Cuộc chiến với ung thư - Kỳ cuối: Bùng lên ngọn lửa yêu thương

26/11/2010 08:34 GMT+7

Trỗi dậy từ căn bệnh hiểm, người Mỹ Lance Armstrong lừng danh với kỳ tích thể thao và cống hiến lớn lao cho cuộc chiến chống ung thư. Chàng trai Terry Fox, người con của Canada, với quyết tâm sắt đá thực hiện hành trình maratông Hi vọng nhằm lo cho những người đồng bệnh. Chúng ta có nàng tiên Thanh Thúy với ước mơ có nhiều người cùng lo cho các em mang bệnh khó.

Livestrong với Lance Armstrong

Tôi được tham dự một sinh hoạt cạnh Hội nghị ung thư toàn cầu lần 21 tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Livestrong cùng Hiệp hội Ung thư châu Phi và Hội Ung thư Hoa Kỳ tổ chức một tiệc tối để hỗ trợ chiến dịch phòng chống ung thư tại Lục địa đen. Tôi thật xúc động.

Chương trình Sống mạnh (Livestrong) phát huy tích cực hoạt động của quỹ từ thiện Lance Armstrong. Đối diện với bệnh ung thư tinh hoàn, di căn phổi, não mà chưa biết số phận mình, Lance Armstrong thành lập quỹ mang tên mình nhằm đem hi vọng cùng sức mạnh đến với những người mắc bệnh ung thư.

Năm 1993 ở tuổi 22, Lance tham gia đội xe đạp Motorolla. Ba năm sau anh biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Được tích cực điều trị ba năm, Lance trở lại đường đua tạo nên chuyện thần kỳ bằng bảy lần vô địch cuộc đua vòng quanh nước Pháp. Lance sống thật vui, thật ý nghĩa với bao cống hiến và nêu cao niềm tin trong cuộc chiến chống ung thư, chung tay chung sức là tất cả.

Terry Fox và cuộc chạy maratông Hi vọng

Hằng năm Tổng lãnh sự Canada chuyển số tiền quyên góp từ cuộc chạy Terry Fox cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để phục vụ nghiên cứu bệnh ung thư. Tham gia cuộc chạy tôi chỉ bước đi nhanh. Đây là lúc miên man nghĩ về Terry Fox. Ở tuổi 18 bị cắt mất một chân vì ung thư xương vào năm 1977, chàng thanh niên này quyết tâm chạy xuyên đất nước Canada để kêu gọi gây quỹ nghiên cứu chống căn bệnh làm cho Terry biết được bao người thống khổ như mình.

 Hành trình mà Terry gọi là maratông Hi vọng bắt đầu ngày 12-4-1980. Terry chạy 42km mỗi ngày. Sau 143 ngày qua 5.373 km, Terry phải dừng chân vì bệnh trở nặng, đi vào phổi, vài tháng sau lìa đời ở tuổi 22. Trời ơi, làm sao chạy được với một chân mạnh và một chân giả. Người Canada không thể nào quên và cả hành tinh xúc động.

Cuộc chạy Terry Fox hằng năm vào tuần đầu tháng 9 được rất nhiều nơi tổ chức, không chỉ để gây quỹ nghiên cứu mà còn tôn vinh chàng trai cao cả với ý chí sắt thép vì con người.

Có một nàng tiên

Ngày 31-10 vừa qua, Đại hội Hoa hướng dương được tổ chức tại Cung văn hóa Thiếu nhi. Trên sân khấu nhỏ ngoài trời, các bé dễ thương ca múa, hậu cảnh là logo Thúy cười tươi. Các cháu tình nguyện rợp áo vàng tươi rộn ràng xếp hoa hướng dương. Số tiền quyên góp từ việc bán hoa hôm nay dành cho chương trình “Ước mơ của Thúy”. Các tình nguyện viên tuổi đôi mươi hăng say xếp đủ hoa hướng dương cho kịp gửi ra hội hướng dương ở Hà Nội.

Tổng kết ba năm “Ước mơ của Thúy” làm tôi thấy choáng. Ra mắt ngày 22-9-2007, bắt đầu từ khoa nhi Bệnh viện Ung bướu, nay đã lan rộng cả thành phố, rồi lo cho các cháu trong cả nước, Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM rồi đến Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi trung ương. Số lượng cộng đồng ủng hộ, trở thành tình nguyện viên trực tiếp, gián tiếp lên đến hàng vạn người trong và ngoài nước. Đến tháng 9-2010 bà con đóng góp hơn 4,5 tỉ đồng. Như trong mơ, hoạt động lớn mạnh và phong phú. Tình nguyện viên sinh hoạt định kỳ với bệnh nhi hằng tuần, trang trí khoa phòng thành một không gian trẻ thơ: tết, trung thu, giáng sinh. Mừng sinh nhật bệnh nhi hằng tháng. Hội trường bệnh viện thành nhà hát cho các bé: sân khấu kịch Idecaf, Trung tâm Múa rối Nụ Cười, Nhà hát Kịch TP.HCM... đến giúp vui... Nhiều lắm, không kể xiết!

