Vào rừng tìm sâm “bảy lá”

27/11/2010 02:04 GMT+7

Theo “đơn đặt hàng” của một số người Trung Quốc, nhiều người dân huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã đổ xô vào rừng ráo riết săn lùng củ sâm “bảy lá”.

Suốt dọc đường từ Măng Đen đến các xã Đăk Long, xã Hiếu, Pờ Ê thuộc huyện Kon Plông, chúng tôi bắt gặp hàng trăm người dân đang rồng rắn kéo vào những cánh rừng của đại ngàn Trường Sơn để săn tìm các loại cây dược liệu, trong đó có sâm “bảy lá”.

Tưởng tôi là thương lái, một đại lý thu gom ở huyện Kon Plông đã mang ra hai củ sâm tươi nặng chừng 2 kg để giới thiệu với tôi. Tôi hỏi có nữa không để mua luôn thể, thì nữ đại lý này từ chối: “Nếu anh cần thì tui để dành cho lần sau, còn đợt này đã có người đặt mua trước hết rồi”. Tôi hỏi thêm về loại cây lạ này thì được chủ đại lý giải thích: “Tui chỉ biết thu mua rồi bán lại, còn vì sao nó lại mang tên như thế thì chịu chết, kể cả người dân địa phương trong vùng này cũng không ai biết. Bữa trước có hai người đàn ông Trung Quốc đến hỏi mua với giá 180.000 đồng/kg, thấy vậy người dân các xã trong huyện đổ xô vào các cánh rừng để tìm kiếm”.

 

Từng đoàn người ở xã Hiếu (Kon Plông) vào rừng săn sâm “bảy lá” - Ảnh: Trùng Dương

Theo quan sát của chúng tôi, củ sâm “bảy lá” rất to, lá giống như lá khoai môn, hình xoắn, da màu nâu, trong quá trình mọc lá có nhiều vết khuyết. Theo anh A Suông ở xã Hiếu (huyện Kon Plông), sâm “bảy lá” này chỉ mọc trong rừng già, dưới tán lá rừng rậm và thường mọc ở những nơi đất ẩm thấp, hợp với tiết trời giá lạnh và ở độ cao xấp xỉ gần 1.000m với mực nước biển. Để có được củ sâm nặng khoảng 1 kg, thời gian sinh trưởng của loại cây này cũng phải mất chừng 10 năm.

Già làng A Ruông ở làng Vigơlơng, xã Hiếu cho biết thêm: “Củ sâm “bảy lá” đem cắt lát phơi khô rồi ngâm rượu, khi uống có tác dụng làm mát gan, nhuận tràng nhưng nếu lỡ uống quá chén sẽ dễ bị tiêu chảy”. Tuy nhiên, đó chỉ là những kinh nghiệm dân gian, còn về mặt khoa học, loại cây này đến nay vẫn chưa được nghiên cứu về giá trị, tác dụng trong ăn uống, chữa bệnh. Do đó, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, bởi nếu đây là loại cây thuốc quý thì cần sớm có chủ trương bảo tồn, phát triển trước khi bị tận diệt.

Đào bới củ địa liền

Cùng với việc đổ xô vào rừng săn sâm “bảy lá”, hiện nhiều người cũng đang rồng rắn vào rừng thuộc huyện vùng cao Kon Plông (tỉnh Kon Tum) để săn lá cây kim cương (còn có tên khác là lan gấm, kim tuyến liên, lá gấm…) và rừng Chư Prông (Gia Lai) để đào bới, tìm kiếm củ địa liền, bán cho các đầu nậu thu gom, vận chuyển sang Trung Quốc.

Hiện nay trên thị trường thương lái đang thu mua củ địa liền (giống củ gừng) với giá hơn 5.000 đồng/kg. Theo đông y, củ địa liền có tác dụng chữa đau bụng lạnh, nhức răng, chữa dạ dày hoặc đem ngâm rượu để sử dụng bằng cách xoa bóp chữa phù nề, tê thấp, đau nhức.

Trùng Dương 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.