Uống rượu bổ, coi chừng bổ... ngửa

17/11/2010 09:43 GMT+7

Theo nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Đáng, có tới 2/3 trong số 1.720 loại rượu được coi là bổ ở VN chưa được khoa học chứng minh tác dụng, chỉ là dân gian truyền miệng.

Ông N.T.V. (50 tuổi, ngụ ở Tây Hồ, Hà Nội) tìm đến thầy thuốc ưu tú Trần Văn Quảng, Hội Đông y VN, trong tình trạng nứt nẻ nặng nề toàn thân, bong da cả mảng ở cùi tay, huyết áp tăng vọt sau một thời gian dài “tẩm bổ” bằng rượu quý!

Rượu bổ... ngửa

Vì nghe mọi người nói nhung hươu rất bổ, tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể ngày thêm tráng kiện, ông V. lùng mua về ngâm rượu. Không ngờ uống rượu ngâm nhung hươu trường diễn khiến ông V. mắc chứng bệnh do thừa máu, huyết áp tăng cao vùn vụt. Tình trạng bệnh quá nặng của ông V. do bị “ngấm” nhung hươu quá lâu khiến các thầy thuốc bó tay. Sau đó, ông V. tử vong do chứng tăng huyết áp bất thường.

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm tiếp nhận 10-15 trường hợp ngộ độc nặng có nguyên do từ việc uống các loại rượu ngâm tẩm từ rễ, lá cây, các loài động vật, côn trùng, bò sát.

Theo bác sĩ Phạm Thị Hường, phó trưởng khoa thần kinh Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, mỗi tháng khoa này tiếp nhận 4-5 trường hợp rối loạn hành vi, nói sảng, co giật... do nghiện rượu. Bác sĩ Hường cho biết tỉ lệ bệnh nhân nặng vì rượu tăng lên trong thời gian gần đây, có trường hợp đã tự tử tại bệnh viện do rối loạn hành vi.

Ông Trần Đáng thông tin thêm qua thống kê ở 21 tỉnh thành, có 372.000 cơ sở sản xuất rượu thủ công, 6.000 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp. Trong số các cơ sở sản xuất thủ công, chỉ 2,5% có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất kiểm soát, rối loạn hành vi; còn lại các trường hợp ngộ độc nặng đều rơi vào trạng thái hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, với những biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải, thậm chí tử vong... Có những trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại những di chứng nặng nề như suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn...

Ông Trần Đáng, người từng chủ trì nghiên cứu về chất lượng rượu tại 21 địa phương ở bảy vùng sinh thái trong cả nước, cho hay có tới 1.720 loại rượu được coi là bổ đã được thống kê ở thị trường VN, như rượu rắn, rượu ngâm bìm bịp, rượu táo mèo, sâu chít, rượu hòa tiết ba ba, tiết rắn; thậm chí có cả rượu ngâm mật cá trắm, ngâm ốc sên nhưng chưa thấy ai nói là tốt, là đúng.

Không phải bổ là tốt

Theo lương y Trần Văn Quảng, gần đây nhiều người cầm những mẩu đơn chép tay hay photo đến các nhà thuốc đông y tìm mua thuốc về ngâm rượu tẩm bổ. Trong những bài thuốc này, ông Quảng gặp rất nhiều trường hợp khăng khăng đó là bài “Nhất dạ ngũ giao” nức tiếng của vua Minh Mạng truyền lại, có tác dụng tăng cường sinh lực, tăng khả năng sinh hoạt tình dục.

Giở một trong những bài thuốc truyền tay này, lương y Trần Văn Quảng chỉ cho chúng tôi thấy trong đó có không ít quế tâm và những vị thuốc tân nhiệt khác, người uống thì thấy rất bốc, khỏe ra bất ngờ. “Rượu vốn được chưng cất từ men rất nóng, lại đắp thêm vào toàn vị “bốc hỏa”, nhiệt gặp nhiệt, thận tinh ngày càng khô kiệt, mất sức, hại người” - ông Quảng lý giải.

Ông Quảng cảnh báo nhung hươu tuyệt đối không dùng cho người trẻ bởi những tác dụng ngược không ai lường hết được. Theo đông y, nhung hươu có tác dụng bổ máu, chủ yếu dành cho đối tượng suy nhược cơ thể, người bị mất máu do sảy thai, băng huyết, sau mổ.

Ngay cả bình rượu tắc kè vốn rất được chuộng và được xếp vào hàng “rượu bổ”, nhưng không nhiều người biết đó chính là kẻ thù của sức khỏe đối với những người thận âm hư, ho suyễn, phong hàn. Với những người uống rượu rắn, lương y Trần Văn Quảng khuyên nên uống có chừng mực, không nên dùng lấy được, do nhiều người có tiền sử uống rượu rắn dài ngày về già da dẻ sần sùi, tế bào da dễ bị phân hủy.

