Phụ nữ có nên “phòng thủ”?

27/11/2010 10:14 GMT+7

Chuyện sẽ không có gì nếu hai vợ chồng vẫn hòa thuận, vẫn đầu gối tay ấp... Nhưng đến lúc tình vợ chồng cạn, không ít người lại quay ngoắt 180 độ với nhau và chuyện “của chồng công vợ” càng gay gắt không ngờ.

“Có lẽ khi nghe điều này nhiều người sẽ ngạc nhiên và phản đối: chồng chứ người dưng đâu mà phòng với thủ, nhưng nếu biết “thủ” thì bây giờ tôi đâu phải tay trắng, trong khi tài sản kia đáng lẽ có phần của mình. Tôi đâu ngờ vì tin chồng mà thành ra thế!”, chị Ngọc Tr. (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ngậm ngùi nói.

Sở dĩ có câu chuyện buồn này là do hai vợ chồng vừa đưa nhau ra tòa giải quyết vụ tranh chấp quyền sử dụng ngôi nhà chị từng góp công, góp của. Kết quả, chị không chứng minh được phần tài sản mình đóng góp, và ngỡ ngàng khi nghe chồng thừa nhận ngôi nhà ấy vợ chồng chị chỉ đứng tên giùm người chị ruột của anh (bằng chứng chồng chị đưa ra là mảnh giấy viết tay thỏa thuận giữa anh và người chị).

Phải có những chứng minh hợp lệ

Với trường hợp tranh chấp tài sản thuộc về vợ chồng thì một trong hai bên phải có giấy tờ chứng minh hợp lệ (giấy đăng ký kết hôn, giấy tờ có liên quan...) tài sản đó là của ai, được hình thành trước hay trong hôn nhân dưới góc độ sự đóng góp của mỗi người.

Ở các phiên tòa, bản án thường được đưa ra dựa trên những bằng chứng và giấy tờ hợp lệ hai bên cung cấp.

Luật sư Minh Phú
(Đoàn luật sư TP.HCM)

Theo lời chị Ngọc Tr., chị và anh T.Th. kết hôn năm 2003 sau một tình yêu đẹp thời sinh viên. Vốn tháo vát lại ngoan hiền nên chị Tr. được ba mẹ chồng tin tưởng, giao phó chuyện làm ăn của gia đình cho con dâu quán xuyến. Năm 2004 chị sinh con trai đầu, cùng thời điểm đó anh chị mua một căn nhà ở Q.1, TP.HCM, với giá trên 300 lượng vàng.

Khi mua căn nhà này, ba mẹ chị Tr. cho con gái 70 lượng vàng, ba mẹ anh T.Th. cho thêm một phần, số còn lại hai vợ chồng dùng chính căn nhà mới mua thế chấp để vay ngân hàng. Cuộc sống cứ thế êm ả trôi đến khi chị Tr. phát hiện chồng ngoại tình và mối quan hệ của chị với gia đình chồng trở nên căng thẳng.

Trước tòa, chị Ngọc Tr. chỉ biết trả lời “không” khi thẩm phán hỏi chị có biết việc anh T.Th. - chồng chị - đứng tên giùm người chị để mua căn nhà, và chị có giấy tờ nào liên quan 70 lượng vàng đã trao cho chồng không. “Hồi đó tôi không nghĩ có ngày hôm nay nên lấy đâu ra giấy tờ chứng thực, chẳng lẽ nói với chồng là anh ký giùm em đã nhận 70 lượng vàng của ba mẹ cho”, chị Ngọc Tr. buồn bã.

Phiên tòa kết thúc trên cơ sở pháp lý, quyền sở hữu căn nhà tranh chấp thuộc về người chị chồng. Vợ chồng chị Ngọc Tr., anh T.Th. phải giao toàn bộ giấy tờ nhà cũng như quyền sở hữu cho người chị.

Sau phiên tòa tranh chấp tài sản này, chị Ngọc Tr. và chồng lại chuẩn bị ra tòa để hoàn tất thủ tục ly dị. “Ba mẹ con tôi giờ sẽ bắt đầu lại với cửa tiệm bán quần áo trên phố. Nói thật bây giờ tôi chẳng còn lòng tin nữa. Tôi chỉ biết nói với em gái, những người bạn gái của mình là phụ nữ hãy biết phòng thủ, vì phận đàn bà như hạt mưa sa, may nhờ rủi chịu chẳng biết đâu mà lần”, chị Tr. chia sẻ.

Vợ chồng và tài sản riêng

Trao đổi vấn đề này với nhiều người, chúng tôi nhận được phản hồi sau:

* Chị Ngọc Hà, chủ một tiệm kinh doanh trên đường Quốc Hương, Q.2, TP.HCM:

Tài chính trong nhà đều do tôi nắm giữ nhưng không vì thế mà tôi lơ là. Cuộc hôn nhân của bố mẹ tôi thất bại đã cho tôi bài học. Phụ nữ bao giờ cũng thiệt thòi hơn cả. Vì thế hãy biết phòng thủ bằng nhiều cách khác nhau và tôi chọn cách... mua nữ trang!

* Chị Phương Lan ở Q.9, TP.HCM:

Hai vợ chồng tôi thu nhập không cao lắm, nhưng ngoài những khoản chung tôi vẫn để dành riêng một tài khoản tiết kiệm phòng khi bất trắc. Tất nhiên, chồng tôi không bao giờ biết.

* Anh H. Thịnh, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM:

Phòng thủ là có nghi ngờ, người nào nghi ngờ thì tự làm khổ bản thân và cả người khác... Tôi không biết nói gì khi bị vợ phòng thủ!

* Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM:

Cá nhân tôi biết rất nhiều trường hợp như chị Ngọc Tr. trong khi bào chữa cho thân chủ ở tòa, nhưng chẳng khi nào tôi nghĩ mình sẽ phòng thủ. Sao lại phải phòng thủ với chính người thương yêu mình chứ? Thước đo của luật pháp là một đường thẳng, còn luật pháp của lương tâm là thước đo đường vòng, nếu làm trái với đạo đức sẽ rất khó nhìn nhau...

* ThS xã hội học Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý của Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM:

Nếu nói là phụ nữ nên hay không nên phòng thủ thì chưa đúng, vấn đề ở đây là sự rõ ràng và minh bạch. Trước hôn nhân tài sản nào của ai thì thuộc về người đó... Hôn nhân mà không có lòng tin, ngay cả với hai người yêu nhau cũng khó bền vững nữa là. Khi đã là vợ chồng thì nên tin tưởng nhau.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.