Để cây rừng không trở thành cây cảnh

13/12/2010 01:02 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo nghiêm cấm các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ xuất khẩu các loại cây cảnh, cây bóng mát thân gỗ có đường kính đủ quy cách gỗ tròn, có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, nhằm chấn chỉnh việc khai thác cây rừng làm cây cảnh, mang đi tiêu thụ, xuất khẩu.

Thực tế thời gian qua cho thấy việc khai thác cây cổ thụ từ các cánh rừng vận chuyển về xuôi làm cây đại cảnh diễn ra khá phổ biến. Người ta không còn lấy làm lạ khi các loại cây bồ đề, bằng lăng, mù cua… to vài người ôm, cao hàng chục mét vốn chỉ sống trên rừng được “dời hộ khẩu” về đứng trong sân vườn rộng rãi của các nhà hàng, khách sạn, biệt thự cá nhân và kể cả nhiều trụ sở cơ quan nhà nước.

Mới đây, tại tỉnh Phú Yên, vụ 6 chiếc xe đầu kéo lên rừng Sum Ung ở xã Sơn Long, H.Sơn Hòa chở 9 cây cổ thụ, đồng thời có 16 cây cổ thụ khác đã được khai thác trên rừng chờ chở đi, và vụ hai xe chở 20 cây cảnh các loại từ rừng xã Ea Bar (H.Sông Hinh) bị kiểm lâm bắt giữ được Thanh Niên và các báo phản ánh, xem như những hồi chuông báo động mạnh mẽ về một hình thức phá rừng nghiêm trọng. Những cây rừng đã sống hàng chục, thậm chí hàng trăm năm giờ bị bứng đi, khiến rừng bị “chảy máu” nặng nề, môi sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người dân hoan nghênh các cơ quan chức năng đã bắt được và xử lý nghiêm các vụ đào bứng, vận chuyển cây cổ thụ, cây rừng về làm cây cảnh nêu trên. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn khi cho rằng số vụ vận chuyển cây rừng làm cây cảnh bị phát hiện, bị xử lý phải chăng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”(?).

Cách xử lý vụ việc liên quan đến vấn đề này ở một số nơi vẫn chưa được dư luận đồng tình. Có nơi sau khi tịch thu cây cảnh có nguồn gốc từ rừng đã chuyển về trồng trong khuôn viên trụ sở các… cơ quan nhà nước. Có đơn vị còn làm công văn xin được khai thác cây rừng về… làm cây cảnh! Bởi vậy, hiện nay có không ít cơ quan nhà nước được “trang trí” bằng rất nhiều cây đại cảnh có nguồn gốc từ cây rừng.

Để thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng, kiên quyết phòng chống và tấn công lâm tặc, cần nêu cao tinh thần phát hiện, tố giác tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp của nhân dân. Đồng thời, các cơ quan nhà nước phải là những đơn vị thực hiện nghiêm túc việc không sử dụng cây rừng làm cây cảnh. Có như thế mới có thể chấm dứt được tình trạng “chuyển hộ khẩu” cây rừng về phố làm đại cảnh như thời gian qua.

Quốc Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.