TP Hồ Chí Minh: Quá tải, "bệnh" nan y!

23/11/2010 14:22 GMT+7

Trong khi bệnh nhi phải vật vờ ngoài hành lang để được điều trị thì tại không ít bệnh viện ở TPHCM người lớn phải xếp hàng giữa khuya để được thăm khám. Hành lang đã trở thành nhà trọ.

Bệnh nhi vật vờ

Bất kể mùa nào, thời điểm nào khoa Hô hấp và Nhiễm thần kinh, Sốt xuất huyết... của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM đều đông nghịt bệnh nhi điều trị. Đó là chưa kể các thời điểm vào “đỉnh” dịch. Theo thống kê của phòng Kế hoạch tổng hợp, hai bệnh viện này mỗi ngày tiếp nhận khoảng 9.000-10.000 bệnh nhân đến thăm khám.

Trong khi đó, tại BV Nhi đồng 1 có 1.200 giường nhưng thời điểm hiện tại luôn dao động khoảng 1.700 đến 1.800 trẻ nằm điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng- Phó GĐ bệnh viện vì lượng bệnh nhi vượt quá cho phép do ở các tuyến đổ về nên nhiều khoa thiếu giường trầm trọng khiến cho 2-3 trẻ phải nằm chung một giường.

Trong khi đó, tại Khoa Ung thư Nhi của BV Ung bướu TPHCM mặc dù chỉ có 50 giường bệnh nhưng lúc nào ở khoa này cũng có 200 bệnh nhi mắc căn bệnh nan y nằm điều trị. Trong khi bệnh nhi phải chen chúc nhau 2-3 em trên một giường và dưới nền phòng bệnh là hàng chục bệnh nhi khác được trải chiếu nằm điều trị, thì ngoài hành lang chỉ rộng hơn 1m là nơi trú ngụ của hàng trăm thân nhân nuôi bệnh khiến cho khoa này luôn quá tải trầm trọng.

“2 tháng kể từ khi con bị ung thư nằm điều trị tại đây là khoảng thời gian vợ chồng em ngủ dưới gầm giường bệnh nhi để trông con”- chị Hà có con bị ung thư nằm tại đây nói. Mọi việc từ ăn uống, pha sữa đến lau rửa… cho đứa con 4 tuổi bị ung thư đều được thực hiện dưới gầm giường.

Người lớn khốn khổ

Để có được tấm thẻ khám bệnh tại BV Ung bướu TPHCM hay BV Đại học Y Dược TPHCM không ít bệnh nhân phải đi đến xếp hàng từ 3-4 giờ sáng. Hành trình có được tấm thẻ đã gian nan thì ngồi để chờ khám, chờ làm các thủ tục xét nghiệm và lấy được kết quả cũng là hành trình đầy thử thách.

Ông Nguyễn Văn Ba, ở Cai Lậy (Tiền Giang) cầm tấm thẻ đợi xét nghiệm từ 6 giờ sáng nhưng đến gần trưa ông vẫn chưa được gọi tên. Ông lên BV Đại học Y Dược TPHCM từ 2 giờ sáng. “Chờ từ lúc đó đến giờ nhưng vẫn chưa biết mình mắc bệnh gì. Bác sĩ bảo phải làm 2 xét nghiệm xong xem kết quả mới biết được”.

Tại BV Ung bướu TPHCM do quá tải trầm trọng nên hơn một năm nay lãnh đạo BV đã cho làm thông tầm và bắt đầu nhận bệnh từ 6 giờ 30 phút sáng nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng quá tải.

Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh- GĐ BV Ung bướu TPHCM, mỗi tháng làm thông tầm bệnh viện giải quyết khoảng 10 nghìn bệnh nhân, nhưng quá tải vẫn rất trầm trọng. Nhiều người không chịu được cảnh chờ đợi và thủ tục rườm rà đã chạy tiền để khám dịch vụ. Không ít bệnh nhân bị “cò” ở BV Đại học Y dược, Chợ Rẫy, Ung bướu “câu” ra phòng mạch tư để khám.

Lãnh đạo BV Đại học Y dược và Chợ Rẫy cho biết nơi đây mỗi ngày tiếp nhận hàng chục nghìn bệnh nhân đến khám, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối nên bệnh viện tuyến dưới chuyển bệnh lên quá nhiều. Trong khi đó một lượng lớn bệnh nhân vượt tuyến cũng khiến cho những bệnh viện này người như nêm.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy ở khu vực điều trị nội trú của các bệnh viện hầu hết đều xảy ra tình trạng quá tải. Công suất sử dụng giường trung bình hiện tăng đến 122%. Theo đó, trong năm 2008, công suất sử dụng giường bệnh của các tuyến trung bình là 122,4%, trong đó các tuyến trung ương quá tải 140%, tuyến tỉnh 125%, tuyến huyện 120%. Sang đến năm 2009, tình trạng quá tải tại tuyến trung ương đã gấp 4 lần, lên đến 285%. Năm 2010 con số này còn gia tăng.

Tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội dường như chưa có dấu hiệu được cải thiện. Tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, trong một buổi sáng số bệnh nhân đến khám lên hàng ngàn người. Khoảng 9giờ 30 phút, từ máy in tự động số thứ tự đến lượt vào mua phiếu khám, đã là 1.568 (số 1 đứng đầu tiên là ký hiệu của bệnh nhân mua phiếu khám dịch vụ), nghĩa là từ sáng đã có 567 trường hợp đăng ký khám dịch vụ.

Khu vực phòng khám của bệnh viện người người la liệt, ken nhau kín đặc từng dãy ghế, nhiều người không có chỗ ngồi thì ngồi bệt xuống dọc hành lang khu vực khám. TS Lê Minh Châu - Phòng khám (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) cho biết ước tính trung bình mỗi buổi sáng chị khám cho khoảng 100 bệnh nhân, đến 12 giờ trưa nếu chưa hết bệnh nhân sẽ chuyển sang khám vào buổi chiều. Khoa Đẻ của bệnh viện này, sự quá tải còn thể hiện rõ hơn.

TS Khu Thị Khánh Dung - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, quá tải vẫn là bài toán khó với bệnh viện. Mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp đón từ 1.200- 2.000 bệnh nhi tới khám và điều trị. Với lượng bệnh nhân quá đông, nên các bác sĩ chỉ có thể khám và tư vấn cho một bệnh nhân trong thời gian khoảng 5- 10 phút, đảm bảo những thông tin điều trị cơ bản nhất đến được với cha mẹ bệnh nhi.

Hiện nay, các khoa phòng đều rơi vào tình trạng quá tải, bệnh nhi phải nằm ghép, ví dụ khoa Tim mạch có 30 giường bệnh nhưng phải điều trị cho 90 bệnh nhân diễn ra thường xuyên, khoa Hô hấp với 50 giường thì có tới 110 bệnh nhi nằm điều trị. Ở khoa Tiêu hóa, có những giường bệnh ghép tới 3 hoặc 4 bệnh nhi.

Thái Hà

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.