Phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đại học

01/11/2010 23:20 GMT+7

Bên lề kỳ họp Quốc hội (QH) thứ 8, GS Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của QH đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về giáo dục đại học (ĐH).

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua cho thấy có 5 chỉ tiêu không đạt được đều liên quan đến vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục. Ví dụ, đối với giáo dục ĐH, QH thống nhất thông qua chỉ tiêu đến năm 2010 nước ta phải đạt tỷ lệ 200 sinh viên (SV)/10.000 dân.

 
Ảnh: Ngọc Thắng

Mục tiêu đó có đúng không so với điều kiện thực tiễn của nước ta? Thực tế cho thấy có dấu hiệu chạy đua để đạt số lượng. Quy mô trường ĐH, CĐ tăng quá nhanh trong khi chất lượng đào tạo lại yếu kém. Vì vậy đã đến lúc QH cần đặt ra chỉ tiêu thực tế, đảm bảo yêu cầu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

 * Xin ông nói rõ hơn vì sao phải chọn giải pháp giảm tỷ lệ SV/vạn dân trong khi nhu cầu được học ĐH, CĐ của người dân vẫn rất lớn?

- Vì kết luận giám sát của QH về giáo dục ĐH đã nêu rõ rằng quy mô vượt quá năng lực đào tạo. Tuy nhiên, nên giảm dần chứ ngay một lúc sẽ gây sốc, giảm đến mức số SV được tuyển vừa vặn, phù hợp với điều kiện đào tạo. Chưa nói đến điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giảng dạy, chỉ tính chi phí của ngân sách nhà nước dành cho SV hiện nay 6 triệu đồng/SV/năm học là quá thấp so với nhu cầu. Số kinh phí đó chỉ bằng 1/100 của những nước tiên tiến. Trên thực tế do số SV vượt quá chỉ tiêu nên hiện nay kết quả giám sát của chúng tôi cho thấy SV chỉ được hưởng khoảng 2,5 triệu đồng/năm. Như vậy làm sao mà đào tạo chất lượng được. Trước mắt, Bộ GD-ĐT phải xác định chỉ tiêu cho từng trường cụ thể đến bao nhiêu là vừa và tuyển cho đúng so với chỉ tiêu đó.

 
Chen chúc nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 là một trong những hình ảnh thường diễn ra ở các kỳ tuyển sinh - Ảnh: Đ.N.T

 *Không ít trường dạy nghề cũng lo lắng vì việc mở trường ĐH ồ ạt và không kiểm soát đầu vào khiến cho các trường khó tuyển sinh, vì vậy không giải quyết được tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”?

- Tôi không đề cập đến việc phải giảm tỷ lệ SV vào các trường ĐH vì nguyên nhân “thừa thầy thiếu thợ” bởi trên thực tế chúng ta đang thiếu cả thầy lẫn thợ. Chỉ có điều thợ thiếu nhiều hơn, và giảm chỉ tiêu tuyển sinh ĐH sẽ giúp tăng tỷ lệ học nghề, học trung học chuyên nghiệp

Quy mô trường ĐH, CĐ tăng quá nhanh trong khi chất lượng đào tạo lại yếu kém.

GS Đào Trọng Thi

Vấn đề mà tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải tính toán để giảm chỉ tiêu học sinh vào trường ĐH sao cho đạt được 2 yêu cầu đặt ra: Đáp ứng được quy mô đào tạo ở mức tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo lực lượng chúng ta đào tạo có đủ chất lượng, hiệu quả để phục vụ đất nước, xã hội. Bài toán quy mô và chất lượng phải đặt ra là vì như vậy.

* Thưa ông, vừa qua dư luận cũng tỏ ra rất lo ngại về việc tuyển sinh ồ ạt của những trường ĐH mới mở, điểm tuyển sinh đầu vào quá thấp. Ý kiến của ông về điều này?

- Thực ra nếu chúng ta có điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đảm bảo thì nên mở rộng cánh cửa vào ĐH. Ở các nước phát triển, điều kiện đào tạo tốt, các trường không gắt gao đầu vào mà nhấn mạnh đến quá trình học tập. Nếu chúng ta đảm bảo được chất lượng đào tạo như vậy thì mới nên mở rộng đầu vào để nhiều thanh niên được có cơ hội học tập hơn. Đó cũng chính là hướng đi mà chúng ta cần hướng đến.

Chúng ta hiện nay phải làm kỳ thi tuyển sinh gắt gao để sàng lọc chẳng qua vì chưa đủ khả năng đảm bảo tiếp nhận các em chứ không phải vì đáp ứng đủ yêu cầu của xã hội đâu. Bởi vậy, tôi cho rằng “thả cửa” đầu vào hay không không quan trọng bằng năng lực đào tạo của các trường ĐH trên cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên.

* Cảm ơn ông!

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.