Đi Thái Lan học nghề

25/11/2010 13:50 GMT+7

(TNTS) Trước đây, tôi và nhiều người cứ nghĩ người Thái chỉ giỏi về du lịch giải trí và mua sắm. Đi với họ 2 chuyến famtrip, chuyến đầu khảo sát về homestay, du lịch rừng, du lịch huấn luyện; chuyến sau về du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, tôi mới biết họ làm du lịch kiểu nào cũng giỏi.

Mỗi đoàn famtrip chỉ từ 4-6 người, được chọn lựa từ các công ty tiêu biểu và đều do lãnh đạo văn phòng TAT (Tổng cục Du lịch Thái Lan) tại TP.HCM trực tiếp hướng dẫn. Ở đây có người Việt nói tiếng Thái và người Thái nói tiếng Việt. Văn phòng tại TP.HCM (TAT có văn phòng ở 24 quốc gia) phụ trách luôn các nước Campuchia, Lào, Myanmar. Hỏi sao không mời thêm cho đông vui thì họ bảo: Sợ tốn kém - tốn tiền và kém hiệu quả.

Bản thân tôi học được quá nhiều thứ từ 2 chuyến đi này và quyết định cho cả công ty thay nhau đi Thái Lan học nghề. Đi khắp Thái Lan, tỉnh nào cũng có resort với khu liên hiệp Outdoor training và các trò chơi cảm giác mạnh để lớp trẻ rèn luyện và xả xú bắp.

Bài học đầu tiên là tính chuyên nghiệp và tác phong của giáo viên. Với cách xếp lớp theo trình độ rất độc đáo. Thầy Tien-phụ trách kiểm tra trình độ nghề phát cho mỗi người 1 sợi dây dù 2m, muốn làm gì cũng được. Trong vòng 5 phút, từng người tự làm ra sản phẩm. Người từng tham gia hoạt động dã ngoại sẽ biết thắt vài nút thông thường.

Ở Thái Lan cũng có hàng giả, hàng nhái. Nếu mình giỏi thì không sợ. Các công ty lớn trước khi ký hợp đồng, sẽ tìm hiểu về đội ngũ giáo viên và bằng cấp của người huấn luyện

Dân huấn luyện thì làm những nút dây phức tạp hơn, còn dân thường chỉ biết buộc một cục. Dựa vào kết quả học tập mà thầy xếp lớp và có chương trình phù hợp, thầy không quên dạy những nút dây căn bản dùng để cứu người khi rớt xuống vực, xuốxng giếng, xuống sông, xuống bùn, xuống biển… Lớp chúng tôi, mỗi đợt trên dưới 20 trò nhưng có đến 6 thầy, có thầy là bác sĩ chuyên khoa và đa số là học từ Mỹ về. Nhìn vào tác phong là thầy-trò rõ rệt. Đợt 2, lớp còn được học trực tiếp với giáo viên Mỹ, thầy của các thầy Thái. Thầy bảo nghề này vất vả nên không có cô, các cô chỉ lo việc hậu cần, hành chính. Tôi có đến thăm nhà thầy Wichai, Giám đốc trung tâm huấn luyện Hoàng gia Thái tại ngoại ô Bangkok.

Nhà nằm cạnh khu huấn luyện, ngổn ngang đồ nghề, nhìn là biết ngay đẳng cấp. Con gái thầy mới 10 tuổi, đang chơi ngoài sân, vòng tay chào khách rồi đu dây như Tarzan lên nhà chứ không đi cầu thang. Tôi có trao đổi với thầy Wichai là “Ở VN thường bị ăn cắp nghề. Làm sao giữ được bản quyền, làm sao phân biệt thật giả?”. “Ở Thái Lan cũng có hàng giả, hàng nhái. Nếu mình giỏi thì không sợ. Các công ty lớn trước khi ký hợp đồng, sẽ tìm hiểu về đội ngũ giáo viên và bằng cấp của người huấn luyện”, thầy Wichai cho biết.

Bài học thứ hai là phương pháp dạy. Mỗi buổi chỉ “học vài bài” (tức là chơi vài trò). Bài học vỡ lòng là sự an toàn cho người học. Sự cố sẽ xảy ra khi người học chủ quan, thiếu chuẩn bị, không tập trung hoặc xếp lớp sai. Khu trò chơi phổ thông chỉ cần người hướng dẫn, có thể đông vui, nhưng khu trò chơi chuyên biệt phải có huấn luyện viên và biệt lập để tập trung “ học và hành”.


Ảnh: shutterstock

Trước khi học bắt buộc phải có trò chơi khởi động để tạo sự tin cậy, phải thoải mái và chuẩn bị tâm lý thích nghi. Vào học, thầy hướng dẫn cặn kẽ nội dung, nhắc nhở đảm bảo an toàn rồi trò thảo luận. Không có làm thử vì sẽ triệt tiêu sự sáng tạo. Cả nhóm (lớp chia thành 3-4 nhóm) cứ lần lượt thực hành. Nếu chưa được thì ngồi lại bàn luận, rút kinh nghiệm cho lần kế tiếp. Nếu chưa thành công thì có “mẹ thành công”, chứ không thể thất bại, bởi thất bại đồng nghĩa với bỏ cuộc. Sau mỗi bài học, cả nhóm sẽ lại quây quần trao đổi, đúc kết những bài học cho riêng mình.

