Đình Kim Liên: trùng tu hay phá cũ xây mới?

11/11/2010 00:22 GMT+7

Các kiến trúc sư và một số nhà bảo tồn đang bức xúc trước việc trùng tu di tích cổng đình Kim Liên, một trong tứ trấn linh thiêng của Hà Nội xưa.


Cổng mới của đình Kim Liên (ảnh trái) và đình Kim Liên cũ

Ngày 15.9.2010 , UBND TP Hà Nội và quận Đống Đa tổ chức lễ gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cho công trình tu bổ đình và đền Kim Liên. Dự án tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích đình Kim Liên có tổng mức đầu tư hơn 36,6 tỉ đồng, được khởi công xây dựng tháng 10.2008, hoàn thành tháng 8.2010, trong đó giá trị xây lắp là 12,15 tỉ, chi phí thiết bị 775 triệu, giải phóng mặt bằng là 20,5 tỉ... chủ đầu tư là UBND quận Đống Đa.

KTS Đoàn Đức Thành (Hội KTS Việt Nam) cho biết: mới đây, khi trùng tu lại, người ta đã phá bỏ cổng cũ và đổi hướng cổng đình không đúng hướng cũ. Đình Kim Liên vốn có cổng là hai trụ biểu được người xưa nâng lên một trình độ nghệ thuật cao, các chi tiết biểu tượng rất hợp lý, tỷ lệ hài hòa chung nên hình dáng đẹp, từ lâu đời đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân ta. Nhưng trong lần tu bổ này không hiểu vì sao người ta bỏ cổng có hai trụ biểu này đi, đổi hướng nhìn ra đường phố chính, thay thế bằng một cổng mới theo kiểu tam quan chùa Láng.

Theo tôi, việc xây mới nghi môn và bình phong di tích đình Kim Liên chính là việc hủy hoại một phần di tích này

KTS Lê Thành Vinh
Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích

“Có thể nói, người tu bổ di tích hiện nay rất lười nghiên cứu về mặt thiết kế, nên họ cứ sao chép một mẫu tam quan nào đẹp rồi nhân lên để áp dụng trùng tu cho nhiều di tích khác. Điều đáng nói là cái tam quan đình Kim Liên vừa trùng tu này quá lớn, không tỷ lệ với quy mô và không gian ngôi đình vốn khiêm tốn ở bên trong. Người thiết kế tam quan không thật sự am hiểu kiến trúc cổ truyền, cóp nhặt các biểu tượng mỗi nơi một ít, chắp vá vào bốn hàng cột và trên nóc của ba mái tam quan. Họ không làm theo quy ước truyền thống, chi tiết ôm đồm, rườm rà. Biểu tượng rồng chầu mặt nguyệt từ bao đời nay ông cha ta chỉ đặt trên nóc tòa chính điện để trang trọng, không bao giờ đặt trên nóc tam quan như ở đây”, ông Thành nói.

Để tìm hiểu thêm, PV Thanh Niên đã gặp KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (nơi vừa được giải thưởng quốc tế về trùng tu đình Chu Quyến).

KTS Vinh cho biết: cổng đình Kim Liên trước khi tu bổ còn nguyên 2 trụ, hai bên có 2 cổng con với đầy đủ chi tiết kiến trúc cổ, vì đây là nghi môn ngoại (cổng bên ngoài) nên cổng phải thoáng mở, rồi mới đến cổng bên trong (nghi môn nội) dẫn vào đền chính di tích. Ngoài cổng đình có một bình phong cổ mang nét kiến trúc rất riêng. Khi trùng tu mới đây, toàn bộ nghi môn ngoại và bình phong của di tích đình Kim Liên bị phá bỏ để xây một cổng tam quan mới gồm 4 trụ và 5 lối đi cùng việc xây một bình phong mới. “Tôi không hiểu sao việc phá bỏ để xây mới cổng đình Kim Liên - một di tích lịch sử quan trọng lại có thể xảy ra giữa thủ đô như thế này. Cổng mới xây lại sao chép hình dáng kiến trúc của cổng chùa Láng và thu nhỏ đi. Việc thay đổi này đã làm mất bản chất một phần di tích.

KTS Vinh còn dẫn ra nhận xét của một nhà khoa học về bảo tồn di tích cho rằng chiếc cổng mới xây ở đình Kim Liên cho thấy người xây dựng không am hiểu sâu về kiến trúc của đình, chùa cổ khi mái tam quan mới xây lại gác ngang ngay vào trụ “thông tam giới” thiên-địa-nhân là điều mà người xưa rất kỵ.

Đình có từ thời vua Lý Thái Tổ

Đình Kim Liên có từ thời vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, là di tích lịch sử văn hóa có giá trị đặc biệt của thủ đô đã được công nhận xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1990. Đình Kim Liên được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian là một người con của Lạc Long Quân và u Cơ, sau theo mẹ lên núi). Tấm bia đá đặc biệt cao 2,34m, rộng 1,57m, dày 0,22m là di vật quý giá nhất hiện còn lưu giữ ở đền, trên có khắc bài tựa Cao Sơn Đại vương thần từ bi minh do sử thần Lê Tung soạn năm 1510. Trong đình Kim Liên còn có 39 đạo sắc phong, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng, 13 đạo thời Nguyễn, sớm nhất là sắc niên hiệu Vĩnh Tộ 2 (1620). Cùng với trấn Đông (đền Bạch Mã), trấn Bắc (đền Quán Thánh), trấn Tây (đền Voi Phục), trấn Nam (đình Kim Liên) hợp thành “Thăng Long tứ trấn”.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.