Ôsin ký sự - Kỳ cuối: Thôi, con xin nghỉ việc!

27/10/2010 08:49 GMT+7

Thằng bé bị sổ mũi. Tôi loay hoay đi tìm khăn giấy, khăn chưa kịp thấy thì bé Thoa đã cúi người, đưa miệng vào mũi thằng bé và hút mạnh. Tôi ngớ người không kịp phản ứng gì còn Thoa thản nhiên đi súc miệng sau khi lau khô mũi cho em!

Thoa

Ngày ấy Thoa 19 tuổi, được em tôi đưa từ quê lên. Nhà Thoa nghèo lắm, ba má cô đi buôn bán trên ghe. Hai chị em ở nhà và Thoa từng đi “bồng em” cho người ta từ nhỏ. Rồi lớn tí cô đi làm thuê, bán tiệm tạp hóa. Đi làm từ Vĩnh Long qua tận Cần Thơ, Sóc Trăng rồi lên Sài Gòn làm cho kem Bạch Đằng. Không biết lý do vì sao cô bé bỏ về quê rồi quay lại với nghề giữ em. Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh bé Thoa nhỏ xíu, gầy còm. Ngày mới đi làm, nhìn cô bé như 14-15 tuổi gì đó. Thoa lên nhà, bỏ giỏ xách vào góc nhà rồi ào tới làm quen. Chỉ khoảng 20 phút, cô bé đã ẵm gọn thằng cu Bi của tôi ra sân chơi. Mất một ngày để em có thể tập kêu tên chị và mất thêm vài ngày nữa để có cảm giác nhớ nhung. Ấy là lần đầu tiên tôi có một người giúp việc và cũng là lần đầu tiên tôi biết về một sự tận tâm. Thoa giữ em chu đáo, chăm sóc em tận tình. Mọi thứ trong nhà không phải nhắc nhở gì.

Trong câu chuyện của mình, Thoa thường nhắc về chuyện nhà như một quá khứ buồn. Ba má cứ bán buôn lên xuống theo mọi con nước ở miền Tây, còn Thoa đi giữ trẻ con từ sớm để lấy tiền lo cho em mình. Tảo tần đến lớn. Cô thỉnh thoảng nói thèm được ba má ở nhà. Trong những đêm thức khuya, Thoa hay nói cô thèm được ở một ngôi nhà có ba má luôn ở bên các con.

Rồi một ngày Thoa xin phép qua quận 8. Rồi về, bắt đầu những cuộc điện thoại. Thoa bắt đầu trở tính. Ngày nọ, cô gái lên nói gọn: “Chú ơi, cho con nghỉ việc!”. Tới giờ đó tôi cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bởi mọi thứ diễn ra vô cùng suôn sẻ cho tới ngày cô xách giỏ về quê mà không báo rõ lý do.

Mãi sau này người ta cho hay cô về quê và lấy một người hàng xóm, anh này có chiếc ghe bầu. Lại giống như ba má mình, Thoa lênh đênh trên sông nước sau một đám cưới nhanh chóng để chiều ý mẹ cha. Lý do mà tôi biết đó là một đám cưới trừ nợ, vì gia đình Thoa trước đây có thuê đất nhà hàng xóm nhưng làm ruộng thất bát và thiếu đến sau này. Nhà người ta có con trai muốn cưới Thoa làm vợ.

Tuy nhiên, phía sau câu chuyện ấy còn một câu chuyện nữa: Thoa lên Sài Gòn làm lại vì lời hứa với một người bạn trai, hình như ngày xưa cùng làm ở kem Bạch Đằng. Sau đó Thoa về quê, chàng trai này sang làm bên quận 8. Ngày Thoa qua thăm, phát hiện bạn trai mình đã có người con gái khác. Cô quày quả về quê, có chồng. Đám cưới làm có vẻ vội vã và người thân cho hay sau đó Thoa lại sống kiếp thương hồ trên sông nước như cha mẹ mình...

Và người kế tiếp là Nhí.

Giấc mơ của Nhí

Nhí, cô gái có cái tên rất quê mùa nhưng cũng từng là chữ mang tính “thời thượng” một lúc nào đó ở miền Tây. Khi phim Ôsin chiếu trên truyền hình năm 1994, lúc ấy bé Nhí mới 2 tuổi nên chắc chắn cô gái này không biết tại sao người ta gọi mình là ôsin. May cho cô, trong nhà tôi lại không thích dùng từ đó. Và bé Nhí ngẫu nhiên như một thành viên “cháu ở quê ra”. Cô dị ứng với từ ôsin, “người ở”.

Nhí đẹp. Mọi người nói với nhau Nhí không thua kém một diễn viên điện ảnh Hàn Quốc hay Trung Quốc nào nếu được trang điểm một tí thôi. Nhí biết đánh trống múa lân, biết hát tân nhạc và vọng cổ rất ngọt, có sở thích làm... người mẫu.

