Chảy vào lòng đại dương

03/11/2010 08:26 GMT+7

L’oceans? C’est quoi l’oceans?" (Ðại dương? Ðại dương là gì?). Ðứng trước một vùng nước thẳm xanh huyền bí, một chú bé tần ngần tự hỏi.

Ðại dương (*) mở đầu như thế và đi tìm câu trả lời qua một cuộc phiêu lưu khắp các vùng biển của năm châu lục. Bộ phim gần như không có thoại và thuyết minh, thay vào đó là đầy ắp hình ảnh kỳ vĩ và rợn ngợp từ phía xa của những đại dương mà mắt ta chỉ thấy mênh mang như vô tận.

Ðại dương là loài cá cờ biển kiêu hùng trong nước xanh của vùng Mujes (Mexico), loài kỳ nhông suy tư dưới biển đảo Fernandina (quần đảo Galapagos), loài bò biển (dugong) trầm tĩnh trên bụi bùn của đại dương vùng Marsa Alam (Ai Cập), loài cá mập khổng lồ (requin pèlerin) được coi là sinh vật có kích thước lớn thứ hai trong tự nhiên dưới đáy sâu của vùng đảo Ile de Man tại Grande Bretagne (Pháp). Những hình ảnh kỳ bí hút mắt người xem, họ khó có thể biết mình đang ở dưới làn nước xanh của nơi đâu.

Ðại dương cũng là hàng trăm con sứa vàng khổng lồ nở rộ như những cánh hoa, là hàng nghìn chú rùa xanh đang lao mình từ bãi biển, là cả vạn chú cá sòng hay tôm đỏ quây lại thành những quả bóng khổng lồ giữa xoáy nước. Ðại dương cũng là những pha săn mồi trong chớp mắt của các loài chim biển với bầy cá, rùa và rắn; hoặc là cuộc chiến rất cam go của hai chú cua; có khi là những hình ảnh trìu mến của sư tử biển mẹ đang ôm con dưới làn nước xanh. Người xem được bơi với tốc độ 10 dặm/giờ theo đàn cá ngừ đang đuổi mồi, được ngụp lặn săn cá rồi bay vút lên cùng những chú ó biển háu ăn, bị hòa lẫn giữa bầy cá mặt trăng đang tỏa ra các hướng.

Tất cả là một sự kết hợp tuyệt vời của màu sắc, âm thanh và kỹ xảo. Ðoàn làm phim mất hơn bốn năm để quay những thước phim đó. "Khi xem phim, bạn sẽ hiểu vì sao chúng tôi cần ngần ấy thời gian" - đạo diễn Jacques Cluzaud nói trước buổi chiếu đầu tiên của phim này tại Liên hoan phim quốc tế VN.

Nhưng nếu chỉ dừng lại như thế thì Ðại dương chỉ là một bản phim đẹp đẽ đơn thuần.

Ðại dương trở mình bằng những hình ảnh bi thương về cái chết của những sinh vật biển dưới bàn tay con người. Những tấm lưới khổng lồ được giăng ra từ những chiếc thuyền đánh cá. Cá voi, cá mập, những sinh vật biển kiêu hùng nhất, vẫy vùng rồi giãy giụa trong sự bủa vây của con người. Không loài vật tàn ác nào có được khả năng tàn ác của con người. Những chiếc vây được cắt rời từ thân cá mập, phơi trắng lên những chiếc thuyền đánh bắt. Những con cá mập đã cắt hết vây bị vứt bỏ, rơi xuống đáy biển, sẽ chết dần trong đau đớn...

Những hình ảnh này cũng gợi nhớ The cove (Bờ vịnh, 2009) - bộ phim tài liệu của Mỹ ghi lại việc thảm sát cá heo tại thị trấn Taiji, thuộc tỉnh Wakayama, Nhật Bản.

Sau tất cả những cuộc thảm sát đó, liệu con người sẽ bị trừng phạt đến đâu? Những dòng sông đổ ra biển lớn mang theo ô nhiễm và rác thải từ khắp nơi đang bóp nghẹt khí biển. Những mạch máu chảy về biển đang biến thành máu độc. Người xem có thể bị ám ảnh bởi hình ảnh quanh đi quẩn lại của những con thuyền trong sóng bão. Cho dù to lớn đến đâu chúng vẫn quá nhỏ bé so với lòng biển. Ðại dương đã bao dung, hiền từ với con người. Nhưng chính đại dương cũng có thể nổi giận bất kỳ lúc nào!

Về gần cuối phim, cũng chính chú bé với câu hỏi đầu tiên xuất hiện. Nhưng lần này chú đi trong một bảo tàng biển. "Disparu. Disparu. Disparu..." (đã biến mất, đã biến mất, đã biến mất...); từng tiếng nói nhắc nhở khi chú đi qua những hình tượng cá và thú biển đã tuyệt chủng trên hành tinh, rồi dừng lại trước một bể nuôi những loài cá đang còn sót lại.

Ðại dương chỉ như một bể cá hay là những thước phim tài liệu ta đang xem?

Liệu có một ngày đại dương kiêu hùng đó thật sự nổi giận?

Theo Tuổi Trẻ

(*) Oceans (Ðại dương) - phim tài liệu của các đạo diễn Jacques Perrin và Jacques Cluzaud (Pháp) - được chiếu tại Liên hoan phim quốc tế VN lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội. Có thể đặt mua các bản DVD, Bluray và VOD của phim qua các trang bán hàng điện tử, bản DVD có giá khoảng 10 euro tại Pháp và khoảng 19 USD tại Bắc Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.