Nhà đầu tư kêu cứu ở ốc đảo

20/12/2010 22:06 GMT+7

Sau 10 năm bỏ công trồng trọt và chăm sóc cây nhưng chưa kịp thu hoạch thì nhà đầu tư phải đau xót chứng kiến cảnh tàn tạ, xuống cấp nghiêm trọng do một nhóm người phá hoại.

Năm 1998, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định giao cho ông Nguyễn Xuân Du (ngụ P.3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) 10,8 ha đất tại ốc đảo hồ Tân Rai (thị trấn Lộc Thắng, H.Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) để trồng rừng và làm vườn rừng. Sau đó, vì lý do sức khỏe, ông Du chuyển nhượng cho ông Trần Chí Thành để trồng cây dó (tạo trầm), quế và cây ăn trái.

Tuy nhiên, vào ngày 25.4.2010, ông Lê Văn Tường cùng 6 hộ dân khác ngang nhiên mang theo cuốc xẻng, chăn màn lên ốc đảo chiếm đất lập lán trại. Nhóm người này đuổi công nhân của ông Thành ra khỏi đảo, chặt cây dó và khai thác quế trái phép, đồng thời đưa cà phê và các loại cây khác lên đảo trồng. Quá đau xót, ông Thành làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng tại địa phương, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa đi đến đâu. Liên tiếp nhiều ngày sau, nhóm người này liên tục phá phách tại khu vực dự án.  

Ngày 9.12, PV Thanh Niên đã trực tiếp đi xác minh và tận mắt chứng kiến những thiệt hại mà ông Thành, sau 10 năm dốc hết tài sản, tâm huyết để đầu tư, giờ đang phải gánh chịu. Cỏ hoang phủ kín cả ốc đảo, những cây dó mười năm tuổi khô cành, rụng lá. Nhiều cây quế đang độ trưởng thành bị bóc vỏ không thương tiếc và bắt đầu chết dần. “Suốt hơn bảy tháng qua, gia đình chúng tôi không thể nào đặt chân được lên ốc đảo này. Công nhân của tôi chở phân qua bón cho cây thì bị xô ghe đổ cả xuống hồ. Đã vậy, họ còn đe dọa đánh chết công nhân của tôi”, ông Thành bức xúc.

Ông Đinh Tuấn Việt, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng, cho biết: “UBND thị trấn đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của ông Tường và một số hộ dân nhưng họ không chấp hành. Nhận thấy sự việc ngoài khả năng, UBND thị trấn đã có văn bản báo cáo xin ý kiến UBND huyện và UBND huyện cũng vừa có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh”.

Vi phạm pháp luật sao chưa xử lý?

Trên thực tế, hồ sơ thể hiện các văn bản của chính quyền địa phương đều nêu rõ việc “khiếu nại đòi đất” của ông Lê Văn Tường và 6 hộ dân là không có cơ sở, và vì thế những động thái tranh chấp đất của nhóm người này rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Chủ tịch UBND huyện cũng có văn bản giao Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng ra quyết định xử phạt, trong đó nhấn mạnh: “Nếu sau ngày 31.8.2010, ông Lê Văn Tường và 6 hộ dân không chấp hành thì lập thủ tục cưỡng chế theo quy định”. Thế nhưng sự việc vẫn kéo dài, địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Trương Hoài Minh, Chánh văn phòng UBND H.Bảo Lâm, cũng hứa: “Chúng tôi đang triển khai cho các ban ngành thực hiện việc cưỡng chế, tuy tiến độ hơi chậm. Khi nào thực hiện xong, chúng tôi sẽ có văn bản gửi cho Báo Thanh Niên”.

Cần nói thêm, ông Thành là người nhận chuyển nhượng đất và thực hiện dự án một cách hợp pháp, ông đã dồn tiền bạc, công sức đầu tư với mong muốn xây dựng ốc đảo trở thành một địa điểm du lịch nhưng đến nay vì những diễn biến phức tạp kể trên, dự án có nguy cơ bị phá sản. Vì vậy, chính quyền địa phương cần khẩn trương có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư theo đúng luật định.

Hoàng Tạo - Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.