Những thanh niên Việt trong đội quân tình nguyện bảo vệ Moscow

06/11/2010 15:32 GMT+7

Vừa qua, các phương tiện truyền thông Việt Nam phản ánh rất sinh động cuộc giao lưu giữa Tổng thống Nga Medvedev với các thế hệ sinh viên Việt sử dụng thành thạo tiếng Nga.

Trước chuyến thăm cũng như cuộc giao lưu nêu trên vài ngày, Đài truyền hình trung ương Nga Rossia 1 phát sóng bộ phim tư liệu mô tả sâu lắng sự hy sinh thầm lặng của 5 thanh niên Việt Nam trong đội quân tình nguyện quốc tế bảo vệ Moscow giai đoạn 1941-1942, sát cánh cùng Hồng quân chống  phát xít Đức.

Theo đó, mùa thu năm 1941 tại sân vận động Dinamo ở Moscow, trung đoàn quốc tế đặc biệt thuộc quân đội Xô Viết (OMSBON) đã được thành lập, trong  biên chế đơn vị có 5 thanh niên Việt Nam  anh dũng chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ quốc tế từ Tây Ban Nha, Ba Lan, Bulgari, Tiệp… Phải chờ tới những năm 80 của thế kỷ 20, trang sử bí mật ấy mới được hé lộ: năm 1985, Liên Xô đã truy tặng huy chương “40 năm chiến thắng của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945” cho 5 chiến sĩ tình nguyện ấy. Hơn một năm sau, ngày 12.8.1986, họ được truy tặng huân chương “Chiến tranh vệ quốc” hạng nhất. Đây là phần thưởng cao quý nhất dành cho những người có công bảo vệ đất nước Liên Xô.

Tham khảo tư liệu đã được công bố thời gian qua, các thế hệ đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh rất tự hào rằng những thanh niên ấy cũng chính là những đoàn viên đầu tiên của tổ chức Đoàn.

Tháng 6.1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra Hội Cách mạng thanh niên Việt Nam (trước đây gọi là “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”), tổ chức tiền thân của Đảng ta. Trường huấn luyện chính trị do chính Người chủ trì cùng các cộng sự Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn... thu hút nhiều lớp thanh niên Việt Nam yêu nước.


Các ông Nguyễn Bá Anh, Nguyễn Đình Hoàng, Nguyễn Huy Hoàng và mẹ con bà Phượng (bên phải) viếng mộ ông Lý Phú San và bà Đặng Thị Loan tại Nga - Ảnh: Điệp Anh

Với cương vị là người theo dõi phong trào cách mạng các nước châu Á, Bác Hồ biết được lúc bấy giờ ở đông bắc Thái Lan có nhiều đồng bào ta sang trú chân để tránh bị thực dân Pháp khủng bố. Họ là những người yêu nước từng tham gia hoặc ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp do các sĩ phu lãnh đạo. Họ luôn canh cánh trong lòng tinh thần phục quốc, mở trường học cho con em, mời các nhân sĩ  từng “Đông du” ở Nhật về dạy.

Mùa hè năm 1926, Bác Hồ, lúc này mang bí danh là Lý Thụy cử đồng chí Hồ Tùng Mậu trở lại đông bắc Thái Lan chọn một số thiếu niên con em các gia đình yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên Cộng sản đoàn. Đến Thái Lan, ông Mậu liên lạc được với cụ  Đặng Thúc Hứa, một sĩ phu chủ chốt trong “Quang Phục hội”. Việc lựa chọn được thực hiện rất thận trọng. Nhóm 8 thiếu niên đầu tiên người Việt từ đông bắc Thái Lan đến Quảng Châu rất sung sướng, vui mừng được gặp ngay đồng chí Lý Thụy.

Để đảm bảo  nguyên tắc bí mật, tất thảy được thay đổi danh tính và cùng lấy theo họ Lý, gồm: Lê Hữu Trọng đổi tên là Lý Tự Trọng; Đinh Chương Long là Lý Văn Minh; Vương Thúc Thoại  là Lý Thúc Chất (có lúc đọc là Chắt); Hoàng Tự là Lý Anh Tự (có lúc đọc lệch là Tợ); Ngô Trí Thông là Lý Trí Thông; Ngô Hậu Đức là Lý Phương Đức (nữ); Nguyễn Thị Tích là Lý Phương Thuận (nữ); Nguyễn Sinh Thân là Lý Nam Thanh. Toàn bộ 8 thiếu niên được bố trí vào học tại trường Trung học Trung Sơn (Quảng Châu). Qua thử thách trong đấu tranh thực tiễn, họ lần lượt được kết nạp vào Đoàn. Một số đoàn viên trong nhóm này tìm được cách sang Liên Xô tiếp tục học tập theo chủ trương của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 4.1941, quân  phát xít Đức tiến sát thủ đô Moscow trong Đại chiến thế giới lần thứ 2. Trong biên chế trung đoàn quốc tế  đặc biệt  thuộc  quân đội Xô Viết (OMSBON) có 5 thanh niên Việt Nam từng được Bác Hồ bố trí sang Liên Xô để học ở các trường Đại  học Phương Đông, Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trường Quốc tế Lê-Nin từ khoảng 1930. Đó là Vương Thúc Tỉnh, Lý Nam Thanh (tức Nguyễn Sinh Thân), Lý Anh Tạo (tức Hoàng Phan Tư), Lý Thúc Chất (tức Vương Thúc Thoại) và Lý Phú San (tức Lê Phan Chiến). Qua các trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, trong số đó, 4 người đã anh dũng hy sinh trên mặt trận bảo vệ Moscow. Riêng ông Lý Phú San, do sức khỏe yếu, được phân công làm việc ở quân y viện nên còn sống. 

Chủ tịch Hội Hữu nghị liên bang Nga với Việt Nam Evgheni Pavlovich Glazunov là một trong những người đã cố gắng tìm hiểu tư liệu liên quan đến những người lính tình nguyện Việt Nam tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô. Điểm khởi đầu là cuốn hồi ký của vị tướng người Bulgaria tên là Ivan Ivarov, Chính ủy trong đội quân tình nguyện quốc tế ở Moscow, được phát hành bằng tiếng Nga vào cuối những năm 1970, có nhắc đến những chiến sĩ người Việt. Nhân vật sống sót duy nhất - ông Lý Phú San, về Việt Nam năm 1956 và sau đó công tác tại Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Ông San qua đời năm 1980. Con gái duy nhất của ông - bà Lê Thị Phượng, định cư ở Nga, lập mộ phần của cha mẹ mình tại nghĩa trang Michino thuộc Moscow.

Năm 2005, nhân Kỷ niệm lần thứ 60 ngày chiến thắng phát xít, ông Vladimir Flyazlienkov, tùy viên báo chí Đại sứ quán Liên bang Nga tại Hà Nội đã có bài viết ghi nhận công lao của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Sáu mươi năm trôi qua kể từ ngày chiến thắng trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, vào những ngày này, hết thảy tiếng nói đều nhắc nhở về những gì liên quan đến chiến tranh: đau khổ và thất vọng, thảm họa và đọa đày, thông cảm và thương xót, niềm tin và hy vọng, lòng trung thành với Tổ quốc, sự vui mừng chiến thắng... Trong ngày lịch sử trọng đại đó, chúng tôi nhớ về các chiến sĩ Việt Nam. Bốn  người trong số đó đã gan dạ hy sinh trong các trận chiến bảo vệ Moscow”. 

Trung Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.