Di chỉ khảo cổ 3.000 năm bị san ủi

22/11/2010 23:39 GMT+7

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối 3.000 năm tuổi thời kỳ văn hóa Đông Sơn, nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn chục cây số đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Cách đây một năm, đoàn khảo cổ thuộc trường Đại học KHXH&NV Hà Nội đã khai quật di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) và phát hiện 2 ngôi mộ cổ cùng những di vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Có mặt tại đây trưa 20.11, chúng tôi chứng kiến hai chiếc máy xúc đang nằm “nghỉ ngơi”, bên cạnh hiện trường khoảng 500m2  vừa bị san ủi. Những chiếc máy xúc này thuộc công trường xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, do Tổng công ty CP thương mại xây dựng (VIETRACIMEX) làm chủ đầu tư. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng, 62 tuổi, nguyên Trưởng thôn Lai Xá, lo lắng: “Nếu chính quyền Hà Nội không có văn bản kịp thời giao cho địa phương trực tiếp quản lý, bảo vệ thì khu di tích này chẳng mấy chốc mà bị xóa sổ”.

“Cần phải ngăn chặn ngay”  

Bức xúc về việc di chỉ Vườn Chuối bị san ủi, PGS-TS Nguyễn Lân Cường cho rằng: “TP Hà Nội thừa biết được tầm quan trọng của di chỉ 3.000 năm tuổi này, họ đã hứa dành kinh phí cho công tác khảo cổ khai quật nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Trong khi đó lại xảy ra chuyện san ủi, rõ ràng họ đã vi phạm Luật Di sản. Việc này cần phải ngăn chặn ngay”. 


Khai quật khảo cổ di tích Vườn Chuối cuối năm 2009 - Ảnh: Nguyễn Văn Thắng

Theo PGS-TS Trịnh Sinh, Vườn Chuối được coi là một làng cổ thuộc nền văn hóa Đồng Đậu trong hệ thống văn hóa cổ đại Đông Sơn. Chứng tích của ngôi làng cổ này là tầng văn hóa khá dày. Trong tầng văn hóa có một loạt các dụng cụ của người xưa. Từ năm 1969, cuộc khai quật đầu tiên ở đây đã tìm được 66 hiện vật, gồm: các loại rìu đá chặt cây, đục đá làm nhà sàn, các loại vòng trang sức bằng đá sắc màu lóng lánh, khuyên tai đá ngọc, hạt chuỗi. Có lưỡi câu bằng đồng có ngạnh hệt như lưỡi câu hiện nay, dọi xe chỉ và viên bi bằng gốm. Đặc biệt có những hiện vật là mũi tên làm bằng đá có 3 cạnh, mũi nhọn xương và khá nhiều vết tích xỉ đồng trong tầng văn hóa. Trong cuộc khai quật mới đây vào cuối năm 2009, còn tìm được dấu tích 2 ngôi mộ táng của cư dân Đông Sơn.

“Có lẽ giá trị lớn nhất của Vườn Chuối là một trong những di tích quan trọng để các nhà khảo cổ có những bằng chứng xác định: nền văn minh của người Việt từ nhiều ngàn năm trước thời đại Hùng Vương - An Dương Vương là có thật. Tại Vườn Chuối còn tìm thấy những vết tích của nghề đúc đồng thời cổ đại với nhiều vết than tro. Từ năm 1969, một mẩu than thu lượm ở đây đã được gửi sang CHDC Đức (cũ) phân tích bằng phương pháp các-bon phóng xạ C14 cho kết quả: 3.070 năm ± 100 năm. Như vậy, niên đại làng cổ ở đây là chính xác, hiện vật Vườn Chuối sẽ là chuẩn mực phần nào so sánh với các nơi khác để xác định niên đại”, ông Sinh dẫn giải.

3 lần khai quật

Đến nay, khu di tích Vườn Chuối đã được khai quật 3 lần vào các năm 1969, 2001 và 2009. Kết quả khai quật mới nhất của Đại học KHXH&NV Hà Nội cho thấy 6 gò đất của di tích nằm cùng một khung niên đại tiền Đông Sơn sang Đông Sơn (cách đây từ 2.000 - 3.500 năm). Tầng văn hóa Đồng Đậu còn khá nguyên vẹn với nhiều vật dụng phong phú như rìu đá, trang sức bằng đá, chày bằng đá, vòng đeo tay, khuyên tai bằng các loại đá ngọc, đá đen, một số loại bình gốm, nồi gốm...

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.