Dời ống cấp nước trung tâm TP.HCM

24/12/2010 00:26 GMT+7

Hôm qua Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) xác nhận việc di dời tuyến ống cấp nước D2000 mm (tuyến ống cấp nước chính cho các quận trung tâm TP.HCM) tại khu vực cầu Điện Biên Phủ sẽ gây thiếu nước với hàng nghìn hộ dân.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài hôm qua đã chấp thuận đề nghị của Sawaco về việc di dời tuyến ống cấp nước D2000 mm tại khu vực cầu Điện Biên Phủ, giáp ranh Q.1 và Bình Thạnh để phục vụ thi công dự án Vệ sinh môi trường TP (DAVSMT), thời gian thực hiện từ ngày 29.12.2010 và kết thúc ngày 12.1.2011.

Theo Sawaco, việc di dời tuyến ống cấp nước này sẽ ảnh hưởng lớn đến áp lực và dòng chảy trên hệ thống cấp nước, có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước và nước đục cục bộ tại 7 quận nội thành. Ông Phan Châu Thuận - Phó giám đốc Ban quản lý DAVSMT - cho biết trong tuần tới, Sở GTVT sẽ họp báo công bố chi tiết những khu vực dân cư bị ảnh hưởng, thời gian cúp nước, nước đục và kế hoạch huy động các nguồn nước khác.

Vì sao lại di dời vào lúc cuối năm?

Trả lời câu hỏi này, ông Phan Châu Thuận nói: "Thời điểm di dời là Tết dương lịch, nhu cầu sử dụng nước có thể ít hơn so với ngày thường do nhiều người dân đi du lịch. Lý do quan trọng nhất là Sawaco đã ký hợp đồng thực hiện di dời đường ống D2000 mm với Công ty TDW (Mỹ). Nếu không di dời vào thời điểm này thì TDW sẽ rút đi để làm một công trình khác ở nước ngoài". Ông Thuận cũng cho biết hiện chỉ có TDW sở hữu thiết bị có khả năng di dời tuyến ống D2000 mm.

7 quận bị ảnh hưởng

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, phương án di dời và giải quyết vấn đề thiếu nước cho người dân TP được thực hiện như sau: Tuyến ống D2000 mm hiện hữu sẽ bị đóng và thay bằng tuyến ống mới đặt sâu hơn so với đường ống cũ. Trong thời gian đóng ống D2000 mm, việc cung cấp nước sẽ được chuyển qua tuyến ống tạm có đường kính 1200 mm đặt trên cầu Điện Biên Phủ. Do ống tạm có đường kính nhỏ hơn nên áp lực nước từ Nhà máy nước Thủ Đức về sẽ giảm mạnh, gây thiếu nước cho người dân các quận: 1, 3, 5, 10 (trừ P.15), Q.11 (P.4, P.6, P.7, P.12, P.13, P.15, P.16), Q.6 và Q.8 cũng bị ảnh hưởng một phần. Giải thích vì sao không sử dụng ống tạm có đường kính lớn hơn để tải nước, Sawaco cho rằng nếu sử dụng ống tạm đường kính lớn hơn 1200 mm sẽ ảnh hưởng xấu đến kết cấu cầu Điện Biên Phủ, đồng thời tác động đến kết cấu, tuổi thọ tuyến ống D2000 mm do phải khoan ống để kết nối.

Để hạn chế xáo trộn đời sống người dân cũng như hoạt động của các doanh nghiệp, công sở... Sawaco cho biết sẽ chuyển nước từ nơi khác đến các khu vực bị thiếu nước để bù đắp. Sawaco cũng sẽ tăng cường hơn 26 xe bồn hoạt động 24/24 chở nước đến các khu vực nước yếu. Ngoài ra, nhằm tăng cường áp lực nước cho các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, 3, 10, 11; Sawaco sẽ chuyển nước từ Nhà máy nước Thủ Đức đến các khu vực trên thông qua tuyến ống D1500 mm Bình Thái - Bình Lợi.

Đề phòng tình trạng bể ống do nước từ Nhà máy nước Thủ Đức không sử dụng hết, làm tăng áp lực trên mạng lưới, Sawaco sẽ điều chuyển một số hộ dân sử dụng nước của Nhà máy nước BOO Thủ Đức sang sử dụng nước của Nhà máy nước Thủ Đức. Nhà máy nước BOO Thủ Đức mới đưa vào sử dụng sẽ tăng cường áp lực cho những điểm thiếu nước tại Q.1 và Q.5 thông qua tuyến ống Bến Vân Đồn, cầu Calmette, Nguyễn Khoái, cầu Chữ Y. Để hạn chế tình trạng nước yếu hoặc cúp nước trên địa bàn Q.3, Sawaco sẽ đưa vào vận hành tuyến ống D600 mm Nguyễn Văn Trỗi sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức. Các nhà máy nước khác như Thủ Đức, Tân Hiệp, nước ngầm Sài Gòn sẽ hoạt động công suất tối đa. Bên cạnh đó, Nhà máy nước BOO Thủ Đức sẽ tăng công suất từ 300.000 m3/ngày lên 400.000 m3/ngày.

Sawaco cũng thừa nhận nhiều khu vực vẫn sẽ thiếu nước, nhất là Q.5, Q.10, Q.11 (gồm các đường Trần Nhân Tôn, Hùng Vương, Lữ Gia, Lý Thường Kiệt) Q.6 (đường Châu Văn Liêm, Hồng Bàng, Phạm Phú Thứ), Q.8 (đường Tùng Thiện Vương)...

N.Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.