Bất minh quanh phần mềm cấp biển số xe

07/12/2010 00:11 GMT+7

Liên quan đến vụ việc một thiếu tá Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an bị cách chức, hạ quân hàm vì liên quan đến phần mềm cấp biển số ngẫu nhiên, kết luận của Thanh tra Bộ Công an còn cho biết có nhiều dấu hiệu bất minh trong quá trình tổ chức, thực hiện từ phần mềm này.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Công an, chủ trương chọn biển số ngẫu nhiên trên máy vi tính áp dụng trên phạm vi toàn quốc là cần thiết và phù hợp với chỉ đạo của Bộ Công an cũng như xu thế cải cách hành chính. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện đã thể hiện sự buông lỏng của Cục CSGT (C67), để cho một số cá nhân thao túng.

Cụ thể, từ đầu năm 2008, công an toàn quốc đã thực hiện chương trình chọn biển số ngẫu nhiên và Nguyễn Hoài Nam, Đội trưởng Đội 2, là người được lãnh đạo C67 giao nghiên cứu, xây dựng. Chương trình này ban đầu là do Công ty Softend xây dựng, trong đó ông Nguyễn Hữu Duyệt - bố đẻ của Nam là cổ đông chính. Sau đó, Công ty Softend đã chuyển giao cho Nam bản chạy thử và mã nguồn. Từ bản này, Nam đã biên soạn, viết lại thành chương trình của Cục và cài đặt một số thông tin quảng cáo như địa chỉ, số điện thoại của Softend; cũng như tên và số điện thoại của các lập trình viên Softend để bán nút bấm chọn biển số ngẫu nhiên cho công an các địa phương.

Theo Thanh tra Bộ công an, việc C67 không lập kế thoạch đăng ký nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ, bảo mật chương trình; không phối hợp với các đơn vị có liên quan để báo cáo, đề xuất Bộ trưởng ra quyết định việc triển khai nghiên cứu, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ phần mềm theo quy định là vi phạm quyết định của Bộ về quy chế tổ chức nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ phần mềm trong lực lượng công an nhân dân. Đồng thời, chương trình đã bộc lộ nhiều sơ hở như: Không yêu cầu nhập đầy đủ thông tin như số máy, số khung mà vẫn cho phép sinh số biển; nhật ký chương trình không rõ chi tiết khiến người trực tiếp cấp có thể lợi dụng và cấp biển số trái quy định nhưng không để lại dấu vết; việc C67 chỉ giao độc quyền quản trị và quản lý mật mã cho một cá nhân đã tạo ra kẽ hở để người khác lợi dụng đặc quyền vì mục đích cá nhân.

Trên thực tế, kiểm tra tại một số địa phương, Thanh tra Bộ Công an đã phát hiện ra nhiều nghi vấn về sự can thiệp vào hệ thống cấp biển số ngẫu nhiên.

Tại Hà Nội mặc dù có quy định cán bộ chiến sĩ trực ngoài giờ không được làm việc trên máy bấm số chọn biển số xe, nhưng qua kiểm tra tại 4 cơ sở đăng ký cho thấy Nguyễn Hoài Nam và các cán bộ đội quản lý xe thuộc Công an Hà Nội đã nhiều lần đăng nhập vào hệ thống cấp biển ngẫu nhiên ngoài giờ hành chính.

Cụ thể, trong số 745 lần truy cập thì có đến 150 lần truy cập sau 22 giờ tối, trong đó cá nhân Nam truy cập đến 79 lần. Kết quả nghiên cứu trên 280 bộ hồ sơ đăng ký xe ô tô của Hà Nội, trong đó có phân nửa là biển số đẹp cho thấy nhiều cán bộ làm nhiệm vụ không yêu cầu chủ xe xác nhận dưới biển số được cấp... Tại TP.HCM, Đà Nẵng, Thanh tra Bộ Công an cũng đã phát hiện tình trạng tương tự.

Dù chưa đủ cơ sở kết luận một số cán bộ C67 và cán bộ chiến sĩ CSGT tại các địa phương nói trên lợi dụng việc cấp biển số xe để trục lợi nhưng Thanh tra Bộ Công an cho rằng việc truy cập vào máy bấm số ngoài giờ hành chính là vi phạm quy trình, nhiệm vụ công tác được giao và có nhiều biểu hiện bất minh.

Đến nay, qua xác minh 9 chủ xe ô tô có biển số đẹp đăng ký tại Hà Nội, có 2 chủ xe thừa nhận đã chi 5 triệu đến 10 triệu đồng thông qua các địa lý bán xe ô tô để đăng ký xe, 5 chủ xe khẳng định không chi tiền để mua biển số và 2 trường hợp chủ xe từ chối cung cấp thông tin.

Nhóm PV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.