Vụ “Tử dược” Mediator: Chậm hay lơ?

22/11/2010 00:54 GMT+7

Báo Thanh Niên số ra ngày 19.11, có bài viết “Tử dược” Mediator vẫn được bày bán! Sau khi báo ra, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý dược phẩm trong nước quá chậm trễ trong việc cập nhật thông tin về những tác dụng phụ gây chết người của thuốc; cũng như rất dễ dãi sau khi nước sản xuất Mediator là Pháp, và các nước châu u, Mỹ đã cảnh báo rất nhiều về tác hại của Mediator và cho ngưng sử dụng loại thuốc này.

Cộng với hãng sản xuất thuốc (Công ty Les Laboratoires Servier, Pháp) chủ động có đơn xin rút số đăng ký đối với Mediator, nhưng Cục Quản lý dược VN vẫn tiếp tục cho bán nốt số thuốc mà một công ty (không phải hãng sản xuất) đã nhập và phân phối Mediator vào VN!

Nhiều người lấy làm lạ, đặt câu hỏi: “Tại sao thông tin về tác hại lên hệ tim mạch của Mediator được rất nhiều quốc gia cảnh báo như thế mà ngành y tế VN lại không hề hay biết; hay là biết nhưng làm lơ để thuốc được tiêu thụ cho hết?”. Thắc mắc như vậy là có cơ sở vì các nước đã cấm sử dụng biệt dược Mediator (có hoạt chất benfluorex) từ cuối năm 2009, nhưng 8 tháng sau, Cục Quản lý dược VN cũng không có quyết định gì; bác sĩ nào đọc được thông tin từ các nước (số này không nhiều) thì ngưng không cho bệnh nhân của mình dùng Mediator nữa, còn bác sĩ nào không biết thì cứ thế kê toa. Và rồi, khi Les Laboratoires Servier có đơn đệ trình lên Cục, thì ngày 30.8.2010, Cục mới ra quyết định cho rút số đăng ký Mediator tại VN.

Xin nhắc lại, Cục cho rút số đăng ký thôi chứ không phải cấm lưu hành Mediator - vì ở điều 2 trong quyết định nói trên, Cục có thòng một câu, các thuốc Mediator sản xuất trước ngày 30.8 vẫn được lưu hành đến hết hạn dùng của thuốc. Thòng câu đó, thực chất Cục ngụ ý rằng, tất cả số thuốc đã nhập vào VN trước ngày 30.8 vẫn được tiêu thụ cho đến khi thuốc hết hạn sử dụng! Nghĩa là cho phép công ty nhập thuốc bán hết số thuốc đã nhập. Động thái đó đã khiến nhiều người phải suy nghĩ rằng, cơ quan quản lý y tế đã xem nhẹ sức khỏe người bệnh. 

 Thị trường mua bán, sử dụng thuốc chữa bệnh ở VN được ví dễ như mua bán bó rau, viên kẹo. Bác sĩ làm dược sĩ; dược sĩ thì làm bác sĩ... Do vậy, nếu việc cơ quan quản lý dược phẩm chậm chạp trong việc công bố những khuyến cáo về tác hại của thuốc sẽ khiến người bệnh phải lãnh đủ những tác hại, bởi họ tự mua, tự sử dụng thuốc. 

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.