Hà Nội: Khung giá đất 2011 có mức cao nhất 81 triệu đồng/m2

10/12/2010 21:06 GMT+7

Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2011 của Hà Nội sẽ được điều chỉnh sát giá thị trường hơn theo hướng giảm dần từ trung tâm thành phố trở ra với mức cao nhất là 81 triệu đồng/m2 và thấp 2,34 triệu đồng/m2.

Hôm nay (10/12), HĐND TP Hà Nội thảo luận và quyết nghị về giá các loại đất, về phí, lệ phí và quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo kết quả điều tra của UBND thành phố Hà Nội, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường năm 2010 tại các quận, thị trấn, thị xã, huyện giáp ranh quận và trục đầu mối giao thông cao hơn giá đất quy định tại bảng giá đất năm 2010.

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội, mức giá tại các trục đường chính hướng tâm vào Thành phố được điều chỉnh theo hướng giảm dần từ trung tâm Hà Nội trở ra.

Theo đó, giá nằm trong mức tối thiểu là 2,34 triệu đồng/m2 (đường 72 qua phường Dương Nội, quận Hà Đông) và giá tối đa vẫn là 81 triệu đồng/m2 thuộc các phố Hàng Ngang, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) như năm 2010.

Các thị trấn ở các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín là các huyện giáp ranh và có mức độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh hơn thì điều chỉnh tăng theo hướng tiếp cận với các quận. Sau khi điều chỉnh, giá tối thiểu là 1,67 triệu đồng/ m2, giá tối đa là 26,4 triệu đồng/ m2.

Các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì có vị trí giáp ranh với quận, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tăng nên sẽ được điều chỉnh để phù hợp với mặt bằng chung. Giá tối thiểu là 2,035 triệu đồng/m2, giá tối đa là 31,2 triệu đồng/m2.

Mức giá ở khu vực đầu mối giao thông tại các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai điều chỉnh tăng theo hướng tiếp cận với giá vượt khung tối đa của Chính phủ cho phép, theo đó mức giá tối đa là 11,25 triệu đồng/m2 và giá tối thiểu là 433.000 đồng.

Giá chuyển nhượng đất ở khu dân cư nông thôn tại các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Quốc Oai điều chỉnh cục bộ theo hướng tiếp cận với giá vượt khung tối đa của Chính phủ cho phép và có giá tối đa là 2,25 triệu đồng/m2.

Giá chuyển nhượng đất nông nghiệp về cơ bản vẫn giữ nguyên năm 2010.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, bảng giá đất năm 2011 đã dần tiếp cận hơn với thị trường trong điều kiện bình thường, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất, khuyến khích người bị thu hồi đất chấp hành chính sách giải phòng mặt bằng để thực hiện dự án phát triển Thủ đô. Đồng thời tăng cường việc quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả hơn, giảm dần tình trạng đầu cơ về đất.

Sau khi được HĐND TP có Nghị quyết thông qua phương án giá đất năm 2011, UBND TP sẽ ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội để triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2011.

Trong phiên họp sáng nay, HĐND TP cũng thảo luận và quyết nghị về phí, lệ phí và quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn TP.

Theo đó, lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) được bổ sung và sẽ phân chia theo khu vực, cá nhân, tổ chức.

Mức lệ phí thấp nhất được xác định là 10.000 đồng/lần cấp đối với GCN của đối tượng cá nhân không thuộc các quận, thị xã và không ghi tài sản gắn liền.

Mức cao nhất là GCN cấp cho tổ chức có ghi tài sản gắn liền trên đất là 500.000 đồng/lần cấp. Đặc biệt, lệ phí cấp GCN có tài sản gắn liền với đất cao hơn từ 3-5 lần so với GCN không có tài sản gắn liền với đất. Mức lệ phí này đã được tính toán trên cơ sở bù đắp đầy đủ chi phí cho cơ quan thực thi.

Về quy hoạch phát triển điện lực, HĐND TP đã quyết nghị thông qua Dự án “Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố Hà Hội giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020”

Theo đó, Dự án có mục tiêu phát triển điện lực Thành phố Hà Nội đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.

Kết cấu lưới điện Thành phố Hà Nội được xây dựng theo hướng hiện đại, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện cao và mỹ quan đô thị; phù hợp với tình hình thực tiễn, năng lực tài chính, yêu cầu đặc thù của Thủ đô và xu thế của khu vực và thế giới trong giai đoạn quy hoạch; có sự gắn kết với quy hoạch phát triển điện lực của vùng và cả nước, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng của Thủ đô.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.