5 cô gái bảo vệ môi trường

01/11/2010 22:42 GMT+7

Những nông dân ở P.Trường Lạc, Q.Ô Môn, TP Cần Thơ sẽ không sao quên được 5 cô gái trẻ là sinh viên ngành Hóa học trường ĐH Cần Thơ đã giúp bà con xây dựng mô hình quản lý bao bì rác thải thuốc bảo vệ thực vật.

Ý tưởng xuất phát từ Phạm Thị Phương Thảo – thủ lĩnh của nhóm. Theo Phương Thảo, mỗi lần sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), người dân thường vứt ngay bao bì ngoài ruộng. Nhiều hộ gia đình cũng có ý thức nhưng bảo quản chưa an toàn nên đã gây tác động xấu trực tiếp và lâu dài đến môi trường. “Tôi muốn nâng cao ý thức nông dân trong việc quản lý bao bì rác thải thuốc BVTV. Hạn chế tối đa dư lượng thuốc trên đồng ruộng góp phần bảo vệ sức khỏe con người”. Phương Thảo nói.

Còn theo Đặng Thị Huỳnh Thư thành viên của nhóm, dự án như một “phát súng” đầu tiên gây hiệu ứng chung về vấn đề bảo vệ môi trường. Mỗi bao thuốc còn sót lại trong môi trường chứa một dư lượng thuốc nhỏ. Nhiều dư lượng nhỏ tích tụ sẽ làm nên dư lượng lớn gây hại cho môi trường. Nhiều hộ dân biết việc quăng rác bừa bãi là độc hại nhưng họ không biết cách xử lý sao cho phù hợp nên đã để mặc chúng. Huỳnh Thư chia sẻ: “Chúng tôi muốn giúp người nông dân hiểu rõ, hiểu đúng và hướng dẫn họ cách xử lý, bảo quản bao thuốc độc hại”.

 

5 SV giúp nông dân ở Q. Ô Môn, Cần Thơ bảo vệ môi trường - Ảnh: Tuyết vân

Qua 8 tháng, dự án xây dựng mô hình quản lý bao bì rác thải thuốc BVTV đã thành công. Dự án được thực hiện thí điểm ở 3 xã Tân Xuân, Tân Bình và Tân Hưng P.Trường Lạc, Q. Ô Môn, TP Cần Thơ. Trên 468 hộ sản xuất nông nghiệp với 322 ha đất làm lúa đã tham gia. 5 cô gái đã tổ chức các buổi hội thảo và tập huấn, phát động phong trào thu gom và xử lý, tổng kết dự án.

Phạm Thị Thanh Uyên tâm tư: “Ngày tổ chức hội thảo mưa tầm tã từ sáng đến chiều nhưng  nông dân vẫn đội mưa đến nghe. Có lẽ đầu xuôi chắc đuôi cũng lọt”. Với 3 buổi hội thảo và 5 buổi tập huấn, nhóm đã hướng dẫn cách sử dụng đúng và hiệu quả thuốc BVTV. Thanh Uyên cho biết: “Người dân thường lấn cấn trong việc lưu trữ và bảo quản bao bì thuốc BVTV. Thật sự việc này rất đơn giản. Chỉ cần ngâm chúng vào nước có pha tro. Nước tro sẽ phân hủy các độc tố còn sót lại trong bao bì. Chờ một vài ngày sau, người nông dân mang số bao bì trên đến công ty thuốc BVTV đổi lấy quà”. Những cuốn tập trắng, hộp bút bi, sách, bánh, kẹo... tuy không có giá trị vật chất to lớn nhưng góp phần thúc đẩy người dân cất giữ bao thuốc và trả về cho công ty thuốc BVTV.

Điểm lại thành quả đã làm được, Uyên cho biết: “Ở giai đoạn đầu người dân còn cảm thấy mới mẻ và chưa mạnh dạn tham gia. Nhưng chỉ sau 3 tháng phát động phong trào thu gom và xử lý thì nhà nhà đồng tâm tham gia”. Dự án tiến triển suôn sẻ vì nhận được sự hỗ trợ từ phía địa phương và doanh nghiệp.

Trần Thị Thanh Thúy, thành viên cuối cùng của nhóm chia sẻ: “Nhiều đứa trẻ ở vùng quê khi nhận được những quyển tập trắng đã rất thích. Khi biết có chương trình đổi bao rác lấy quà là chúng chạy ngay ra đồng, thu nhặt bao rác về. Một đứa, hai đứa rồi tất cả mọi người cùng làm”.

5 cô gái trẻ thực sự trưởng thành hơn vì họ đã có 6 tháng dầm mưa dãi nắng cùng bà con nông dân. “Tôi đã biết đi cầu khỉ, biết làm ruộng, gặt lúa..., biết được nỗi khó nhọc của người nông dân. Dự án nhìn có vẻ đơn giản nhưng vận động bà con thực hiện là cả một vấn đề, nhất là phải giúp họ thay đổi nhận thức”, Thanh Thúy chia sẻ.

Kết quả dự án đạt được:

- 90% số hộ dân tham dự hội thảo.

- 88% hộ dân tham gia xử lý sơ bộ và cho rằng việc xử lý không hề gặp khó khăn.

- 95% số hộ tham gia tập trung thu gom và các hộ đều cho rằng thời gian và địa điểm thu gom đều phù hợp.

- 100% hộ dân đều ủng hộ dự án tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

- Chi cục BVTV TP Cần Thơ và các công ty thuốc BVTV hứa hẹn sẽ tiếp quản và tiếp tục hỗ trợ dự án. Lượng rác thải thuốc BVTV hầu như không còn trên các cánh đồng P.Trường Lạc.

Tuyết Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.