Tất cả những loài bò sát, côn trùng đều tiềm ẩn những yếu tố gây độc, người dùng không nên tùy tiện ngâm tẩm. Những người bị bệnh gan, thận, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường không được uống rượu ngâm, kể cả rượu ngâm các loài động vật quý hiếm. Ông Trần Đáng cho rằng bổ cũng cần liều lượng, chưa có tài liệu khẳng định mật cá trắm độc nhưng có người tham quá uống cả cái mật, dẫn đến viêm ống thận cấp tính và suy thận cấp tính.

Vì sao rượu thuốc lại... độc?

Y học cổ truyền gọi rượu thuốc là tửu dược, bào chế theo phương pháp ngâm kiệt một hoặc nhiều vị thuốc với dung môi là rượu, thời gian ngâm 10-30 ngày là dùng được, mục đích nhằm bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực hoặc chữa bệnh đau nhức gân cốt, tê thấp, liệt dương. Nhưng tại sao rượu thuốc được xem là hiền như vậy lại có thể gây chết người?

* Do rượu độc. Cần phân biệt hai loại rượu chưng cất (rượu trắng) và rượu ủ (rượu vang, rượu nho, rượu táo...), rượu ủ thường tốt hơn nhưng cả hai loại đều có thành phần là cồn etylic. Người uống phải rượu kém chất lượng (rượu chứa cồn metylic) thì tác hại càng nhiều. Ngoài ra, rượu còn lẫn chất andehit gây đau đầu và phá hủy tế bào gan. Hiện nay trên thị trường xuất hiện loại “bột cồn khô” của Trung Quốc, chỉ cần pha thêm nước (có khi cho thêm tí thuốc trừ sâu) sẽ có một loại rượu trong suốt và đủ các nồng độ như ý muốn, giá thành lại rẻ, dễ bán nhưng rất độc hại.

* Do mua nhầm thuốc độc. Người thu hái nhầm các loại rễ cây có độc như lá ngón, mã tiền, hoàng nàn, phụ tử, cà độc dược... phần lớn là dược liệu thuộc bảng độc A, đem về phơi khô rồi bán. Khi thuốc khô và được băm nhỏ, khó ai nhận biết đó là vị thuốc nào thì việc ngộ độc dẫn đến tử vong là 100%.

* Do các chất bảo quản phun trên thuốc. Để bảo quản thuốc phiến, người ta thường sử dụng một số chất độc như lưu huỳnh, chì, kẽm, thạch tín, nhôm, được phun hoặc bôi lên bề mặt dược liệu, nếu mua thuốc về mà ngâm vào rượu ngay thì chất độc khuếch tán rất nhanh, uống vào sẽ bị nhiễm độc.

* Do nấm mốc phát triển trên dược liệu vì bảo quản không đúng quy cách, chính các độc tố sản sinh từ nấm mốc, nhất là aflatoxin, dẫn đến ngộ độc trước mắt, còn lâu dài dẫn đến ung thư gan.

* Do phản ứng hóa học trong rượu. Ai cũng biết rượu là dung môi có thể hòa tan rất nhiều chất có lợi cũng như có hại trong các vị thuốc, trong đó đáng kể là nhóm ancaloit, saponosit ở liều cao gây phá huyết, tanoit gây kích ứng niêm mạc ruột... dễ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh, tuần hoàn và tiêu hóa.

* Do sự tương tác trong thành phần bài thuốc. Theo y học cổ truyền, khi dùng chung các vị thuốc với nhau sẽ xuất hiện sự tương tác. Trong đó có hiện tượng tương phản (tây y gọi là sự đối kháng) giữa các chất có trong thuốc, cũng như khi uống rượu thuốc rồi ăn chung với những món ăn dễ xảy ra sự tương kỵ làm người dùng bị phản ứng ngộ độc gây co giật, sốt cao, bứt rứt, tay chân bải hoải, mất kiểm soát ý thức, đau đớn và sưng phù toàn thân.

Rượu thuốc nghĩa là thuốc để chữa bệnh ở dạng rượu, không phải uống chơi cho vui, cần uống đúng liều lượng so với bản thân. Cũng cần chú ý không uống rượu lúc bụng đói vì nồng độ rượu sẽ lên cao trong máu dễ gây ngộ độc. Người huyết áp cao, viêm loét dạ dày, thần kinh suy nhược không nên uống. Không uống rượu ngâm với thuốc không rõ nguồn gốc, tên tuổi.

Ds Lê Kim Phụng

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.