“Tay máy vàng” của điện ảnh Việt

04/12/2010 09:50 GMT+7

Không được đào tạo qua trường lớp, Nguyễn Tranh bắt đầu sự nghiệp bằng công việc “bậc thấp” nhất trong đoàn làm phim, đi lên từ những gian khó nhất đời mình để rồi trở thành nhà quay phim mang danh hiệu “tay máy vàng” của điện ảnh Việt Nam.

Những ngày này, Nguyễn Tranh đang tập trung toàn bộ thời gian cho phần hậu kỳ những tập cuối của bộ phim ca nhạc Cho một tình yêu - bộ phim đầu tiên do anh làm đạo diễn, đang phát sóng trên VTV3.

Năm năm trước, lần đầu tiên anh đứng ở cương vị D.O.P (đạo diễn hình ảnh). 15 năm trước, lần đầu tiên anh chính thức được đứng ở máy quay và 25 năm trước, lần đầu tiên anh bước vào phim trường với công việc của một người phục vụ. Những “lần đầu tiên” đó như những dấu mốc cho cả một hành trình dài không ngừng học hỏi và phấn đấu để có thể là một Nguyễn Tranh của hôm nay.

Học từ trường đời
 
Nhắc đến Nguyễn Tranh, bè bạn lâu năm trong giới đều nhớ hình ảnh một “anh chàng chẳng biết hắn làm gì mà... cái gì cũng làm trong đoàn phim”. Đạo diễn Lê Hoàng từng nói “chưa có chức vụ nào trong đoàn phim mà Nguyễn Tranh chưa từng trải qua, từ kẻ đẩy xe cho đến giám đốc phim trường”.
 
Thật vậy, trước khi trở thành “tay máy vàng” của điện ảnh Việt Nam, Nguyễn Tranh đã từng là một người bưng bê phục vụ, khuân vác, làm thiết kế, phục trang...

“Tôi làm tất cả những công việc có thể có trong đoàn làm phim, cả những công việc không tên. Thời gian đầu, chỉ làm với mục đích kiếm tiền nuôi sống mình để không trở thành gánh nặng cho người khác là tôi vui rồi. Nhưng dần dần về sau, thấy hình như nghề đã vận vào cuộc đời mình và tôi biết sẽ chẳng bao giờ từ bỏ được nó” - Nguyễn Tranh trầm ngâm hồi tưởng lại hành trình của cuộc đời mình. 
 
Nếu được học qua trường lớp thì chỉ 4 năm đã có thể ra nghề, với Nguyễn Tranh, anh phải kiên trì, nỗ lực gấp 3 - 4 lần. Nguyễn Tranh bảo đường dài có không ít những vật cản, có lúc thấy niềm tin bị lung lay nhưng anh luôn nghĩ rằng đó là con đường mình phải đi và đi đến cùng. Vậy là anh cứ cặm cụi, cần mẫn với niềm đam mê tận tụy rồi khởi nghiệp bằng công việc quay clip ca nhạc, chương trình karaoke, phim tài liệu... 
 
Hết mình với nghề
 
Gần như bộ phim nào có Nguyễn Tranh làm D.O.P cũng đều tạo nên một sự khác biệt về hình ảnh, từ phim truyền hình 39 độ yêu, Tuyết nhiệt đới, Bỗng dưng muốn khóc, Ngôi nhà hạnh phúc... đến phim điện ảnh Áo lụa Hà Đông, Đẹp từng centimet, Cánh đồng bất tận.
 
Để mang đến cho công chúng thưởng thức những khung hình đẹp như mơ thì trên trường quay, đạo diễn hình ảnh luôn trong tình trạng “xấu xí, khổ sở” khi phải dầm mình trong nước, lấm lem khi đứng trong đường mương, chịu nắng nung trên bãi cát, cheo leo trên giàn giáo hay bất chấp “bọn muỗi bay từng đàn tìm người... thanh toán trên cánh đồng bất tận”.
 
Hết mình với nghề, bất chấp mọi vất vả trên phim trường, Nguyễn Tranh nói chỉ cần thấy hình ảnh trên phim ưng ý là mệt nhọc bay mất hết.

“Bản thân tôi thấy mình giỏi chịu cực, chuyện gian khổ sau này chẳng thấm vào đâu so với những gì tôi đã trải qua. Khi chỉ là một thằng bé, tôi cũng đã trồng bắp, trồng lúa, làm đủ thứ để kiếm tiền rồi. Hồi mới vào nghề, theo đạo diễn Hồng Sến làm bộ phim Mùa nước nổi cũng đã thấm hết cái cực khổ, gian nan nên với tôi, bây giờ không có điều gì là gian khổ cả” - “tay máy vàng” chia sẻ.
 
Sống và cống hiến âm thầm nhưng những gì mà Nguyễn Tranh tạo dựng được không hề lặng lẽ. Không chỉ được công nhận là nhà quay phim xuất sắc, với giải thưởng Cánh Diều năm 2007 của Hội Điện ảnh Việt Nam, cho phim Áo lụa Hà Đông, “đẳng cấp Nguyễn Tranh” còn vươn ra tầm quốc tế khi những hình ảnh trong bộ phim Cánh đồng bất tận đã được khen ngợi hết lời ngay tại kinh đô điện ảnh Hollywood.
 
Không được học qua trường lớp nhưng chính Nguyễn Tranh bây giờ lại trở thành một người thầy truyền nghề cho các bạn trẻ. Trang web cá nhân với những chia sẻ nghề nghiệp của anh luôn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo những người trẻ hâm mộ và nể phục “thầy Tranh”. 
 
“Tôi biết mình đã đi qua một hành trình dài không ít gian khó nhưng đây cũng là một cái nghề đào thải khắc nghiệt, dù không còn đứng giậm chân ở chân núi nhưng tôi biết mình vẫn luôn cần phải học hỏi và luôn cố sức leo lên và có lẽ sẽ không có điểm dừng nào nếu như tôi vẫn còn đủ sức làm việc. Nhiều lúc ngẫm nghĩ nếu không trở thành người quay phim chắc có khi mình làm nghề... chạy xe ôm” - Nguyễn Tranh bảo vậy. 
 

Tranh giống như một cây xanh vậy
 
Đạo diễn Đinh Anh Dũng, người mà Nguyễn Tranh gọi là người thầy đầu tiên của anh, nói: “Khi tôi gặp Nguyễn Tranh lần đầu tiên thì anh còn chưa được cầm tới chân máy nữa huống gì là được quay phim.
 
Suốt hơn 10 năm ròng rã theo tôi học nghề trên trường quay, Tranh đã học từ những lỗi nhỏ nhặt, từ những lời rầy la của đạo diễn và luôn chịu khó theo chân các đoàn phim để nhặt nhạnh kinh nghiệm.
 
Tranh giống như một cây xanh vậy, mọc lên vươn thẳng và tự hứng lấy những ngọn sáng cho mình, tự trau dồi học hỏi và luôn cố gắng hết sức mình để trưởng thành. Dõi theo những bước đi của Tranh, tôi rất mừng cho anh và vô cùng trân trọng khi được Tranh gọi là thầy.
 
Bởi vì chưa bao giờ tôi hướng dẫn Tranh trên giấy mà chỉ là người trả lời cho anh những câu hỏi. Tranh học trên phim trường bằng cách luôn đặt những câu hỏi “vì sao?”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.