Nếu hoa hồng luôn nở trong tim...

20/12/2010 08:47 GMT+7

Ngày tôi còn trẻ, đất nước chìm trong chiến tranh. Như bao người con Việt Nam khác, tôi đã trải qua những tháng ngày cơ cực... Nhưng tất cả chông gai đó không thể ngăn được ước mơ, khát vọng sống, tình yêu con người... của chúng tôi.

Đọc nhật ký của Lưu Quang Vũ, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc... tôi nhận ra một điều là cả thế hệ của mình đều như thế - hừng hực lửa cách mạng, lòng khao khát muốn dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước...

Sức mạnh ở lồng ngực

Tốt nghiệp ngành lịch sử ĐH Tổng hợp (Hà Nội), tháng 3-1972 tôi xung phong làm phóng viên chiến trường của TTXVN thường trú tại Hải Phòng. Qua ranh giới sống và chết, tôi cảm nhận rõ ràng nhiều cung bậc cảm xúc.

Trên đường đi lấy tin ở huyện Thủy Nguyên, tôi đạp xe ngang một khóm chợ nhỏ đông vui, tràn đầy tiếng nói cười. Sau khi vượt sông tôi quay về. Ngang qua khóm chợ đó, tôi hoảng sợ. Khóm chợ nhỏ hoang tàn. Trước mắt chúng tôi chỉ còn bãi tha ma đầy xác người. Bà con không kịp bỏ chạy khi bom Mỹ đột ngột oanh tạc. Những tấm chiếu tạm vây quanh khói hương. Tiếng khóc thương nỉ non.

Năm 2005, Tổ chức Phụ nữ hòa bình thế giới có sáng kiến chọn ra 1.000 phụ nữ đấu tranh cho bình đẳng giới trên khắp thế giới để đề cử giải Nobel hòa bình. TS Lê Thị Quý là một trong số 20 phụ nữ Việt Nam được chọn.
 
Nhiều năm sau tôi vẫn không thôi ám ảnh những hình ảnh tàn khốc khác của cuộc chiến... Cảm giác trái tim thắt lại, đau nhói nhưng không thể khóc. Thương dân mình đến cháy lòng. Tình đồng bào và những ám ảnh đó thổi bùng lên trong tôi khát khao đấu tranh bằng chính ngòi bút của mình.

Tôi nhớ một tối cả văn phòng đi công tác, mình tôi ở lại trực. Một anh bộ đội bê bết bùn đất lao vào cửa. “Đơn vị tên lửa của chúng tôi vừa bắn rơi máy bay đầu tiên” - anh nói.

Tôi vớ ngay xe đạp, khóa cửa, phóng theo anh. Suốt chặng đường dài xuyên đêm, tôi phấn khởi lạ kỳ. Rạng sáng tôi thu thập đầy đủ thông tin. Thủ trưởng tôi nhận được tin muộn, đến sau. Vừa trông thấy tôi, ông reo lên: “Ôi! Nhà báo trẻ của TTXVN đã có mặt lấy tin rồi này”.

Quay quắt lòng với nạn bạo hành

Sau năm 1975, tôi nhận công tác ở ban sử của Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM và bắt đầu tiếp xúc với xã hội học qua chồng mình.

Những năm 1977-1981 là những năm khó khăn của gia đình tôi. Lúc thiếu thốn vật chất mà vẫn phải gồng mình lên chịu đựng và nghiên cứu khoa học. Đồng lương của hai vợ chồng chỉ đủ những bữa cơm rau dưa đạm bạc cho ba người trong 20 ngày.

Chồng tôi dạy thêm, tôi viết phiếu thư viện để trang trải tiền ăn cho 10 ngày còn lại. Có những hôm có cơm mà không có thức ăn. Thỉnh thoảng cơ quan bán đầu tôm theo định suất. Tôi mua ngay về kho một nồi cho cả nhà, xong việc mới yên tâm đi thư viện. Tôi từng ngồi từ sáng đến tối trong thư viện với cái bụng rất đói...

Tôi du học và nhận bằng tiến sĩ ở Liên Xô vào năm 1989. Về Hà Nội, tôi được phân công làm thư ký tòa soạn tạp chí Khoa Học Và Phụ Nữ thuộc Trung tâm nghiên cứu phụ nữ (Ủy ban Khoa học xã hội VN). Thời gian này tôi ngỡ ngàng nhận thấy ở xã hội ta vẫn còn nhiều phụ nữ bị chồng đánh đập dã man. Họ chỉ cắn răng chịu đựng.

Tôi không tin đó là số phận của họ. Tôi tìm hiểu sâu hơn về nạn mại dâm, buôn bán trẻ em, bạo lực gia đình... và nhận thấy sợi dây vô hình liên kết các vấn nạn này thành một vòng tròn oan nghiệt. Tôi đi thực địa, nghiên cứu, viết báo, viết sách...

Để việc nghiên cứu và giảng dạy đạt hiệu quả cao hơn, tôi học thêm tiếng Anh ngoài vốn tiếng Trung Quốc, Pháp và Nga. Tôi tiếp nhận vị trí giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và phát triển thuộc ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội). Hàng chục năm qua, tôi viết khoảng 50 cuốn sách, 80 bài báo trong, ngoài nước và nhận lời mời thỉnh giảng ở nhiều nước về các vấn nạn này.

Một trong những thành quả ngọt ngào nhất của tôi là thiết lập thành công mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại hai xã ở tỉnh Thái Bình dành cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Theo đó, mỗi gia đình dành ra một căn phòng nhỏ. Bất cứ người phụ nữ nào chạy thoát thân khi bị chồng đánh đều có thể đến ở tạm trong căn phòng đó. Họ sẽ tạm ăn ở, sinh hoạt cùng gia đình mới trong khi chờ chính quyền xử lý...

Từ năm 2007 đến nay, mô hình này giúp giảm 85% nạn bạo lực gia đình ở Thái Bình. Chúng tôi đã triển khai thêm ở Nam Định và dự định mở rộng hơn.

Nhìn lại quãng đời thăng trầm đã qua, tôi tin những thành quả ngọt ngào không đến từ bên ngoài mà từ bản thân mình. Không được bước đi trên con đường trải hoa hồng nhưng nếu hoa hồng luôn nở trong tim, bạn lo gì không đi đến đích.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.