cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp và đau bụng do hành kinh. Nexen có thể làm tổn hại gan trầm trọng. Phần Lan, Tây Ban Nha đã cấm lưu hành từ năm 2002, Ireland cấm từ năm 2007.

Vastarel (Servier): thuốc chỉ định cho người bị chóng mặt, ù tai, nhói tim, rối loạn thị giác. Được lưu hành từ 40 năm qua, loại thuốc này rất hay được kê toa cho các bệnh nhân cao tuổi. Từ 10 năm nay, rất nhiều trường hợp phản ứng phụ được ghi nhận: run rẩy, ảnh hưởng nhiều đến việc di chuyển, biểu hiện của bệnh Parkinson.

Zyprexa (Lilly France): chỉ định cho bệnh nhân tâm thần phân lập. Chính hãng Lilly France thừa nhận năm 2003 rằng Zyprexa có thể gây béo phì nặng và nguy cơ tiểu đường.

Zyban (GSK): dành cho người muốn cai thuốc lá. Tác dụng của Zyban bị đánh giá không cao trong khi thuốc này có thể gây ra cao huyết áp.

Nhiều loại thuốc bị cảnh báo cũng có mặt ở Việt Nam

Qua tìm hiểu của Thanh Niên, trong số những loại thuốc do các chuyên gia Pháp cảnh báo, có những loại không còn bán tại VN, có loại còn nhưng chỉ là hàng xách tay và cũng có loại đang được sản xuất và lưu hành.

Thuốc Zyprexa (hoạt chất Olanzapine) được chỉ định điều trị bệnh tâm thần. Theo các dược sĩ, tác dụng ngoại ý của thuốc này là làm tăng trọng. Vastarel (hoạt chất trimetazidine), các nhà máy dược trong nước có sản xuất nhưng chưa nghe nói về phản ứng phụ run rẩy khi dùng. Zyban (hoạt chất bupropion) cũng được lưu hành trong nước, dùng theo toa chỉ định của bác sĩ. Di-Antalvic có mặt ở VN gần 30 năm nay và nhiều đơn vị trong nước đang sản xuất.

 
Thuốc Avandia đã bị cấm ở Pháp vì phản ứng phụ nguy hiểm - Ảnh: AFP


Hiện thị trường VN ít sử dụng thuốc Adartrel trị bệnh Parkinson, chỉ có hàng phi mậu dịch và chưa có công ty nào nhập về. Thuốc Actos (hoạt chất Pioglitazole) thì có rất nhiều biệt dược đang lưu hành, trong đó Avandia trước đây đã bị cấm tại Pháp. Nexen (hoạt chất Naproxen) trị đau khớp, chấn thương... VN có sản xuất, nhưng ít được sử dụng.

Thanh Tùng

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.