Những bài học tiếp theo do người học tự tổng kết và đúc rút kinh nghiệm tùy theo vị trí của mình và tùy theo bài học. Với bài “Đi cầu khỉ ở độ cao 7m không có tay vịn” là lòng tự tin và sự tập trung cao độ. Mới nhìn không ai nghĩ mình có thể làm được. Vừa sợ vừa lo. Sợ vì độ cao chóng mặt. Sợ lỡ trượt chân thì cực kỳ nguy hiểm (thật ra đã có dây bảo hộ an toàn). Lo người Thái cười chê người Việt nhát gan. Tự nghĩ nếu nguy hiểm thì ai dám chơi?

Người ta làm được mình làm được. Nghĩ vậy nên cố hết sức, dang tay như đại bàng, tìm mọi cách giữ thăng bằng rồi lần lượt từng người vượt qua, không ai té ngã. Bài học rút ra - mình giỏi hơn mình tưởng - phải tin ở chính mình - Ở đời có những thời điểm nghiệt ngã, không cho phép sai lầm vì sai lầm là trắng tay - là sạt nghiệp - là chết người! Hoàn tất 2 đợt huấn luyện thầy Wichai ngạc nhiên: “Mười mấy năm trong nghề chưa thấy công ty nào hoàn thành bài học tốt như vậy, từ lãnh đạo tới nhân viên”.

Ở bài học “Đi cầu khỉ hình chữ V trên mặt nước” lại là bài học “Sự tin tưởng tuyệt đối vào partner”. Cứ từng cặp trên cạn, từ dễ đến khó. Khi 2 người chống bàn tay (chứ không phải nắm tay) di chuyển từ đáy hình chữ V tiến dần ra 2 cạnh với khoảng cách xa dần. Nếu sợ, thiếu sự tin cậy vào “đối tác”, chỉ cần nắm tay bạn là mất thăng bằng, mình sẽ rơi xuống nước và kéo bạn theo cùng!

Bài học “Đi cầu khỉ ở độ cao 7m”, không ai nghĩ mình có thể làm được vậy mà ai cũng vượt qua. Còn bài học “Leo lưới chùng lên 7m” mới nhìn cứ tưởng dễ bởi lưới mắt cáo, cứ thế trèo lên nhưng trầy trợt mấy lượt mới tới đỉnh và có người bỏ cuộc. Bài học rút ra: Đừng chủ quan nhìn bề ngoài mà đoán việc khó hay dễ - cứ cố hết sức mình, chắc chắn sẽ làm được.

Các bài học tiếp theo như “vượt tường cao 3,6m bằng tay không”, “chèo thuyền banh trên cỏ”, “chuyền banh tiếp sức bằng ống nước”… cũng đầy lý thú. Mọi người chợt hiểu: ở đâu có nhóm, ở đó có lãnh đạo. Người lãnh đạo phải biết lắng nghe, quyết đoán và phân công hợp lý, phải có sự đồng tâm, hiệp lực để vượt qua thử thách. Với lãnh đạo công ty, đây là dịp để kiểm tra năng lực, tính cách và tố chất lãnh đạo nhóm của từng cá nhân để sắp xếp cán bộ.

Lại nghĩ về VN mà lo. Người người bắt chước nhau, học lỏm vài chiêu trên mạng internet hoặc truyền hình thế là tha hồ nổ. Công ty nào cũng có thể làm Teambuilding, ai cũng có thể làm huấn luyện viên Teamword. Thế nhưng hỏi về sự khác biệt giữa trò chơi vận động và trò chơi lớn - Game show - Teamword, thì ấm ớ hoặc mỗi người tự hiểu theo một cách. Chẳng ai có chuyên môn cụ thể và được đào tạo bài bản. Nhiều người “điếc không sợ súng” hoặc “ếch ngồi đáy giếng” nên cứ vô tư.

Ở Thái Lan và các nước đều có nhiều trung tâm huấn luyện, cũng như việc làm phim phải có phim trường. Còn ở VN, cứ mỗi lần chơi là sắm vật dụng riêng, vừa tốn kém vừa không tận dụng được không gian, vừa khó đảm bảo an toàn và thiếu chuyên nghiệp. Phải đi học thôi, chứ không thể làm đại. Khi bạn đọc những dòng này thì nhóm đầu tiên đã được gửi qua Thái Lan học nghề. Thầy Wichai đã nhận lời làm cố vấn cho công ty về Outdoor training. Sau thời gian thương thảo, ban lãnh đạo khu du lịch Madagui quyết định hợp tác với Lửa Việt xây dựng trung tâm huấn luyện tại VN (Viet Training Center) với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Thái Lan.  Khu du lịch Sơn Tiên thuộc Suối Tiên Group cũng cử đoàn cán bộ lãnh đạo và chuyên gia qua Thái Lan tham gia và tìm hiểu các mô hình dã ngoại của người Thái: Đó là những tín hiệu đáng mừng về loại hình mới dành riêng cho các bạn trẻ và những người thích cảm giác mạnh, khao khát vượt qua chính mình.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.