Một bên sân dành cho khách, một bên là người thân cùng các cháu bệnh nhi. Thương quá các bé đầu trọc lóc, da xanh xao, mắt ngây thơ hớn hở theo dõi đội múa nhí, quên bệnh mình rồi. Các cháu không hiểu, còn cha mẹ thì biết sinh hoạt hôm nay là dành cho các cháu, vì các cháu. Nhìn các cháu bệnh, ngắm các cháu múa ca, mê say sinh hoạt của nhóm tình nguyện tuổi đôi mươi, lòng tôi ấm lại, mắt tôi cay cay. Làm sao có được như vầy.

“Ước mơ của Thúy” thành hiện thực được ba năm rồi. Thanh Thúy vừa tròn 20, từ biệt cõi đời vì ung thư xương sau gần năm năm chiến đấu với căn bệnh. Ngộ quá, tôi chưa bao giờ thấy cô bé này rên rỉ, một cái nhăn mặt cũng không. Luôn xinh đẹp, tươi vui. Thúy như không vướng bận chuyện mất một chân, lúc nào cũng mong làm gì cho các em mắc căn bệnh khó. Những ngày cuối vẫn một dáng vẻ vui sống, một niềm tin.

Có lúc Thúy vào cơn mê, chợt tỉnh lại nhoẻn miệng cười: “Cám ơn bác Hùng, các bác sĩ, vài ngày nữa khỏe con sẽ dẫn các em đi chơi”. Trời ơi, lúc này lòng nào mà lo nghĩ vậy. Phảng phất nàng Alice nơi cõi bồng lai, chuyện kể của Lewis Carrol. Thúy từ giã cõi đời là vào tiên cảnh. Từ đây nàng tiên luôn hiện diện cùng các em. Các em nằm ở khoa ung bướu nhi gần cả trăm.

Tôi nhớ lại chính phóng viên Tố Oanh báo Tuổi Trẻ đã thấy được nàng tiên rồi chăm chăm thể hiện ước mơ của Thúy. Thoạt nhìn chỉ thấy một nhà báo nữ bình thường, về lâu tôi càng mến thương và nể phục. Chọn đúng người để giao việc, báo Tuổi Trẻ đã đốt đuốc đầu tiên làm ngọn lửa thương yêu bùng lên trong lòng cha mẹ các cháu, trong con tim các tình nguyện viên, làm nức lòng các nhà hảo tâm, giúp các bác sĩ - điều dưỡng không đơn độc... Nhiều, nhiều thứ ấm lòng nữa.

Còn nhớ hơn 30 năm trước, tôi thường sang khoa ngoại nhi Bệnh viện Nhi Đồng hỗ trợ BS Trần Thành Trai mổ cho các cháu bị bướu. Thương các cháu quá. Khi thành lập Trung tâm Ung bướu TP.HCM năm 1985, chúng tôi dành được 30 giường để gom các cháu lại. Lần đầu tiên các trẻ bị ung thư được chăm sóc theo kiểu ung bướu: không chỉ mổ, cần kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị. Ý tưởng tốt nhưng thực tế các bé, cha mẹ đều nheo nhóc: phòng chật quá! Bác sĩ y tá chóng mặt hoa mắt, người lớn trẻ con đông quá. Khoảng hơn mươi năm trước mới có được khoa nhi khá khang trang, 50 giường cho hơn trăm cháu và cha mẹ! Có một phòng chơi, mỗi tuần chỉ mở cửa được hai ngày. Lo không xiết.

Tôi cứ mong một lúc nào đó mọi người tay trong tay cùng lo cho các bé mắc căn bệnh khó. Rồi Thúy đến, ước mơ của Thúy làm mơ ước của tôi thành hiện thực. Thấp thoáng quanh đây nàng tiên Thanh Thúy. Còn Tố Oanh là cô tiên của các cháu cùng báo Tuổi Trẻ thổi làn gió thương yêu.

Những gì tuyệt vọng nhất là những bài ca hay nhất (Les plus désespérés sont les chants les plus beaux). Có thể mượn câu thơ này của Alfred de Musset để chỉ cuộc đời rất đẹp của Lance Armstrong, chàng trai Terry Fox và nàng tiên Thanh Thúy của chúng ta. Bùng lên ngọn lửa yêu thương!

Theo Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: Xuôi theo dòng chảy
>> Kỳ 2: Từ nơi sâu thẳm của sự sống
>> Kỳ 3: Loài người nặng gánh ung thư
>> Kỳ 4: Tay trong tay, ung thư và bệnh nhiễm
>> Kỳ 5: Trời kêu không dạ
>>Kỳ 6: Bác sĩ ơi, làm sao...  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.