Tham nhũng không giảm sẽ làm mất dần niềm tin

29/10/2010 03:09 GMT+7

Hầu hết đại biểu (ĐB) QH khi góp ý các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng tại phiên thảo luận tổ sáng 28.10 đều dành sự quan tâm đặc biệt để “mổ xẻ” vấn nạn tham nhũng hiện nay.

"Thấy tất cả nhưng không có biện pháp...?"

ĐB Nguyễn Thành Tâm (TP.HCM) cho rằng các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng đã chỉ ra nguy cơ tụt hậu về kinh tế của đất nước có liên quan tới nạn tham nhũng. Đảng cũng đánh giá là chưa ngăn chặn được quốc nạn này. Trong khi đó, thiệt hại từ nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng với việc các vụ tham nhũng, lãng phí sau đều cao hơn trước nhiều lần. “Nhà nước có các công cụ để phòng, chống tham nhũng như thanh tra, kiểm toán, nhưng hoạt động của các cơ quan này còn thiếu hiệu quả. Bản thân các cơ quan này cũng có những vụ việc tham nhũng thì làm sao người dân còn niềm tin vào cơ quan nhà nước”, ĐB Tâm trăn trở.

Ông Tâm đề nghị cần có cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với những người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát. Cùng với đó là việc trao quyền tự chủ được cụ thể hóa bằng luật, văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý và quyền lực thực sự cho lãnh đạo, tránh tình trạng lỗi tập thể, trách nhiệm tập thể.

ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cho rằng: “Vụ Vinashin là một trường hợp quá điển hình. Vấn đề đặt ra là vai trò lãnh đạo của Đảng ủy cơ quan này như thế nào? Tại sao năm nào cũng thanh tra, kiểm toán, kiểm tra mà vẫn có tình trạng mất dân chủ, đầu tư lãng phí, thất thoát?”. Trong việc giải quyết hậu quả của Vinashin, theo bà Hồng, cũng có vấn đề: “Đảng ủy, bộ máy lãnh đạo họp bàn như thế nào để đề cử một người lên làm tổng giám đốc, có chữ ký của Thủ tướng, rồi sau đó 1 tuần, 1 tháng lại bãi chức, bắt giam vì phạm pháp. Rõ ràng, công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ có vấn đề”.

ĐB Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) “mổ xẻ”: "Tình trạng thất thoát tài sản ở các tập đoàn, tổng công ty có phần lỗi xuất phát từ việc không có luật về quản lý tài sản và vốn của Nhà nước, mặc dù đây là vấn đề ĐBQH đề xuất xây dựng từ lâu, nhưng đến nay vẫn không thực hiện". Theo ĐB Tân: “Chính phủ trao rất nhiều quyền cho người lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng lại thiếu một cơ chế, hành lang pháp lý để quản lý kinh tế, dẫn đến thất thoát tài sản, và trong tương lai có thể còn có những vụ Vinashin khác”. Ông Tân đề nghị cần xây dựng một cơ chế quản lý kinh tế sao cho các thành phần được bình đẳng.

Nhiều người giàu lên một cách không chính đáng

Ngoài nội dung tham nhũng, một số ĐB cũng bày tỏ lo ngại trước khoảng cách giàu - nghèo chênh lệch ngày một lớn giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng với miền núi. ĐB Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) nhận xét: chúng ta đề ra mục tiêu thu hẹp khoảng cách thu nhập nhưng thực tế những năm qua cho thấy khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn giữa thành thị và nông thôn, miền núi và miền xuôi.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng cho rằng, hiện khoảng cách giàu - nghèo đang ngày càng rõ ràng, một lực lượng giàu lên vì cơ hội chính sách, cơ hội đầu cơ bất động sản, chụp giật và giàu lên một cách không chính đáng. Để giải quyết vấn đề chênh lệch khoảng cách giàu - nghèo, bà Loan đề nghị cần bắt đầu từ việc xem xét lại các vấn đề phát triển đô thị theo hướng có sự phát triển cân đối giữa các TP; tập trung đô thị hóa nông thôn.

Nguyệt Minh - Thành Lương - Tuyết Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.