Nhí đã chinh phục ông ngoại sắp nhỏ bằng giọng ca ngọt lùi bài vọng cổ Chuyện tình Lan và Điệp. Bằng cách diễn trò: “Ông ngoại coi con làm người mẫu có đẹp không?”, cô bé đội lên đầu cuốn vở và bước sải chân như đi trên sàn diễn, ẹo người qua lại, quay sang phải trái nhún một cái rồi lấy tay chỉ vào lúm đồng tiền cười duyên. Ông ngoại cười khà khà khen con nhỏ có duyên. Có lần ông ngoại vô bếp, nghe Nhí “rầy” một người hàng xóm phụ nấu cơm: “Mình nấu cho người khác ăn cũng như nấu cho mình ăn, phải làm thiệt kỹ”. Và hằng ngày cô bé này đã sống trọn vẹn theo cách đó.

Nhí có một câu chuyện có thể làm người khác khóc - khi cô kể về chuyện cô và đứa em bị bỏ đói vì cha mẹ đi làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Cửa đóng, cô chui lỗ chó ra ngoài đi mượn gạo nấu cơm cho em ăn. Bé Nhí luôn khen em mình ngoan, giỏi và thông minh. Cô đi làm để có tiền cho em đi học. Cô cũng hồn nhiên kể chuyện anh chàng thu tiền điện ghé qua hỏi: “Tên gì?”, bảo: “Tên Nhí”. Hỏi: “Lớn rồi mà sao tên Nhí vậy?”. Đáp: “Ai biết đâu, ba má đặt vậy thì để vậy. Hồi đó giờ hổng có nói chuyện với con trai. Đừng có hỏi nữa, tui đang run!”. Chuyện không có đầu có đũa, cả nhà cười rần.

Thế rồi hằng tháng mẹ Nhí điện thoại lên. Tiền được chuyển về. Tới một ngày Nhí nói muốn được chụp hình gửi về cho mẹ. Hỏi đi hỏi lại gửi để làm gì? Rồi ai đó từ quê nói hình như có người muốn môi giới cho Nhí qua Đài Loan. Vợ chồng tôi hoảng hồn thuyết phục Nhí bằng những bài báo, những câu chuyện không nên. Rồi một ngày Nhí xin nghỉ việc nhưng may mắn là cô không có chồng Đài Loan.

Ông ngoại sắp nhỏ tiếc ngẩn ngơ cô bé giúp việc, đi đâu cũng nhắc Nhí. Có lần tôi về quê, ông tìm cách gửi tiền cho Nhí. Tôi biết trong lúc cố công thay đổi tương lai, cô đã chuyển nghề làm phục vụ trong quán cà phê nơi thị trấn. Rồi khoảng nửa năm sau, Nhí lại xuất hiện ở nhà tôi lần nữa. Lần này cô ôsin có chút thay đổi: ăn mặc điệu hơn, nấu ăn ngon hơn. Ấy là lúc cuộc “đổi đời” thất bại và cô về chơi với lũ nhỏ nhà tôi. Nhí vẫn nhí nhảnh như xưa. Có chàng trai nào đi ngang đường thì hay làm điệu. Tôi dặn Nhí hãy cố nấu ăn cho ngon, lúc nào đó sẽ mở quán và để cô phụ trách. Thế rồi một ngày nọ, ý định mở quán chưa kịp hoàn thành, Nhí khoanh tay nói lý nhí: “Thưa, chú cho con nghỉ làm, về quê!”. Lý do của mọi việc là em gái sắp có chồng và Nhí muốn ở nhà với cha mẹ mình. Vậy là mọi việc không kịp. Tiền của cô bé này làm cũng không kịp nuôi em gái theo con đường ăn học. Cái rẫy cái ruộng ba má cô thuê mãi cũng chẳng làm nhà khá giả hẳn lên. Giấc mơ dừng lại.

Cô bé Nhí và cả bé Thoa xưa đã hết thời gian để vượt thoát mình như nhân vật ôsin trong phim Nhật của ngày nào đó.

Chỉ có một người trong các cô gái giúp việc có được sự đổi thay cuộc đời là H.. Đó là trường hợp mà tôi thực hiện được lời hứa của mình. Khi em bé lớn sẽ tìm một việc làm khác cho H.. Và tôi xin được cho cô vào làm công nhân một nhà in. Rồi một ngày có một đám cưới diễn ra và H. trở thành cháu dâu nhà tôi.

Phim ảnh và cuộc đời không thể giống. Thôi thì dù sao cảm ơn ông trời cho những cuộc gặp gỡ ngọt ngào và đáng nhớ trong ký ức trẻ con của các con tôi...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.